Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Hải Chuyền: Tôi mới làm Bộ trưởng 1 năm, có thể cũng chưa chính xác...

23/08/2012

Soi vào cách thức, nội dung thì rõ ràng đây là phiên điều trần của các thành viên Chính phủ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khác, là ta không gọi thế, ta gọi là phiên trả lời chất vấn...

 

Khác thêm một chút nữa, ta ôn hòa hơn – hình như người phương Đông ta thường ôn hòa hơn. Ví dụ: chuyện nợ xấu thì có gì phải lý luận nhiều, đòi hỏi nhiều. Chỉ cần, tại sao nợ xấu tính theo cách ta bằng này, tính theo cách họ (tức quốc tế) bằng này. Tại sao ta lại phải tính theo cách ta mà không tính theo chuẩn mực thế giới. Hỏi cũng chỉ mười phút, trả lời chắc cũng chỉ thời gian ấy. Vậy thôi.

 

Dù thế, qua phiên chất vấn cái được không chỉ là câu chữ. Cái được là cái cử tri cảm nhận được về cái gì, về ai và tại sao.

 

Dáng dấp của một phiên điều trần thành công là ở chỗ đó.

 

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa): Giải quyết tốt vấn đề quản lý nhà nước sẽ có cách làm thống nhất, tránh dàn trải và có hiệu quả hơn

 

Vấn đề đào tạo nghề cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhất là trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp mất việc làm ra các khu đô thị, khu công nghiệp và tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. Nhưng hiện nay, việc các ngành và các cơ quan, đoàn thể ở địa phương cùng tập trung vào dạy nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã dẫn đến hệ lụy là: thiếu tập trung thống nhất, thiếu đầu tư nguồn lực và chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn rất hạn chế. Bộ trưởng đề xuất xử lý vấn đề này như thế nào để tập trung nguồn lực cho đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn? Tất nhiên các ngành chuyên môn đào tạo theo chuyên môn, nhưng giải quyết tốt vấn đề quản lý nhà nước về công tác này thì có cách làm thống nhất, tránh dàn trải và có hiệu quả hơn.

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân, phụ nữ và thanh niên...

 

Tổng số lao động cả nước là trên 51 triệu, trong đó lao động trong lĩnh vực nông thôn là 36 triệu, với tỷ lệ lao động nông thôn phần đông chưa được đào tạo nghề. Chính vì vậy, từ Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa X đã bàn về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn giao chỉ tiêu phấn đấu đào tạo nghề cho số lao động nông thôn này. Trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ có Chương trình hành động và Nghị quyết 1956 cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết để thực hiện với các chương trình cụ thể cho đào tạo nghề nông thôn, trong đó có chương trình đào tạo nghề cho nông thôn. Hiện nay, ngành lao động, thương binh và xã hội quản lý và chỉ đạo cơ quan thường trực của Chương trình đề án 1956 này và gần đây nhất, trong năm 2012, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có chỉ đạo ngành chúng tôi chỉ hướng dẫn chỉ đạo dạy nghề cho những nghề phi nông nghiệp, còn nghề nông nghiệp thì giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn và dạy nghề nông thôn này chủ yếu dưới 3 tháng nên cần có sự tham gia của rất đông các tổ chức có khả năng hướng dẫn đào tạo nghề cho lao động nông thôn với yêu cầu: thứ nhất, đào tạo cho những người đã sản xuất để họ có kinh nghiệm trong sản xuất thâm canh để làm tốt hơn; thứ hai là những người ở trong khu vực nông thôn nhưng còn ít đất thì có thể làm những hoạt động dịch vụ khác; thứ ba là dạy nghề cho những người lao động nông thôn phát triển tiếp nghề thủ công mỹ nghệ ở nông thôn. Vì vậy, huy động cả các trường trung cấp, trường cao đẳng, trường đại học và nghệ nhân cũng như các tổ chức chính trị xã hội cùng tham gia, trong đó có đoàn thanh niên, có hội phụ nữ và có hội nông dân cũng tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Tôi nghĩ đó là cách làm tổng hợp. Bởi vì mục tiêu phấn đấu là đến năm 2020, mỗi một năm bình quân 1 triệu lao động nông thôn được đào tạo. Nghị quyết này quyết định từ tháng 11. 2009 nhưng thực chất mới thực hiện được 2 năm, mỗi năm bình quân mới đào tạo được 400 nghìn lao động, chủ yếu là đầu tư và chuẩn bị cho bước hạ tầng cơ sở, ví dụ các trung tâm đào tạo nghề, chuẩn bị nguồn nhân lực để phục vụ cho đào tạo nghề. Tất nhiên đúng như đại biểu nói, tới đây khi vấn đề này ổn định thì nên gom lại như thế nào đó để tập trung vào những nội dung trọng tâm giúp cho dạy nghề nông thôn chất lượng cao. Chúng tôi cũng xin tiếp thu ý kiến này, sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức là Hội Nông dân, phụ nữ và thanh niên. Thực chất vừa rồi chúng tôi đã có thỏa ước với Hội Nông dân về việc phối hợp trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

 

ĐBQH Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định): Đào tạo nghề không hướng đến giải quyết việc làm - vừa lãng phí nguồn lực, vừa không phát huy được nguồn nhân lực tại chỗ cho sự nghiệp phát triển KT-XH

 

Trong những năm qua, Nhà nước rất quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở dạy nghề, mạng lưới cơ sở đào tạo nghề được mở rộng phân bố tương đối hợp lý giữa các ngành kinh tế địa phương và vùng miền. Nhưng thực tế, chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Chất lượng lao động của nước ta hiện còn rất thấp, đặc biệt trong đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác công tác đào tạo nghề chưa tới giải quyết việc làm. Điều đó vừa gây lãng phí nguồn lực, vừa không phát huy được nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các địa bàn miền núi khó khăn.

 

Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của tình trạng trên và các giải pháp để khắc phục những bất cập này để chúng ta vừa phát huy được hiệu quả của các cơ sở dạy nghề đã được Nhà nước đầu tư rất nhiều và vừa góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 14% lực lượng lao động của cả nước?

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Cũng có những tỉnh, có những huyện làm chưa tốt

 

Chương trình dạy nghề 1956 giai đoạn 2009 – 2020 được thực hiện trong khoảng 11 năm, với tổng kinh phí khoảng 2.500 tỷ. Với kinh phí 2.500 tỷ thì bình quân mỗi năm phải phấn đấu bảo đảm cho 1 triệu lao động được qua đào tạo nghề nhưng chủ yếu đào tạo nghề ngắn hạn 3 tháng. Giai đoạn 2010, 2011 bắt đầu thực hiện mới đào tạo được 800 nghìn lao động và năm 2012 là 500 nghìn lao động, tất cả các cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên còn thiếu, mới ở bước đầu. Chúng tôi khẳng định, việc thực hiện Chương trình nói chung là tốt, giúp được nhiều lao động ở nông thôn có những chuyển biến về việc làm, chuyển biến về tay nghề, chuyển biến am hiểu về kỹ thuật nên đã có chất lượng cao. Tuy nhiên, cũng có những tỉnh, có những huyện làm chưa tốt nên có ý kiến phản ảnh qua các phương tiện thông tin đại chúng vừa qua là chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế, có nơi chạy theo số lượng, thành tích. Hiện tượng đó là có và chúng tôi đã cho kiểm tra. Năm 2012 chúng tôi quyết định tổng kiểm tra toàn bộ các địa phương về thực hiện chương trình dạy nghề theo Nghị quyết 1956. Tôi mong các Đoàn ĐBQH ở các địa phương cùng với chúng tôi kiểm tra, làm thế nào sau 2 năm rút kinh nghiệm, chúng ta còn 8 năm còn lại đạt mục tiêu dạy nghề theo Nghị quyết 1956 đề ra.

 

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa): 40% lao động qua đào tạo nghề hay là lao động có chuyên môn kỹ thuật?

 

Hôm nay có Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục - Đào tạo, rất tiếc không có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi xin hỏi trong báo cáo chiến lược và phát triển nghề của nước ta giai đoạn từ 2011 - 2020, chúng ta khẳng định đến năm 2015 lao động qua đào tạo nghề là 40% và năm 2020 là 50%. Ở đây có vấn đề mâu thuẫn. Đề nghị hai Bộ nghiên cứu lại để trình Chính phủ xác định rõ đây là lao động qua đào tạo nghề hay là lao động có chuyên môn kỹ thuật? Hiện nay trong tất cả báo cáo của thống kê điều tra vấn đề lao động việc làm, đời sống năm 2010 chúng ta xác định lao động qua đào tạo là 37%, lâu nay chúng ta đánh lẫn 2 khái niệm này. Cho nên báo cáo lúc thì nói là qua đào tạo, lúc là trình độ chuyên môn kỹ thuật, đề nghị hai Bộ làm rõ vấn đề này.

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Tôi mới làm Bộ trưởng 1 năm, có thể cũng chưa chính xác...

 

Chúng tôi vẫn hiểu đây là lao động qua đào tạo, trong đó có đào tạo nghề và đào tạo các lĩnh vực khác. Theo tổng hợp từ năm 2006 – 2010, chúng ta đào tạo công nhân kỹ thuật nghề là 11 triệu, đào tạo cao đẳng nghề là khoảng hơn 300 nghìn, đại học cũng hơn 300 nghìn. Chắc chỗ anh Luận (Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo) sẽ nắm chỗ cao đẳng và đại học thì tổng số này trong 5 năm là 16 triệu. Tính riêng năm 2011 vừa rồi, số dạy công nhân kỹ thuật nghề lên 14 triệu thì số này là số đào tạo, hỗ trợ 3 tháng cũng gọi là công nhân kỹ thuật nghề thì nó chưa được sát lắm. Nhưng chúng tôi thấy đánh giá nguồn nhân lực thì không chỉ có nghề, tức là đào tạo nói chung thì làm ở các lĩnh vực, người lao động làm ở cả lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ cũng như làm hành chính sự nghiệp cũng cần phải qua một đào tạo. Tôi hiểu rằng cái này là qua đào tạo, chứ không phải chỉ có đào tạo nghề. Không biết tôi hiểu như thế có đúng không? Tôi cũng mới làm Bộ trưởng có một năm, có thể cũng chưa chính xác. Theo tôi hiểu đây là qua đào tạo theo văn bản chỉ đạo tỷ lệ này theo Nghị quyết của Đảng là 40% và 55% là qua đào tạo.

 

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình): Tôi chưa thực sự yên tâm về giải pháp phát triển thị trường lao động

 

Báo cáo về phương hướng dạy nghề giai đoạn 2012 – 2020 có rất nhiều mục tiêu cụ thể đã được đặt ra và đặc biệt mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thiện hệ thống thị trường lao động gắn kết với dạy nghề và việc làm. Tuy nhiên, phần các giải pháp để đạt được mục tiêu cụ thể này tôi thấy chưa thực sự yên tâm và cũng chưa thực sự hài lòng. Vì các giải pháp nêu ra còn rất chung chung, chưa rõ trách nhiệm, thậm chí còn có nhiều giải pháp không khả thi. Tôi xin hỏi, Bộ trưởng xác định đâu là giải pháp đột phá, giải pháp mạnh mẽ và khả thi trong thời gian tới để bảo đảm được mục tiêu hết sức quan trọng này và mối liên hệ của Bộ với các Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình thực hiện mục tiêu cụ thể này như thế nào?

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Khi Luật Việc làm ra đời, giải pháp phát triển thị trường lao động sẽ cụ thể hơn, thực hiện sẽ tốt hơn

 

Báo cáo đại biểu đúng như vậy. Hiện nay, thị trường lao động của chúng ta trong đó có trung tâm xúc tiến việc làm của các tỉnh hiện nay đang làm việc này, nhưng mới làm bước đầu, chưa rõ. Tới đây Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ trình QH xem xét, thông qua Luật Việc làm, trong nội dung của dự luật sẽ có hẳn một mục riêng là hình thành một thị trường lao động một cách đầy đủ hơn, có đủ bộ máy, có đủ cơ sở vật chất. Tôi tin rằng, khi luật này ra đời thì giải pháp sẽ được cụ thể, thực hiện sẽ tốt hơn về định hướng cho thị trường lao động cho giai đoạn tới.

 

ĐBQH Phạm Đức Châu (Quảng Trị): 5 nghìn, 10 nghìn cũng là có việc làm, nhưng như thế thì quá cực khổ đối với người dân...

 

Tôi hỏi Bộ trưởng hai nội dung, nhưng Bộ trưởng chưa trả lời đủ và trả lời không đúng câu hỏi thứ nhất. Ở đây tôi muốn biết hiệu quả của đào tạo nghề cho nông dân. Bộ trưởng giải thích các loại nghề thì cái đó các ĐBQH đều biết rồi. Vấn đề ở chỗ, có bao nhiêu nông dân được chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp? Còn chuyện nông dân đào tạo nghề nông nghiệp có việc làm là điều đương nhiên, nhưng đề nghị Bộ trưởng cho biết có việc làm hiện nay thì thu nhập bao nhiêu thì được coi là có việc làm? Còn thu nhập 5 nghìn, 10 nghìn một ngày thì quá cực khổ đối với người dân. Chúng ta có các trung tâm đào tạo nghề cấp huyện, trung tâm đào tạo nghề của các đoàn thể thì hiệu quả các trung tâm này như thế nào và đào tạo được bao nhiêu lao động? Nếu ta đầu tư thiết bị hiện đại ở các trung tâm cấp huyện mà người nông dân không có điều kiện học ở trung tâm, thanh niên thì đi đào tạo ở trung cấp và cao đẳng nghề - vậy thì có lãng phí trong đầu tư hay không?

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Tôi xin “khất” đại biểu...

 

Báo cáo với đại biểu là chuyển đổi nghề cho nông dân thì như tôi vừa trình bày ở trên, tức là phần đông vẫn làm nông dân, còn lao động được đào tạo ở các dịch vụ và làng nghề thì chuyển đổi làng nghề có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để tiếp tục làm thêm ở làng nghề. Chuyển đổi để chữa điện, xây dựng, làm một số dịch vụ khác thì như tôi nói kể cả chuyển đổi sang nghề truyền thống cũng như các dịch vụ khác khoảng trên 30%. Số liệu này, chúng tôi chưa dám có số liệu chính thức mà theo báo cáo ước thực hiện của các địa phương báo cáo lên.

 

Bây giờ bao nhiêu gọi là có việc làm thì thực chất các quy định của thế giới cũng như chúng ta quy định, tức là có việc làm, có thu nhập. Tuy nhiên, ở đây có thể có việc làm có thể 10 nghìn một ngày, có thể có việc làm 1 triệu một ngày thì nó tùy từng loại lao động. Nhưng tôi nghĩ có việc làm, có thu nhập tức là có việc làm. Còn tùy từng môi trường, điều kiện, hoàn cảnh, bây giờ chúng ta định nghĩa thế nào là có việc làm thì chúng tôi thấy định nghĩa việc làm đã rõ hết rồi.

 

Về trung tâm đào tạo thì ở huyện đào tạo được bao nhiêu, ở các đoàn thể bao nhiêu..., chúng tôi xin trả lời số liệu cụ thể, chúng tôi biết tổng số đào tạo 1 năm như vậy, trong đó có 3 đoàn thể cùng tham gia với các trung tâm của huyện trong 2 năm là 800 nghìn lao động còn cụ thể của các đoàn thể là bao nhiêu, của các trung tâm là bao nhiêu thì tôi xin khất đại biểu sẽ trả lời bằng văn bản.

 

 

Nguyễn Vũ

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác