Phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo cải cách tư pháp

07/10/2011

Ban chỉ đạo hoạt động với mục tiêu xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh để bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân.

Sáng 5/10, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2011-2016 tổ chức phiên họp thứ nhất. Ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì phiên họp.

Phiên họp đã công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2011-2016 và Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác; Thông qua quyết định của Ban chỉ đạo về phân công nhiệm vụ các thành viên Ban chỉ đạo và quyết định kiện toàn Ban thư ký chỉ đạo cải cách tư pháp; Thảo luận, quyết định việc điều chỉnh chương trình làm việc từ nay đến cuối năm.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo là kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghiên cứu, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau và những nội dung mới phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Trong các phiên họp tiếp theo của năm 2011, Ban chỉ đạo tập trung thảo luận, thông qua chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp và Chương trình làm việc của Ban chỉ đạo giai đoạn 2011-2016; Thảo luận, cho ý kiến về các đề án: “Đổi mới, hoàn thiện tổ chức và hoạt động các cơ quan tư pháp trong quân đội”, “Thống nhất đầu mối đào tạo nghề cho cán bộ có chức danh tư pháp”, Thảo luận, cho ý kiến đề án “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam”…

Với mục tiêu xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, để bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, ông Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo cần kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được trong các nhiệm kỳ trước; đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại.

Liên quan đến các chương trình làm việc từ nay đến cuối năm, ông Trương Tấn Sang đề nghị Ban chỉ đạo cần ưu tiên những vấn đề cấp bách, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm để bàn thảo, cho ý kiến xác đáng, kịp thời, bổ sung hiến pháp năm 1992./.

Huy Nam

(http://vov.vn/)

Các bài viết khác