Quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân dân trao cho các cơ quan nhà nước tổ chức và thực hiện trên thực tế.

09/03/2012

"Nhà nước Cộng hòa XHCN là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân… Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Theo đó, quyền lực nhà nước được hiểu là quyền lực của nhân dân trao cho các cơ quan nhà nước tổ chức và thực hiện trên thực tế.

 

Vì sao phải phân công thực hiện quyền lực nhà nước? 

Bộ máy nhà nước gồm các cơ quan, có chức năng khác nhau. Và phải có sự phân công hợp lý chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.  Điều này được quy định trong Hiến pháp và trong luật sẽ là cơ sở pháp lý để thực hiện. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng sự phân  công quyền lực ở đây không là sự tách bạch quyền lực mang tính độc lập đơn thuần mà trên cơ sở của chức năng thực hiện. Hiểu theo nghĩa đó, thì sự phân quyền có sự phối hợp, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan, hạn chế được lạm quyền trong thực hiện. Sự phân công quyền lực hợp lý còn tạo được sự chủ động hoạt động của mỗi cơ quan nhà nước cũng như tạo nên sự hoạt động đồng bộ của Bộ máy nhà nước.

Sự phân công thực hiện quyền lực nhà nước cần  hiểu một cách linh hoạt, không chỉ là giữa các loại cơ quan khác nhau mà còn thể hiện ở trong mỗi loại cơ quan nhà nước khi thực hiện quyền lực. Ngay cả việc thực hiện quyền hành pháp cũng cần có sự phân công giữa Chính phủ với các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, sự phân công thực hiện quyền tư pháp ngay trong các cơ quan tư pháp như viện kiểm sát, tòa án, công an. Mỗi cơ quan, trong phạm vi hoạt động của mình mà thể hiện nhiệm vụ khác nhau và cùng phục vụ cho hoạt động tư pháp, cho lĩnh vực thuộc chức năng hoạt động của mình.

Về vấn đề tổ chức và phân công quyền lực nhà nước, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ví von một cách hình ảnh rằng: tổ chức và kiểm soát quyền lực nhà nước gắn bó chặt chẽ với nhau, không thể tách rời, như hai mặt của một tấm Huân chương. Kiểm soát quyền lực nhà nước như là lý do của sự phân quyền. Sự phân quyền và kìm chế đối trọng quyền lực có thể được phân làm hai loại cơ bản đó là phân quyền ở chiều dọc và phân quyền theo chiều ngang. Trong đó, phân quyền theo chiều dọc được hiểu là quyền lực nhà nước được chế ước bằng việc phân quyền cho địa phương . Phân quyền theo chiều ngang được hiểu là phân quyền giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Phân quyền theo chiều ngang là cách phân quyền phổ biến và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tổ chức và kiểm soát quyền lực nhà nước của bất kỳ nhà nước nào.

Trở lại vấn đề phân quyền trong cơ cấu tổ chức quyền lực của nước ta, điều 2 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân… Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Theo đó, quyền lực nhà nước được hiểu là quyền lực của nhân dân trao cho các cơ quan nhà nước tổ chức và thực hiện trên thực tế.

Theo PGS. TS Nguyễn Minh Đoan, Đại học Luật Hà Nội cho rằng: sự phân công giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực nhà nước cũng chỉ mang tính chất tương đối, không phân công tách biệt một cách tuyệt đối, nghĩa là làm sao để cơ quan được phân công thực hiện một quyền lực nào đó vừa có sự độc lập tương đối, bảo đảm tính chuyên nghiệp đối với công việc được giao vừa giữ mối liên hệ, sự ràng buộc, chế ước từ các cơ quan khác trong  một cơ chế thống nhất của bộ máy nhà nước.

Như vậy, việc phân quyền giữa 3 cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện quyền lực nhà nước. Với vai trò là cơ quan lập pháp, QH ban hành các văn bản luật. Để các văn bản này được thực thi thì phải thông qua cơ quan hành pháp. Là cơ quan hành pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp thông qua việc tổ chức thi hành luật, đưa văn bản luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và triển khai thi hành luật không tránh khỏi những vi phạm và cần phải được xem xét, giải quyết. Lúc này, vai trò của cơ quan tư pháp sẽ được thể hiện với tư cách là cơ quan để phán quyết những vi phạm trong quá trình thực thi pháp luật. Do đó, sự phân quyền nhưng không “cứng” mang tính cơ học mà có sự phối hợp thực hiện một cách nhịp nhàng. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan còn thể hiện ở sự bổ sung thực hiện chức năng giữa các cơ quan ngày càng tốt hơn. Ở nước ta hiện nay, Chính phủ là cơ quan hành pháp nhưng với sự trợ giúp trong việc soạn thảo các dự án luật đã giúp QH thực hiện quyền lập pháp một cách tốt hơn. Và trong quá trình thực hiện chức năng của mình, QH, các cơ quan tư pháp đã giúp Chính phủ thi hành pháp luật được hiệu quả hơn, hạn chế được những sai phạm đáng tiếc xảy ra…

Cần có quy định cụ thể về kiểm soát quyền lực nhà nước

Thời gian qua, với sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, hiệu quả hoạt động của Bộ máy nhà nước được khảng định và đã được nâng lên. Tuy nhiên, hiện nay, trong cách thức phân công thực hiện quyền lực nhà nước còn tồn tại tình trạng  vai trò kép, dẫn đến  bất cập trong thực hiện và cần được nghiên cứu  xử lý. Đó là QH có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Tối cao trong số các ĐBQH. Như vậy, ĐBQH được bầu vào các chức danh này đồng thời phải gánh cả cả hai vai trò, vừa là người giám sát, vừa là người thực thi. Có nhiều ý kiến cho rằng, điều này đã làm giảm đi tính khách quan cũng như hiệu quả chức năng giám sát của cơ quan lập pháp. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng những người ở vị trí đó phải là đại biểu Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm.  Các chuyên gia thì  cho rằng cần phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để quá trình phối hợp, hỗ trợ giữa các cơ quan thực hiện quyền lực này thực sự là yếu tố tích cực, tránh việc nể nang trong việc thực hiện kiểm soát lẫn nhau. Có như vậy, hiệu quả phối hợp, kiểm soát giữa ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, mới được phát huy, tạo nên được tính cân bằng trong Bộ máy nhà nước.

Đóng góp về việc sửa đổi Hiến pháp sắp tới về vấn đề phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung cũng cho rằng: Hiến pháp của Việt Nam cũng có những điều khoản quy định về vấn đề tổ chức và kiểm soát quyền lực nhà nước nhưng sự thể hiện rõ ràng của mối quan hệ phân quyền thể hiện sự kiểm soát giữa các quyền vẫn còn rất mờ nhạt. Giáo sư cũng đề nghị trong việc sửa đổi Hiến pháp sắp tới cũng như trong công cuộc cải cách tiếp theo phải tính đến sự biểu hiện mạnh mẽ hơn nữa sự kiểm soát quyền lực nhà nước.

Hà An

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác