Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Lương thực và Quản lý Thiên tai CHND Băng-la-đét; Tư lệnh lực lượng quốc phòng Xin-ga-po

20/04/2011

Chiều 18-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Lương thực và Quản lý Thiên tai CHND Băng-la-đét M.A.Ra-da-cơ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chính sách nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với Băng-la-đét trên các lĩnh vực, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Việt Nam sẵn sàng cung cấp gạo lâu dài để bảo đảm an ninh lương thực cho Băng-la-đét. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, chuyến thăm của Bộ trưởng M.A.Ra-da-cơ mở ra triển vọng hợp tác mới trong lĩnh vực thương mại và nông nghiệp giữa hai nước. Thủ tướng đánh giá cao kết quả làm việc của Bộ trưởng với các bộ, ngành hữu quan của Việt Nam, đặc biệt là ký kết ghi nhớ về thương mại lương thực giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, kết quả kim ngạch thương mại hai nước đạt 400 triệu USD trong năm 2010 và hợp tác trên lĩnh vực đầu tư còn ít, chưa xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai nước. Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam- Băng-la-đét cần xây dựng những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước. Trong đó, tập trung thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai nước, nhất là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam sang Băng-la-đét đầu tư vào lĩnh vực dệt may, da giày...

Bộ trưởng M.A. Ra-da-cơ cho rằng, hai nước có nhiều điểm tương đồng và có rất nhiều lĩnh vực hợp tác, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.... Bộ trưởng M.A.Ra-da-cơ chuyển lời mời của Thủ tướng nước này tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm chính thức Băng-la-đét; khẳng định, Việt Nam là bạn hàng lớn của Băng-la-đét trong  bảo đảm an ninh lương thực. Bộ trưởng M. A. Ra-da-cơ cho biết, với dân số hơn 150 triệu người, Băng-la-đét mong muốn thu hút các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, dệt may, da giày...

Cảm ơn Thủ tướng Băng-la-đét mời Thủ tướng sang thăm chính thức nước này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sẽ sang thăm Băng-la-đét và thời gian chuyến thăm sẽ được thu xếp qua đường ngoại giao.

* Ngày 18-4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng  Lương thực và Quản lý Thiên tai Băng-la-đét M.A.Ra-da-cơ ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Băng-la-đét về thương mại gạo. Bản Ghi nhớ này là cơ sở pháp lý cho việc thiết lập quan hệ mua bán gạo ổn định, giúp phát triển quan hệ đối tác chiến lược về cung cấp lương thực giữa hai nước. Qua đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những nước cung cấp gạo hàng đầu, nâng cao vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh lương thực khu vực và quốc tế.

Hiện tại, Băng-la-đét có nhu cầu nhập khẩu gạo đồ và mới đây là gạo trắng ổn định và có xu hướng ngày càng tăng trong những năm tới (nhằm tăng lượng dự trữ lên ba triệu tấn vào năm 2020). Băng-la-đét rất quan tâm đến gạo Việt Nam để phần nào thay thế nguồn gạo đồ bị hạn chế nguồn cung và giá cao, hơn nữa Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về giá cả và khoảng cách địa lý... Thị trường và người tiêu dùng Băng-la-đét hài lòng với chất lượng gạo của Việt Nam. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam sang Băng-la-đét tăng trưởng đột biến, đạt gần 120 triệu USD với số lượng hơn 350 nghìn tấn các chủng loại gạo. Thời gian tới, Việt Nam cũng sẽ tăng cường mở rộng sản xuất gạo đồ để bảo đảm cung cấp cho nhu cầu lớn của thị trường Băng-la-đét.

* Cùng chiều, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Trung tướng Neo Kian Hong, Tư lệnh lực lượng quốc phòng Xin-ga-po đang thăm làm việc tại nước ta.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả hội đàm giữa ngài Neo Kian Hong với Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; cho rằng, chuyến thăm sẽ đóng góp thiết thực thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, đặc biệt là hai nước đã ký Tuyên bố chung về khuôn khổ phát triển trong thế kỷ 21, kết nối giữa hai nền kinh tế... đang mang lại hiệu quả thiết thực cho cả hai bên. Hiện Xin-ga-po là bạn hàng và là nhà đầu tư lớn của Việt Nam, hợp tác giáo dục, y tế.... đang phát triển tốt. Thủ tướng cũng đánh giá cao hợp tác quốc phòng giữa hai nước, nhất là trao đổi kinh nghiệm, hợp tác về đào tạo, hợp tác hải quân.... Thủ tướng cảm ơn Chính phủ và Bộ Quốc phòng Xin-ga-po ủng hộ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong năm Việt Nam đảm nhận Chủ tịch ASEAN và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần đầu tiên, mở ra chương mới trong việc hợp tác để bảo đảm  hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và thế giới.

Ðề cập về vấn đề Biển Ðông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, tự do hàng hải ở Biển Ðông là phù hợp nguyện vọng, lợi ích của các nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới. Do vậy, các bên liên quan cần nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) là giải pháp duy nhất để bảo đảm hòa bình, ổn định, tự do hàng hải ở Biển Ðông. Ðây là lập trường chung của các nước ASEAN, các bên cần kiên trì đám phán để tiến tới Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Ðông (COC). Trong tiến trình này, quân đội các nước trong khu vực đóng vai trò quan trọng.

Ðồng tình với quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trung tướng Neo Kian Hong cho rằng, tự do hàng hải là hết sức quan trọng trong phát triển của các nước trong khu vực. Do vậy, các bên cần thực hiện nghiêm túc Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) được ký kết giữa ASEAN với Trung Quốc nhằm bảo đảm ổn định, hòa bình và phát triển ở khu vực và thế giới. Về Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, Trung tướng Neo Kian Hong khẳng định, sự ủng hộ của Xin-ga-po trong việc tăng cường hợp tác quân y, chống khủng bố và cướp biển, cứu hộ, cứu nạn.

Trung tướng Neo Kian Hong cho rằng, quan hệ hai nước phát triển rất tốt đẹp, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.... mang lại lợi ích cho cả hai bên, trong đó hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng cũng đang triển khai có hiệu quả về đào tạo tiếng Anh, hợp tác hải quân và lục quân, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác