Các địa phương trong cả nước tích cực chuẩn bị cho công tác bầu cử

18/02/2011

Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong năm 2011, chính vì vậy, trong những ngày gần đây, các địa phương trong cả nước đang gấp rút triển khai để cuộc bầu cử trở thành ngày hội lớn của đất nước.

* Thái Nguyên: Ngày 16/2, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND tỉnh các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được đồng chí Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban bầu cử của tỉnh quán triệt Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 5/1/2011 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 11/2/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài chính phổ biến các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của UBND tỉnh về tổ chức cuộc bầu cử, kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử; hướng dẫn công tác nhân sự; quy trình hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử; hướng dẫn sử dụng kinh phí bầu cử.

Sau khi được quán triệt các văn bản của Trung ương, tỉnh về công tác bầu cử, các đại biểu đã phát biểu thảo luận tại Hội trường, đóng góp ý kiến vào kế hoạch triển khai công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra theo đúng kế hoạch, chọn được người đủ đức, đủ tài vào bộ máy chính quyền các cấp.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Xuân Đương Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo đề nghị các đại biểu dự Hội nghị quán triệt kỹ các văn bản của Trung ương, tỉnh tới toàn thể nhân dân; đề cao vai trò của cấp ủy đảng trong công tác giới thiệu nhân sự; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử, các quy định của Luật Bầu cử ĐBQH, Luật Bầu cử HĐND tới toàn thể nhân dân... Đồng chí cũng yêu cầu, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị, nhân dân các dân tộc trong tỉnh có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh; đảm bảo cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

* Đà Nẵng: Ngày 16/2, thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Hội nghị đã tập trung quán triệt Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị: Chỉ thị số 192/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; nghe hướng dẫn công tác nhân sự; giới thiệu công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử; triển khai thông tư của Bộ Nội vụ về hướng dẫn một số nội dung về tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Thành phố Đà Nẵng xác định cuộc bầu cử sắp tới lần đầu tiên được tổ chức trong cùng một ngày trong điều kiện thành phố Đà Nẵng là 1 trong 10 địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Vì vậy, tại cuộc bầu cử lần này, Đà Nẵng chỉ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng, HĐND các xã thuộc huyện Hòa Vang nhiệm kỳ 2011- 2016. Đà Nẵng là thành phố đang trong quá trình chỉnh trang đô thị, do vậy việc tổ chức bầu cử gặp một số khó khăn nhất định nên phải tập trung tổ chức thực hiện hết sức chặt chẽ đảm bảo đúng luật định.

Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác bầu cử ĐBQH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp thành phố Đà Nẵng gồm 18 người do đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XII đơn vị thành phố Đà Nẵng làm Trưởng ban và Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII.

* Ninh Thuận: Ngày 15/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận tổ chức Hội nghị triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XIII và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe và quán triệt Chỉ thị số 50 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 192 của Thủ tướng Chính phủ về việc lãnh đạo, tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; kế hoạch triển khai và các văn bản về quy trình các bước hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HÐND.

UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc thành lập Ủy ban bầu cử ĐBQH khóa XIII và đại biểu HÐND các cấp tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2011-2016, gồm 26 đồng chí. Ðồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Ủy ban bầu cử.

* Quảng Ngãi: Ngày 15/2, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Hội nghị tập trung quán triệt Chỉ thị 50-CT/T.Ư của Bộ Chính trị về “Lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016” và các chỉ thị, kế hoạch văn bản hướng dẫn của Trung ương.

Hội nghị nhấn mạnh việc cần thiết trước mắt là triển khai tốt kế hoạch, chỉ thị và các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác bầu cử ĐBQH và HÐND các cấp lần này của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi; thực hiện nghiêm túc quyết định của UBND tỉnh về việc thành lập Ủy ban bầu cử và triển khai công tác nhân sự, việc lựa chọn, giới thiệu đại biểu ứng cử vào Quốc hội, HÐND các cấp cần thể hiện dân chủ, đúng luật...; các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác bầu cử; chú trọng công tác an ninh, trật tự, bảo đảm cuộc bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HÐND các cấp trên địa bàn tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và đạt kết quả tốt.

* Hải Phòng: Hải Phòng là một trong 10 tỉnh, thành phố của cả nước đang làm thí điểm việc bỏ tổ chức HĐND tại các quận, huyện và phường. Vì vậy, việc bầu cử và kiện toàn tổ chức HĐND nhiệm kỳ mới sắp tới chỉ tiến hành đối với thành phố, xã và thị trấn trên địa bàn (kể cả huyện đảo Bạch Long Vĩ).

Đến thời điểm này, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã thành lập Ban Chỉ đạo 

Hội nghị triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 TP Hải Phòng công tác bầu cử, gồm 15 thành viên do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành làm Trưởng ban; UBND thành phố thành lập Ủy ban Bầu cử thành phố gồm 25 nguời, do Chủ tịch HĐND thành phố khoá XIII, Nguyễn Văn Thuận làm chủ tịch. Thành phố cũng đã ban hành kế hoạch triển khai công tác bầu cử, quyết định phân bổ kinh phí bầu cử, dự thảo hướng dẫn công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp khoá XIV (nhiệm kỳ 2011-2016).

Ngay sau hội nghị, thành phố tập trung tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND tới mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của mình, góp phần thực hiện tốt cuộc bầu cử. Các địa phương quan tâm, chuẩn bị tốt công tác nhân sự cho cuộc bầu cử; các ngành chức năng phối hợp với chính quyền các cấp tập trung giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm, an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử...

* Điện Biên: Tỉnh ủy Điện Biên cũng đã triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XIII, bầu cử đại biểu HĐND 3 cấp nhiệm kỳ 2011- 2016 tới cán bộ toàn tỉnh.

Thực hiện Chỉ thị số 50 của Bộ Chính trị, từ ngày 14/2, Ban thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đã ra Quyết định số 162, thành lập Ban Chỉ đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016 gồm 17 đồng chí, trong đó đồng chí Lò Mai Trinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Phó Trưởng ban thường trực.

* Nam Định: Ngày 15/2, tỉnh Nam Định đã tổ chức triển khai công tác bầu cử ĐBQH khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp đến cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành và địa phương.

Tại Hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định đã quán triệt các văn bản của Bộ chính trị, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội đồng bầu cử Trung ương, các cơ quan Trung ương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Uỷ ban bầu cử tỉnh về chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp; những nội dung cơ bản của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2001, Luật bầu cử đại biểu HĐND năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu HĐND năm 2010.

Theo kế hoạch, tại kỳ bầu cử sắp tới, số lượng đại biểu Quốc hội được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ấn định cho tỉnh Nam Định là 9 đại biểu. Sau khi thống nhất với thường trực HĐND tỉnh Nam Định, Ban thường trực Uỷ ban MTTQ, UBND tỉnh Nam Định dự kiến trình Hội đồng bầu cử chia thành 3 đơn vị bầu cử. UBND tỉnh cũng dự kiến trình Chính phủ phê chuẩn số lượng đại biểu HĐND tỉnh Nam Định khoá XVII, nhiệm kỳ 2011-2016 là 67 đại biểu, được bầu ở 20 đơn vị bầu cử. Các khu vực bỏ phiếu dự kiến sẽ được giữ ổn định như kỳ bầu cử Quốc hội năm 2007 (1.743 khu vực).

* Quảng Nam: Tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội nghị triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 đến các đại diện các ban ngành chức năng, cán bộ chủ chốt trên toàn tỉnh. Theo đó, các đại biểu được quán triệt các nội dung quan trọng trong công tác bầu cử.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh: Để công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 trên địa bàn diễn ra theo đúng quy định, các đơn vị có chức năng cần quán triệt ý nghĩa của công tác bầu cử đến với đông đảo nhân dân. Tỉnh tổ chức để những người ứng cử đối thoại, giao lưu trực tiếp với nhân dân; tiến hành tổ chức tốt các hội nghị hiệp thương; kiên quyết ngăn chặn sự lợi dụng dân chủ để xuyên tạc, làm trái đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập Ủy ban bầu cử gồm 27 thành viên, đồng chí Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Ủy ban bầu cử.

* Vĩnh Long: Ngày 15/2, đồng chí Ðặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long chủ trì hội nghị thông báo kết quả Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI và triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XIII và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Tỉnh ủy Vĩnh Long đã quán triệt đến các đại biểu chỉ thị của Bộ Chính trị, chỉ thị của Tỉnh ủy về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa VIII và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công bố ngày bầu cử và thành lập Hội đồng bầu cử; Kế hoạch của Hội đồng bầu cử Trung ương về triển khai công tác bầu cử ÐBQH và HÐND các cấp; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức bầu cử ĐBQH và đại biểu HÐND các cấp, các hướng dẫn cơ cấu thành phần và số lượng đại biểu; việc sử dụng kinh phí cho bầu cử, công tác nhân sự ĐBQH và đại biểu HÐND các cấp. Ðồng thời công bố quyết định thành lập ĐBQH và đại biểu HÐND các cấp của tỉnh.

* An Giang: Ngày 15/2, tỉnh An Giang đã tổ chức triển khai công tác bầu cử ĐBQH khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp đến cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành và địa phương.

Tại Hội nghị, các đại biểu được hướng dẫn quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, người ứng cử HĐND và việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri. Các cán bộ chủ chốt tỉnh An Giang còn được thông tin về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh...

Hội nghị đã công bố Quyết định của UBND Tỉnh An Giang về thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2011 – 2016 gồm có 27 đồng chí, do đồng chí Vương Bình Thạnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh An Giang làm Chủ tịch.

* Phú Yên: Ngày 15/2, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Quyết định thành lập Uỷ ban bầu cử ĐBQH khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Theo đó, Uỷ ban bầu cử của tỉnh Phú Yên có 23 thành viên do ông Phạm Đình Cự, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Uỷ ban bầu cử. Trước đó, ngày 14/2, tại phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự đã chỉ đạo lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố phải chủ động và có trách nhiệm với công việc được giao, nhất là phải đảm bảo tình hình an ninh trật tự; giải quyết những trường hợp về khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử cũng như nguời ứng cử; tập trung thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền từ nay cho đến kết thúc bầu cử...

Ngày 18/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức Hội nghị cán bộ lãnh đạo chủ chốt để triến khai thực hiện cuộc bầu cử ĐBQH khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016./.

 

 

Linh Nhi

(http://www.cpv.org.vn/)

Các bài viết khác