Tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng trọng điểm

07/07/2012

Ngày 5-7, tại Trụ sở T.Ư Ðảng, Hà Nội, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về tổng kết các Nghị quyết của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh bốn vùng: đồng bằng sông Cửu Long; Ðông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung; trung du và miền núi phía bắc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp. Dự họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; Ban cán sự đảng Chính phủ; lãnh đạo các ban Ðảng trung ương; Ban cán sự đảng và lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo tổng kết các Nghị quyết số 21, 53, 39, 37  của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh bốn vùng: đồng bằng sông Cửu Long; Ðông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung; trung du và miền núi phía bắc, trình Bộ Chính trị nêu rõ: Việc Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành các nghị quyết là kịp thời và phù hợp; với nhiều chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, làm cơ sở để Chính phủ chỉ đạo, các tỉnh ủy, thành ủy và các bộ, ngành nỗ lực thực hiện; góp phần mang lại nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh ở các vùng.

Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị (khóa IX) trong những năm qua, các vùng đã đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của các vùng đều cao hơn mức bình quân chung của cả nước và vượt so mục tiêu các nghị quyết đề ra (vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 11,7%/năm; vùng Ðông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam 11%/năm; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung 11,66%/năm; vùng trung du và miền núi phía bắc 11,57%/năm). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ và giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người tăng khá cao và vượt mục tiêu các Nghị quyết đề ra. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của các vùng đều tăng, cơ cấu vốn đầu tư ngân sách Nhà nước giảm, vốn doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước tăng. Mức thu ngân sách giai đoạn 2005-2010 tăng cao so giai đoạn trước. Các vùng tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; tăng cường đầu tư phát triển giáo dục, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường; chú trọng công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Tăng cường mối liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội. Các lực lượng vũ trang được tăng cường, sức chiến đấu được nâng lên; hoàn thành tốt công tác tuyển quân, huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ; thực hiện tốt công tác vận động quần chúng xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân kết hợp thế trận quốc phòng toàn dân. Chú trọng xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp...

Trên cơ sở phân tích những hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo tổng kết các Nghị quyết của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đã đề xuất, kiến nghị một số chủ trương, giải pháp lớn tiếp tục thực hiện từng nghị quyết đến năm 2015 và năm 2020.

Ðể thực hiện các nhiệm vụ đề ra, các vùng tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu, trong đó đặt lên hàng đầu các giải pháp: Sớm hoàn thành việc xây dựng, rà soát và phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng đến năm 2020, tầm nhìn 2030; tập trung hoàn thiện các quy hoạch tiểu vùng, ngành, lĩnh vực. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách để thực hiện các nghị quyết. Xây dựng mối liên kết vùng chặt chẽ, bền vững, cơ chế điều hành vùng hiệu lực, hiệu quả...

Sau khi nghe ý kiến của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng Chính phủ, các ban, bộ, ngành trung ương, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp. Ðồng chí hoan nghênh và đánh giá cao các Ban Chỉ đạo đã khẩn trương triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc tổng kết các nghị quyết của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh bốn vùng. Báo cáo tổng kết thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị (khóa IX) thể hiện sự công phu, nghiêm túc, đánh giá đúng kết quả đạt được cũng như những hạn chế, khó khăn, nguyên nhân và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục triển khai các nghị quyết trong thời gian tới. Bộ Chính trị sẽ ban hành Kết luận về việc tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong thời gian tới đối với từng vùng. Việc Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành các nghị quyết nêu trên là cần thiết, đúng đắn và đến nay vẫn còn giá trị; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, có bổ sung, phát triển theo tinh thần Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 đã được Ðại hội XI của Ðảng thông qua, nhất là gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Ðồng chí Tổng Bí thư nhắc nhở các Ban Chỉ đạo khi tổng kết thực hiện các Nghị quyết cần có đánh giá về nhận thức vai trò, vị trí, tầm quan trọng, đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như hạn chế của từng vùng đối với cả nước; xác định rõ nội hàm phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh của từng vùng. Việc triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị (khóa IX) đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng vùng hay chưa; nhất là các vấn đề về quy hoạch phát triển liên kết vùng, cơ chế, chính sách, sự lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, sự phối hợp liên ngành, liên vùng. Ðồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: Các tỉnh ủy, thành ủy trong từng vùng, các vùng cần chủ động đề ra mục tiêu thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2020. Trên cơ sở đó, các vùng, các địa phương lựa chọn, thực hiện các giải pháp thiết thực, phù hợp với quy hoạch, tiềm năng, lợi thế của từng vùng.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác