Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII

25/02/2011

Dự kiến kỳ bầu cử Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 vào ngày Chủ nhật 22/5/2011.

Sáng 23/2, tại trụ sở Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để tiến hành hiệp thương thoả thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được bầu làm đại biểu Quốc hội theo dự kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và hiệp thương thoả thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên Trung ương ra ứng cử đại biểu Quốc hội XIII.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng đại diện một số Bộ, ban, ngành Trung ương dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm nhấn mạnh, bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp là sự kiện chính trị trọng đại, là một trong những việm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2011; là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong nhân dân; là dịp để cử tri cả nước phát huy quyền làm chủ, lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình tại cơ quan quyền lực Nhà nước; góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, và vì dân trong sạch, vững mạnh.

Theo luật định MTTQ phải lựa chọn, giới thiệu được những người đủ tiêu chuẩn ra ứng cử qua các bước hiệp thương theo luật định. Đây là khâu rất quan trọng để lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội bảo đảm tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu, thành phần, thể hiện được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Dự kiến kỳ bầu cử Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 vào ngày Chủ nhật 22/5/2011.

Tại hội nghị này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu những nội dung chủ yếu và những điểm mới trong trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân và công bố dự kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá XIII.

Dự kiến Quốc hội khoá mới có 500 đại biểu

Theo đó, dự kiến số lượng đại biểu Trung ương và địa phương là 500 đại biểu, trong đó đại biểu Trung ương là 183 đại biểu (chiếm 36,6%) và địa phương là 317 đại biểu (63,6%); Khối Đảng là 34 đại biểu (6,8%), trong đó Trung ương 11 đại biểu (có 1 đại biểu báo Nhân dân) chiếm 2,2%, địa phương có 23 đại biểu (4,6%); Quốc hội và HĐND 196 đại biểu (39,2%); Số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các cơ quan Quốc hội là 100 đại biểu (20%) ; Đại biểu chuyên trách ở đoàn đại biểu Quốc hội 65 đại biểu (13%), HĐND 31 đại biểu (6,29%); Cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu; Chính phủ và UBND 29 đại biểu, trong đó Trung ương 20 đại biểu (4%), địa phương 9 đại biểu; Khối lực lượng vũ trang, Quân đội 23 đại biểu, trong đó Trung ương 14 đại biểu và địa phương 18 đại biểu. Công an 14 đại biểu; Khối cơ quan Tư pháp 17 đại biểu; Mặt trận Tổ quốc 82 đại biểu, trong đó Trung ương 31 đại biểu (6,2%), địa phương 51 đại biểu (10,2%); Số đại biểu kết hợp Trung ương và địa phương, đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số 90 đại biểu (18%), đại biểu nữ 150 đại biểu (30%), đại biẻu ngoài Đảng 10-15%, đại biểu trẻ dưới 40 tuổi khoảng 70 đại biểu (14%), số đại biểu khoá XII tái cử 160 đại biểu (32%).

Cơ cấu tham gia đại biểu Quốc hội khoá XIII, địa phương không nằm trong 1 thành phần cơ cấu 2 nhiệm kỳ Quốc hội liên tiếp; Các tỉnh, thành phố dưới 7 đại biểu (địa phương 4, trung ương 3) không cơ cấu khi mặt trận đoàn thể hoặc khối nội chính 2 đại biểu.

Thảo luận về cơ cấu

Hội nghị cũng đã cho ý kiến thảo luận và thoả thuận về cơ cấu, thành phần, nhân sự ở các cơ quan Trung ương được giới thiệu ứng cử.

Các thành viên tham dự hội nghị đã thẳng thắn phân tích, đề xuất nhiều ý  kiến thiết thực về có cấu số lượng, thành phần đại biểu ở trung ương trong quốc hội khóa XIII tới. Ông Nguyễn Túc - thành viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam nêu ý kiến nhất trí với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc tăng số đại biểu Quốc hội chuyên trách. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Túc đề nghị tăng số lượng đại biểu MTTQ và số người ngoài Đảng để thể hiện không khí dân chủ trong Đảng, trong dân và nên giảm số lượng khối Chính phủ hiện nay trong cơ cấu Quốc hội cũng như cơ quan Nhà nước để 3 đại biểu là không cần thiết.

Về số lượng đại biểu dân tộc thiểu số, ông Lò Văn Que, Ủy viên Đoàn chủ tịch Uỷ ban TU MTTQ Việt Nam cho rằng cần tăng thêm số đại biểu là người dân tộc thiểu số chứ không nên dừng ở con số 90 như dự kiến.

Nhiều đại biểu có ý kiến đảm bảo cơ cấu là cần thiết, nhưng cần quan tâm hơn đến chất lượng hoạt động của Quốc hội để đảm bảo có một Quốc hội mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới, CNH, HĐH đất nước. Muốn vậy, cần tăng cường đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu có trình độ, năng lực, dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ đại biểu của dân.

Theo đại biểu Trương Công Phú, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội cần chú trọng đạt tiêu chuẩn trình độ không nên chú trọng quá nặng về cơ cấu. Đại biểu cũng cho rằng để thực thi chính sách tốt, thành phần đại biểu Chính phủ trong Quốc hội nên giảm bớt.

Cũng có ý kiến cho rằng nên quan tâm nghiên cứu kỹ đến việc đại biểu là Việt kiều được ứng cử đại biểu Quốc hội.

Một số vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm góp ý là đồng tình với chỉ tiêu phân bổ theo dân số nhưng không nên dàn trải theo tỉnh, thành phố. Vì cơ quan Quốc hội chia như vậy dẫn đến tỉnh, thành phố có đông dân sẽ có đại biểu nhiều trong khi các ngành chuyên môn sâu lại thiếu đại biểu thì những vấn đề thiết thực của  nhân dân và xã hội sẽ không phản ánh được.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho ý kiến về số lượng đại biểu dân tốc thiểu số, đại biểu ngoài Đảng, cơ cấu đại biểu nữ, tuổi trẻ dưới 40… Đại biểu Lò Văn Que đề nghị cân nhắc xem xét tăng thêm số lượng đại biểu thần các dân tộc. Theo đại biểu một số dân tộc có đông người nhưng chưa có đại diện trong Quốc hội là chưa hợp lý.

Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho rằng Quốc hội phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng nhưng cần tăng thêm số đại biểu là người ngoài Đảng để phát huy trí tuệ toàn dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận những ý kiến góp ý thẳng thắn của các thành viên Ủy ban TU MTTQ Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp thu, báo cáo những ý kiến của Hội nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thống nhất lần cuối cùng về cơ cấu thành phần, số lượng đại biểu theo hướng đảm bảo ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Hội nghị cũng đã nghe và thảo luận và thoả thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức  thành viên được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII./.

 

 

Đỗ Hưng

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác