Nhiều hoạt động kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

16/06/2012

Chiều 14-6, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2012), Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư tổ chức Lễ ra mắt Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật số đầu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Tô Huy Rứa,  Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Ðinh Thế Huynh, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư gửi lẵng hoa chúc mừng. Ðến dự, có đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư; các đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Bùi Thế Ðức, Nguyễn Thế Kỷ, Trương Minh Tuấn, Lâm Phương Thanh; đại diện các bộ, ban, ngành có liên quan, các nhà phê bình lý luận văn học, nghệ thuật lão thành, và các cơ quan truyền thông, báo chí. Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư T.Ư Ðảng, sau bốn năm hoạt động và phát triển, Bản tin Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật được nâng cấp thành Tạp chí Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật. Ðây là tạp chí đầu tiên ở nước ta chuyên về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, nhằm thực hiện chức năng tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn học nghệ thuật; tham gia định hướng, thông tin về các hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Tạp chí đồng thời là diễn đàn lý luận, phê bình chung của cả giới nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ cả nước. Trong hoàn cảnh hoạt động lý luận, phê bình còn nhiều khó khăn, tạp chí là sự quy tụ tâm huyết, cảm hứng khám phá, sáng tạo không chỉ của các tác giả trong nước mà còn của người Việt Nam ở nước ngoài cũng như các học giả quốc tế quan tâm, yêu mến văn học, nghệ thuật Việt Nam.

* Chiều 14-6, tại Hà Nội,  Hội Nhà báo Việt Nam  tổ chức Họp báo thông báo kết quả Giải báo chí quốc gia lần thứ VI - năm 2011.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ cho biết: Giải báo chí quốc gia năm 2011 rất thành công, thể hiện ở chỗ chất lượng các tác phẩm tốt, số lượng đơn vị tham gia ngày càng đông, khẳng định uy tín của giải ngày càng được đông đảo các cấp Hội và hội viên quan tâm hưởng ứng. Nhiều tác phẩm tốt xuất hiện ở cơ sở.

Sắp tới, Hội đồng Giải báo chí quốc gia sẽ tổ chức họp để thảo luận và quyết định sửa đổi Quy chế Giải báo chí quốc gia theo hướng linh hoạt, năng động và phù hợp với tiến trình phát triển nền báo chí nước nhà. Sẽ ngày càng có nhiều loại hình báo chí được tham dự giải,  nhất là năm sau sẽ dành giải riêng cho báo điện tử. Các mức thưởng của giải cũng sẽ điều chỉnh ở mức cao hơn năm nay, nhằm khuyến khích, động viên kịp thời các tác phẩm có chất lượng tốt, có tầm ảnh hưởng đối với đời sống xã hội.

Hội đồng Giải báo chí quốc gia 2011 thông báo, Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào 20 giờ ngày 21-6, đúng ngày Kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, được truyền hình trực tiếp trên sóng các kênh: VTV1, VTV6 của Ðài Truyền hình Việt Nam; Ðài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, Kênh truyền hình của Ðài Tiếng nói Việt Nam và được  truyền tiếp phát  sóng ở đài phát thanh-truyền hình các tỉnh, thành phố trong cả nước. Có 95 tác phẩm đoạt giải được trao, trong đó hai Giải A, 23 Giải B, 39 Giải C và 31 Giải khuyến khích.

* Sáng 14-6, tại Hà Nội, nhân Kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2012), Hội Nhà báo Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) tổ chức hội thảo khoa học Nâng cao vai trò báo chí, truyền thông trong phòng, chống tội phạm (PCTP) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hơn 30 tham luận khoa học đã tập trung thảo luận những vấn đề lý luận chung về vai trò của báo chí, truyền thông trong đấu tranh PCTP và thực tiễn hoạt động báo chí, truyền thông tham gia đấu tranh PCTP hiện nay.  Ðể tiếp tục nâng cao vai trò của báo chí, truyền thông trong PCTP, các đại biểu đề nghị: Cần có cơ chế phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin chặt chẽ giữa lực lượng công an và cơ quan báo chí. Tạo điều kiện thuận lợi giúp cơ quan báo chí tiếp cận với hoạt động của cơ quan điều tra một cách kịp thời, chính xác. Ðẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn đội ngũ những người làm báo về kiến thức pháp luật và nghiệp vụ để nâng cao chất lượng thông tin. Có chính sách bảo vệ nhà báo tham gia đấu tranh PCTP và bảo vệ nhân chứng, những người cung cấp thông tin cho báo chí trong cuộc đấu tranh PCTP...

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác