DOANH NGHIỆP VÀ CHUYÊN GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VÀO VIỆC SỬA ĐỔI LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

12/07/2024

Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng. Những sửa đổi sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và người tiêu dùng. Vì vậy, việc lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia trong việc sửa đổi Luật là rất cần thiết...

VCCI HỘI THẢO GÓP Ý HOÀN THIỆN LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT (SỬA ĐỔI)

NGHIÊN CỨU KỸ VIỆC ÁP THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT ĐỐI VỚI KINH DOANH GAME ONLINE VÀ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ CHẶT CHẼ NỘI DUNG GAME XUYÊN BIÊN GIỚI VÀO VIỆT NAM

Tại Hội thảo Góp ý hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình ra Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10/2024. Sau khi thảo luận qua hai kỳ họp, dự kiến Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01 2026.

Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính soạn thảo có một số điểm mới, bổ sung nhóm đối tượng chịu thế gồm nước giải khát có đường, đồ uống có cồn, thực phẩm được lên men từ trái cây, ngũ cốc, xe ô tô pick-up chở người, chở hàng; sửa đổi, bổ sung quy định về người nộp thuế, căn cứ, giá, thời điểm tính thuế, mức thuế suất và lộ trình tăng thuế từ 2026 – 2030 đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ.

 Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn

Tác động của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ không còn xa. Chính vì vậy, các doanh nghiệp, hiệp hội rất quan tâm khi sửa đổi Luật thuế này. Hiện VCCI chưa đưa ra ý kiến góp ý chính thức mà chờ tham vấn ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội để có ý kiến xác đáng hơn và tin rằng chính doanh nghiệp sẽ cung cấp đầy đủ, chính xác nhất thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại, để đóng góp tích cực cho dự thảo thời gian tới. Từ đó, cơ quan Nhà nước sẽ cân nhắc lựa chọn phương án tối ưu nhất.

Một trong những ngành hàng chịu ảnh hưởng lớn khi sửa đổi dự án Luật là ngành hàng đồ uống. Đóng góp ý kiến vào việc Bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Bà Nguyễn Việt Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi) cho biết, hiện nay, nhiều quốc gia đã loại bỏ hoàn toàn thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này. Ví dụ như Chính phủ Đan Mạch bỏ thuế đồ uống có đường, sau đó theo dõi mức độ thừa cân béo phì thì tỷ lệ này không tăng. Bởi khi áp thuế, người Đan Mạch sang thị trường khác ở châu Âu để mua nước giải khát với giá thấp hơn, dẫn đến giảm 5.000 việc làm tại Đan Mạch. Hay Nauy áp thuế này từ năm 1981 nhưng công cụ thuế không đem lại hiệu quả như mong muốn. Tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành đến năm 2019 đã gia tăng gấp đôi, lên tới 15,5% với nam giới và 12,7% với nữ giới.

Băn khoăn về công cụ thuế có thực sự góp phần bảo vệ sức khoẻ, ngăn chặn bệnh không lây nhiễm như thừa cân béo phì, tiểu đường hay không và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bà Nguyễn Việt Hà cho biết, việc giảm tiêu thụ đồ uống có đường không đồng nghĩa giảm bệnh không lây nhiễm, vì bệnh có nhiều nguyên nhân gây ra.

Bà Nguyễn Việt Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội

Với lý lẽ nêu trên, bày tỏ sự nhất trí với mục tiêu bảo vệ sức khoẻ người dân khi ban hành chính sách thuế, song bà Nguyễn Việt Hà cho rằng, chính sách cần sửa đổi phù hợp nên Ban soạn thảo dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cần cân nhắc tới việc áp thuế nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế.

Trong dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có sửa đổi quy định rõ mặt hàng “rượu” thành “rượu theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm cả các loại đồ uống có cồn thực phẩm khác được lên men từ trái cây, ngũ cốc; đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm” để đồng bộ với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 dự án Luật). 

Đóng góp ý kiến đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Phúc - Giám đốc Quan hệ Đối ngoại Heineken Việt Nam cho rằng, việc tăng thuế đối với rượu, bia ở giai đoạn này cần được xem xét một cách cẩn trọng và toàn diện, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu tăng thu ngân sách và hài hòa các lợi ích nhằm ổn định kinh tế nhưng vẫn đảm bảo đạt được các mục tiêu bảo vệ sức khỏe theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Về mức tăng và lộ trình tăng thuế, ông Phúc kiến nghị thuế suất đối với bia sẽ giữ ổn định ở mức 65% trong vòng 3 năm đầu tiên kể từ ngày Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có hiệu lực, sau đó 3 năm thì tăng một lần và tăng không quá 5% mỗi lần.

Ông Nguyễn Thanh Phúc - Giám đốc Quan hệ Đối ngoại Heineken Việt Nam

Theo ông Nguyễn Thanh Phúc, mức tăng trưởng GDP toàn cầu vào cuối năm 2024 là chậm nhất trong 30 năm qua. Tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2024 dự kiến chỉ đạt một nửa so với mức trung bình của thập kỷ trước đại dịch. Như vậy, giãn lộ trình tăng thuế, giảm mức tăng thuế là phù với kịch bản kinh tế xã hội của Việt Nam và thế giới khi dịch bệnh Covid-19 đã đẩy lùi sự phát triển kinh tế của Việt Nam và toàn cầu khoảng 5 năm.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Phúc cũng đề xuất áp dụng thuế suất theo nồng độ cồn có trong sản phẩm. Cụ thể, một là, mức thuế 65% áp dụng đối với sản phẩm bia có nồng độ cồn từ 5,5% trở xuống. Hai là, mức thuế 70% áp dụng đối với sản phẩm bia có nồng độ cồn trên 5,5% đến dưới 15%. Ba là, mức thuế 75% áp dụng đối với sản phẩm bia có nồng độ cồn trên 15%.

Khi áp dụng mức thuế khác nhau theo nồng độ cồn sẽ giúp định hình hành vi tiêu dùng và khuyến khích các nhà sản xuất đổi mới, phát triển các sản phẩm có nồng độ cồn thấp, điều này sẽ giúp đảm bảo mục tiêu sức khỏe cộng đồng và tăng thu bền vững cho ngân sách nhà nước cũng như nhất quán với các quy định của luật có liên quan đến đồ uống có cồn.

Cần có đánh giá tác động về thu ngân sách khi sản lượng nước ngọt giảm và thu từ thuế GTGT và TNDN giảm tương ứng

Đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy để thay đổi hành vi người tiêu dùng, biện pháp hành chính tốt hơn biện pháp thuế, đứng ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Văn Phụng - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho biết, mặc dù thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn liên tục tăng kế từ năm 2008 song tiêu thụ đồ uống có cồn cũng vẫn tăng qua các năm cho thấy thuế tiêu thụ đặc biệt không có tác động đáng kể đối với việc thay đổi hành vi người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Phụng - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

Chẳng hạn, trong 10 năm (2005-2015), thuế tiêu thụ đặc biệt tăng gấp đôi song giai đoạn 2003-2005, trung bình tiêu thụ 3,8 lít/người/năm; đến năm 2015-2016 tăng lên 8,3 lít/người/năm. Cùng với đó, tỷ lệ người lạm dụng rượu bia trên tổng dân số tăng gấp 10 lần, từ 1,4% vào năm 2010 lên 14,4% vào năm 2016. Chỉ đến khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông mới tác động lớn đến hành vi tiêu dùng đồ uống có cồn.

Bày tỏ băn khoăn khi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường liệu có đạt được mục tiêu chính sách nhằm thay đổi hành vi và điều tiết tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, người tiêu dùng có thu nhập trung bình trở lên sẽ không thay đổi hành vi tiêu thụ nước giải khát nếu phải trả thêm 10% thuế do giá thành của các sản phẩm nước giải khát không cao. Tỷ lệ thừa cân béo phì cao tập trung ở nhóm người tiêu dùng này ở khu vực thành thị.

Người tiêu dùng thu nhập thấp sẽ do dự hoặc giảm chi tiêu, tiêu thụ nước giải khát nếu giá thành sản phẩm tăng thêm 10%. Phần lớn nhóm người tiêu dùng có thu nhập thấp tập trung ở khu vực nông thôn, nơi có tỷ lệ thừa cân béo phì thấp. Sự sẵn có của các loại nước uống đường phố như trà sữa, nước trái cây pha sẵn, trà sữa… cũng khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các loại nước giải khát có đường không bị ảnh hưởng bởi thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng lại tiềm ẩn các nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nếu sản lượng nước giải khát giảm 20% như Báo cáo Đánh giá tác động của cơ quan soạn thảo thì thu ngân sách từ thuế giá trị gia tăng (GTGT) sẽ giảm tương ứng. Thuế GTGT đối với mặt hàng đường đang được đề xuất tăng từ 5% lên 10% sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát. Doanh thu giảm trong khi chi phí đầu vào tăng sẽ khiến cho thu nhập của doanh nghiệp giảm và kéo theo thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sẽ giảm tương ứng.

Với những nghiên cứu trên, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, cần có sự đánh giá những tác động về thu ngân sách khi sản lượng nước ngọt giảm và thu từ thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp giảm tương ứng. Cần cân nhắc những tác động lan tỏa đối với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của ngành nước giải khát (bán lẻ, bao bì, mía đường). Ngoài ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ chịu tác động đáng kể hơn các doanh nghiệp lớn do khả năng tài chính hạn chế.

Bà Lê Thùy Linh - Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) 

Dựa trên những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia như trên, đại diện cho cơ quan soạn thảo dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), bà Lê Thùy Linh - Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 và xem xét thông qua vào tháng 5/2025. Ngay sau khi Quốc hội thông qua chương trình, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến công khai về hồ sơ của dự án Luật này một cách đầy đủ theo quy định.

Ngoài việc đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài chính thì Bộ còn gửi văn bản trực tiếp cho các Bộ ngành, địa phương, VCCI, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các  hiệp hội liên quan để tiếp tục lắng nghe các ý kiến và sẽ tổng hợp một cách toàn diện nhất./.

Bích Lan - Nghĩa Đức

Các bài viết khác