Tây Nguyên - diện mạo mới về kinh tế, xã hội

28/12/2010

10 năm qua, Tây Nguyên đã nâng cấp 2 đô thị loại I, thành lập 2 thành phố, 4 thị xã.

Sáng 27/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, Ban chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2001-2010. Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì hội nghị.

Hội nghị đánh giá, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Nguyên đã mang lại cho khu vực Tây Nguyên sự ổn định về chính trị và một diện mạo mới về kinh tế, xã hội. Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 10, Tây Nguyên đã được đầu tư toàn diện. Với sự đầu tư của Nhà nước, sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế đúng hướng của các địa phương, kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên đã đạt những kết quả rất ấn tượng. Nếu như năm 2001, thu nhập bình quân đầu người vùng Tây Nguyên chỉ đạt mức 2,9 triệu đồng thì năm 2010 đã tăng lên 15,5 triệu đồng ( bằng 67% mức bình quân của cả nước). Giá trị tổng sản phẩm khu vực Tây Nguyên năm 2010 tăng 2,8 lần so với năm 2001, tăng trưởng kinh tế đạt mức bình quân 11,9% năm.

10 năm, Tây Nguyên đã  nâng cấp 2 đô thị loại I, thành lập 2 thành phố, 4 thị xã. Cơ sở hạ tầng ở các thành phố, thị xã, thị trấn phát triển nhanh; hạ tầng nông thôn cũng có bước phát triển khá, 91% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 98% số thôn buôn có điện lưới quốc gia, tất cả các xã đã có trường tiểu học, trường mẫu giáo, trạm y tế. 5 tỉnh Tây Nguyên đã được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục Trung học cơ sở.

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cũng đạt nhiều kết quả với việc gần 1 triệu lao động được giải quyết việc làm, trong đó trên 180.000 lao động dân tộc thiểu số; giảm tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống còn 2,51%, (thấp nhất so với cả nước). Công tác xoá đói giảm nghèo được triển khai liên tục bằng nhiều giải pháp với gần 111.000 hộ được xoá nghèo. Tỉ lệ hộ nghèo hiện còn 10,34%, riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo từ 47,8% năm 2006 giảm xuống 19,9% hiện nay.

Hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, Tây Nguyên vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của khu vực còn ở mức thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh nhưng giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa bền vững, tỉ lệ tái nghèo, cận nghèo cao. Mục tiêu giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa hoàn thành với hơn 11 nghìn hộ chưa có đất sản xuất. Những hạn chế này sẽ tiếp tục được chú trọng giải quyết trong những năm tới đây.

Ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên nói: “Công tác xoá đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là một nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, phải được tập trung chỉ đạo với nhiều giải pháp tích cực. Thứ nhất, phải tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn để phục vụ cho việc phát triển các ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu kinh tế; đảm bảo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường giao thông đi lại cả hai mùa, có điện, hệ thống cấp nước, trạm y tế, trường học và các dịch vụ thiết yếu khác. Đồng thời, phải tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hoá, lấy nền tảng kinh tế hộ của đồng bào làm cơ sở và nghiên cứu, lựa chọn  xây dựng những mô hình làm ăn có hiệu quả, phù hợp với điều kiện đất đai, hạ tầng, tập quán của từng nơi để giúp tăng cao khả năng  và kỹ năng sản xuất hàng hoá của đồng bào. Tổ chức lại mạng lưới hệ thống khuyến nông, khuyến lâm đến hộ đồng bào và tiếp tục giải quyết đất sản xuất, giao rừng, khoán rừng cho cộng đồng buôn làng ở những nơi gần rừng để làm thế nào đồng bào có việc làm, tăng thu nhập”./.

Minh Châu

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác