Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự các Hội nghị cấp cao Việt Nam, Cam-pu-chia, Lào và Mi-an-ma

18/11/2010

Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 16-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Ðoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ 6, tổ chức tại Cung Hòa Bình ở Thủ đô Phnôm Pênh của Cam-pu-chia.

Sáng kiến hợp tác Tam giác phát triển CLV được đưa ra tại cuộc gặp giữa Thủ tướng ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia tại Viêng Chăn (Lào), tháng 10-1999, nhằm tăng cường đoàn kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững ổn định, an ninh của khu vực biên giới giữa ba nước.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: 'Nhìn lại quá trình hợp tác trong hai năm qua, bên cạnh những tiến bộ đã đạt được, chúng ta cũng nhận thấy rằng Tam giác phát triển CLV vẫn là khu vực có trình độ phát triển thấp so với các khu vực khác. Những thành tựu đạt được còn khiêm tốn, chưa thật sự tạo được đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hạ tầng còn chậm so với kế hoạch, nguồn lực để thực hiện các dự án còn hạn hẹp. Do đó, khu vực Tam giác phát triển cần được quan tâm và ưu tiên trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia'.

Tại Hội nghị, các Thủ tướng đã trao đổi và đánh giá cao các kết quả hợp tác đạt được trong việc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của 13 tỉnh thuộc Tam giác phát triển CLV trong thời gian qua; thông qua và đánh giá cao Quy hoạch lại khu vực Tam giác phát triển đến năm 2020, do Việt Nam chủ trì xây dựng. Kết thúc Hội nghị, các Thủ tướng ký Tuyên bố chung khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác chặt chẽ, nhằm biến khu vực Tam giác phát triển CLV thành một khu vực ổn định về an ninh, chính trị và phát triển về kinh tế. Các Thủ tướng chứng kiến lễ ký điều chỉnh Bản ghi nhớ về Chính sách ưu đãi cho khu vực Tam giác phát triển, giữa ba Chủ tịch Ủy ban điều phối.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị cấp cao Hợp tác bốn nước Cam-pu-chia - Lào - Mi-an-ma - Việt Nam (CLMV) lần thứ 5, được tổ chức tại Cung Hòa Bình. Hợp tác CLMV được thành lập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy hội nhập của các nước CLMV vào tiến trình phát triển chung của ASEAN và khu vực; một mặt phát huy lợi thế, tiềm năng hợp tác sẵn có của các nước CLMV, mặt khác là kênh kêu gọi hỗ trợ của các nước ASEAN khác và các đối tác phát triển. Tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các Thủ tướng Cam-pu-chia, Lào và Mi-an-ma điểm lại các hoạt động hợp tác đã triển khai từ Hội nghị CLMV lần thứ 4 diễn ra tại Hà Nội năm 2008 về việc thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác, gồm thương mại và đầu tư, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng, du lịch và phát triển nguồn nhân lực; đồng thời đề xuất định hướng tăng cường hợp tác CLMV trong thời gian tới. Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 5 ghi nhận một số tiến bộ cụ thể của hợp tác này trong thời gian vừa qua, như việc Việt Nam thành lập Quỹ học bổng CLMV. Ðể thúc đẩy việc tìm kiếm nguồn vốn cho các dự án CLMV, các Thủ tướng đã thông qua Danh sách 16 dự án đặc biệt ưu tiên của bốn nước.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, sau sáu năm kể từ khi hình thành năm 2004, hợp tác giữa bốn nước đã đạt được những kết quả bước đầu. Ðến nay, hợp tác CLMV đã chuyển từ giai đoạn định hình cơ chế, bước đầu thử nghiệm hoạt động sang từng bước triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hợp tác CLMV chưa đáp ứng mong muốn, chưa tương xứng tiềm năng của bốn nước, nhất là việc triển khai hợp tác còn chậm, chủ yếu do khó khăn trong việc huy động vốn và khả năng thực hiện các dự án rất thấp. Thủ tướng mong muốn các nước cùng tăng cường hợp tác hiệu quả hơn nữa theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, phát huy nội lực kết hợp với sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế, trong đó chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển.

Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Thủ tướng Cam-pu-chia, Lào và Mi-an-ma nhất trí thông qua Tuyên bố chung, khẳng định quyết tâm tiếp tục tăng cường hợp tác trong cơ chế CLMV vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước thành viên khác của ASEAN. Các Thủ tướng cũng nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 6 tại Lào vào năm 2012.

Tối cùng ngày, đã diễn ra lễ chiêu đãi chính thức của Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen chào mừng các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị, tại Cung Hòa Bình.

Chiều cùng ngày, bên lề các Hội nghị tại Phnôm Pênh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp song phương với Thủ tướng Lào Bua-xỏn Búp-phả-văn. Nhân dịp kỷ niệm 450 năm Thủ đô Viêng Chăn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc nhân dân Lào nói chung và nhân dân Thủ đô Viêng Chăn nói riêng tiếp tục đạt được nhiều thành tích mới to lớn hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và là trái tim của cả nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo với Thủ tướng Lào về chủ trương của Việt Nam hưởng ứng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 35 năm Quốc khánh Lào và 90 năm Ngày sinh Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản.

Thủ tướng Lào Bua-xỏn Búp-phả-văn cảm ơn Ðảng, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm, có kế hoạch tổ chức những hoạt động có ý nghĩa này, thể hiện tình hữu nghị gắn bó keo sơn, đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc; chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN 17 và các hội nghị liên quan, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thủ tướng Bua-xỏn Búp-phả-văn thông báo, Chính phủ Lào quyết định ủng hộ 100.000 USD giúp đồng bào miền trung Việt Nam bị lũ lụt vừa qua. Nhân dịp này, Thủ tướng Bua-xỏn Búp-phả-văn thông báo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một số nét về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Lào trong thời gian gần đây.

Hai Thủ tướng nhất trí cần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế và tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp, tích cực rà soát, kiểm điểm kết quả hợp tác Việt Nam - Lào trong năm 2010 và đề xuất các biện pháp đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước cũng như chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Lào lần thứ 33 đầu năm tới; tiếp tục ủng hộ và hợp tác với nhau trên các diễn đàn khu vực và đa phương. Hai Thủ tướng cũng trao đổi về một số tình hình quốc tế và khu vực nổi bật trong thời gian gần đây.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành đã gặp gỡ Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Cam-pu-chia, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư vào thị trường nước này. Theo báo cáo của Hiệp hội, sau hơn một năm tăng cường đầu tư sang Cam-pu-chia theo chủ trương của Chính phủ Việt Nam, hiện có hơn 60 dự án đầu tư sang Cam-pu-chia, với tổng số vốn hơn 900 triệu USD, gấp bốn lần về tổng số dự án và sáu lần về tổng vốn đầu tư so trước năm 2009, đưa Việt Nam đứng thứ ba trong số các nhà đầu tư vào Cam-pu-chia. Lĩnh vực đầu tư vào Cam-pu-chia của các doanh nghiệp Việt Nam tập trung chủ yếu vào ngân hàng - tài chính, hàng không, nông nghiệp, năng lượng, khai khoáng... Nổi bật là các dự án đang được tập trung triển khai, như năng lượng và thủy điện có tổng vốn đầu tư 2,2 tỷ USD do EVN quốc tế và IDICO chủ trì, khai thác bô-xít do Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam chủ trì... Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký các hợp đồng tín dụng với tổng số tiền hơn 150 triệu USD để tài trợ các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang Cam-pu-chia và tiếp tục tăng trong thời gian tới. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Cam-pu-chia thời gian qua cũng đạt những kết quả đáng khích lệ, kim ngạch thương mại đạt 1,150 tỷ USD, các mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam bắt đầu thâm nhập thị trường Cam-pu-chia và được người dân nước này tiếp nhận. Khai thác dịch vụ du lịch giữa hai nước tăng nhanh trong thời gian gần đây...

Ðánh giá cao những kết quả đầu tư, thương mại giữa hai nước cũng như đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Cam-pu-chia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam và Cam-pu-chia là hai nước láng giềng có quan hệ truyền thống lâu đời, mong muốn của lãnh đạo hai nước là cùng nhau thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Do vậy, việc các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư thành công tại Cam-pu-chia góp phần lớn vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, vì mục tiêu thịnh vượng và phát triển cho cả hai bên. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sang Cam-pu-chia và giao cho các bộ, ngành cùng với phía Cam-pu-chia tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, như sửa đổi, bổ sung Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, ban hành Nghị định về cho vay, bảo lãnh đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài...

H Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm dẫn đầu Ðoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao CLMV và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ACMECS. Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Hồng Phúc dẫn đầu Ðoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Ủy ban điều phối Tam giác phát triển, nhằm rà soát các hoạt động hợp tác cụ thể và chuẩn bị cho các Hội nghị cấp cao.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác