Khai mạc kỳ họp thứ ba Hội đồng Lý luận Trung ương

20/03/2012

Ngày 19-3, tại Hà Nội, đã khai mạc kỳ họp họp thứ ba Hội đồng Lý luận T.Ư. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư chủ trì kỳ họp. Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở T.Ư và các thành viên Hội đồng Lý luận T.Ư dự kỳ họp.

Trong hai ngày làm việc, Hội đồng Lý luận T.Ư và các đại biểu tiến hành hai hội thảo khoa học về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai và an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay để tư vấn với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành T.Ư về việc soạn thảo các đề án: đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai; tổng kết việc thi hành và bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, định hướng sửa đổi Luật Đất đai năm 2003; một số vấn đề an sinh xã hội giai đoạn 2012 - 2020..., thiết thực phục vụ Hội nghị Trung ương 5.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại kỳ họp, đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ: Luật Đất đai đã có những tác động tích cực, sâu rộng đến sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, góp phần làm nên những thành tựu lớn trong 25 năm đổi mới vừa qua. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Đất đai cũng nảy sinh những vướng mắc, bất cập. Đồng chí đề nghị các đại biểu dự hội thảo tập trung thảo luận những vấn đề chính: Phân tích về hệ thống chính sách, pháp luật đất đai và kết quả thực hiện hệ thống chính sách, pháp luật đất đai trong hơn 25 năm đổi mới vừa qua; phân tích những vấn đề đặt ra trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đất đai theo quan điểm Đại hội lần thứ XI của Đảng; đề xuất các kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương về các chủ trương lãnh đạo, định hướng việc nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai năm 2003.

Về vấn đề an sinh xã hội hiện nay, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: An sinh xã hội là chủ trương, nhiệm vụ lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu còn nhiều mặt bất cập, yếu kém. Nhiều vấn đề mới liên quan đến an sinh xã hội đang đặt ra, cần được làm rõ cả về cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội ở nước ta trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong quá trình đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định bảo đảm tốt an sinh xã hội là một chủ trương, nhiệm vụ lớn và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững của đất nước. Nhận thức, quan điểm và cơ chế, chính sách phát triển hệ thống an sinh xã hội đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Tuy nhiên, so với yêu cầu còn những mặt bất cập yếu kém. Phải phân tích những thành tựu đã đạt được và những mặt bất cập, yếu kém, chỉ ra nguyên nhân và phương hướng giải quyết. Rất nhiều vấn đề mới và khó liên quan an sinh xã hội đang đặt ra, cần được làm rõ hơn cả về cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội ở nước ta. Đồng chí đề nghị các đại biểu phát huy trách nhiệm, thật sự dân chủ, tập trung trí tuệ thảo luận những vấn đề cốt lõi nhất, phân tích chủ trương, chính sách, tổ chức thực hiện về bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta trong 25 năm đổi mới vừa qua, chỉ rõ những thành tựu, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân những vấn đề đặt ra trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội ở nước ta; đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành T.Ư những mục tiêu, quan điểm, những giải pháp chủ yếu, những giải pháp mới có tính đột phá, khả thi để nâng cao chất lượng và hiệu quả an sinh xã hội trong giai đoạn 2012 - 2020.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác