Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10: Nỗ lực xử lý nợ xấu, bảo đảm thu ngân sách Nhà nước

30/10/2012

Ngày 28-10, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và mười tháng qua, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: Tổng phương tiện thanh toán (M2) đến ngày 19-10 ước tăng 13,53% so tháng 12-2011. Tiến độ thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt thấp, lũy kế đến 15-10 đạt 523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 70,7% dự toán (cùng kỳ năm 2011 đạt 89,1%). Mười tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 93,45 tỷ USD, tăng 18,4% so cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước hơn 93,8 tỷ USD, tăng 6,8% so cùng kỳ năm trước; nhập siêu khoảng 357 triệu USD, bằng 0,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; vốn đầu tư phát triển từ NSNN lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-10 ước đạt 134,39 nghìn tỷ đồng, bằng 74,7% kế hoạch năm; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 9 tỷ USD, bằng 98,9% so cùng kỳ năm 2011; vốn ODA giải ngân ước đạt 3,22 tỷ USD, bằng 102,5% kế hoạch.

So tháng trước, sản xuất công nghiệp có chuyển biến, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 5,8% so tháng trước và tăng 5,7% so cùng kỳ năm 2011. Lũy kế mười tháng, IIP tăng 4,5%, chỉ bằng 64,3% mức tăng cùng kỳ năm trước. Tình hình tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng giảm dần nhưng vẫn còn khá cao, từ mức tăng 34,9% so cùng kỳ năm trước tại thời điểm 1-3 giảm xuống còn 20,3% tại thời điểm 1-10. Mười tháng qua, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 1.917,3 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so cùng kỳ năm trước; hơn 57 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 377,4 nghìn tỷ đồng, giảm 10,8% về số DN và 5% về số vốn đăng ký; có khoảng 41,2 nghìn DN gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ tập trung bàn giải pháp tạo điều kiện thuận lợi ưu đãi nhà đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giải quyết nợ xấu của các ngân hàng thương mại... Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cũng nhất trí cần sớm ban hành một nghị định tăng cường quản lý chất lượng các công trình xây dựng có khả năng gây ảnh hưởng lớn cộng đồng, xã hội khi xảy ra sự cố như các hồ đập thủy điện nhỏ, nhà cao tầng, nhà máy hóa chất... Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát lại quy hoạch, chất lượng các công trình thủy điện nhỏ, công trình nào không bảo đảm an toàn thì kiên quyết chấm dứt hoạt động hoặc không cho phép đầu tư. Thời gian tới, những công trình thuộc danh mục này muốn được đầu tư xây dựng phải được các cơ quan chức năng thẩm định chặt chẽ về độ an toàn đối với cộng đồng. Phiên họp cũng đã nghe và thảo luận Dự thảo Nghị định về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vốn Nhà nước đầu tư vào DN. 

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn nổi lên những khó khăn, thách thức, đó là chuyển biến chậm, chưa thật sự vững chắc. Ðể đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các tháng cuối năm và cả năm 2012, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các chủ trương của Ðảng, các giải pháp, chính sách, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Do vậy, lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương cần bám sát diễn biến, tình hình, phối hợp chặt chẽ, sáng tạo, chỉ đạo quyết liệt tổ chức thực hiện. Thủ tướng nêu rõ, việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô cần được thực hiện đồng bộ quyết liệt, nỗ lực kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 8%, không để vọt lên 9%, tạo đà thuận lợi cho kiềm chế lạm phát đầu năm 2013. Việc hoàn thành mục tiêu này không dễ dàng, đòi hỏi các bộ, ngành cần theo dõi sát, nhất là kiểm soát không để giá cả mặt hàng thiết yếu tăng vọt, gây "sốc" cho nền kinh tế.

Do đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần làm tốt việc kiểm soát tổng cầu, nỗ lực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu. Cơ cấu lại ngân hàng thương mại trên cơ sở bảo đảm giữ ổn định hệ thống; chỉ đạo làm tốt công tác quản lý kinh doanh vàng nhằm chấn chỉnh, làm lành mạnh thị trường vàng. NHNN sớm trình đề án tổng thể giải quyết nợ xấu, tuy nhiên, cần tiếp tục triển khai các biện pháp giải quyết nợ xấu ngay từ bây giờ; rà soát, xem xét chỉ đạo để khoanh nợ cho các DN có phương án và triển vọng kinh doanh tốt. Tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát ngân hàng. Phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa... Thủ tướng còn yêu cầu Thống đốc NHNN tiếp tục giải thích cho dư luận trên truyền hình về các vấn đề liên quan quản lý và kinh doanh vàng. Ðối với Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu cần bảo đảm cân đối chi NSNN, có kế hoạch bù đắp nguồn thu trong tình hình khó khăn hiện nay. Kiểm soát chặt chi tiêu NSNN, giảm chi thường xuyên, kiên quyết cắt giảm những khoản chi không cần thiết, hạn chế cử cán bộ đi công tác nước ngoài...

Ðể tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng lưu ý tăng cường sản xuất nông nghiệp. Bộ Công thương rà soát lĩnh vực công nghiệp có ưu thế thị trường để có kế hoạch phối hợp ngành ngân hàng hỗ trợ vốn vay. Việc bảo đảm ổn định giá lương thực, thực phẩm từ nay đến Tết Nguyên đán là hết sức quan trọng, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thủ tướng giao các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương bảo đảm cân đối cung cầu, hỗ trợ kịp thời (tín dụng, giống cây trồng, vật nuôi) cho người sản xuất để cung ứng đủ các mặt hàng lương thực, thịt lợn, thịt gà, rau quả... Tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái.

Các bộ, ngành cũng phải kiểm soát việc ứng vốn năm 2013, khắc phục việc đầu tư dàn trải, gắn với đó là chú trọng giải quyết hàng tồn kho, nhất là than, sắt thép, vật liệu xây dựng... Tồn kho trong lĩnh vực bất động sản cũng rất lớn. Trước đề xuất của Bộ trưởng Xây dựng, Thủ tướng chỉ đạo, tại các dự án nhà ở, đô thị mới tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các bộ: Tài chính, Xây dựng,  phối hợp các bộ, ngành liên quan và chủ đầu tư nghiên cứu, chuyển đổi các căn hộ hiện nay thành nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp (diện tích khoảng 25-30 m2/căn), đi kèm với cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người thu nhập thấp và trung bình vay vốn mua nhà. Ðiều này sẽ đáp ứng được nhu cầu của những người thu nhập thấp, sinh viên mới ra trường lập nghiệp, đồng thời giảm lượng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản.  

Thủ tướng khẳng định, chủ trương đầu tư nước ngoài của chúng ta hiện nay đã chuyển sang việc thu hút có lựa chọn, ưu tiên những dự án lớn, công nghệ cao, không gây hại môi trường. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cùng các bộ, ngành liên quan thảo luận tìm biện pháp, vận dụng cao nhất các chính sách để thu hút các dự án lớn. Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung đẩy mạnh quá trình sắp xếp, cơ cấu lại DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty; rà soát bố trí nhân sự, lộ trình cổ phần hóa DNNN. Trong đó, các bộ trưởng chịu trách nhiệm tăng cường kiểm soát chấp hành pháp luật, quản lý vốn của DNNN.

* Chiều 28-10, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Ðức Ðam. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành. Sau khi thông báo vắn tắt những nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Ðức Ðam và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trả lời câu hỏi của các nhà báo.

Về vấn đề kỷ luật đối với ông Ðào Văn Hưng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Ðức Ðam cho biết, ông Ðào Văn Hưng đã thôi giữ chức Chủ tịch HÐTV, ông Hoàng Quốc Vượng được bổ nhiệm làm Chủ tịch HÐTV mới của EVN. Hoạt động EVN Telecom được chuyển giao sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và đã khôi phục hoạt động bình thường. Theo báo cáo của Bộ Công thương, hoạt động của EVN thời gian qua có tiến bộ. Chính phủ đã lập một Hội đồng kỷ luật do Bộ trưởng Nội vụ làm Chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng Công thương làm thành viên. Hội đồng đã và đang xem xét trách nhiệm của nguyên Chủ tịch HÐTV và cả các thành viên khác. Trong tháng 11 tới, Hội đồng sẽ họp phiên chính thức để đưa ra kết luận, khi có kết quả sẽ thông báo công khai.

Về vấn đề lui thời hạn tăng lương vào năm 2013, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Ðức Ðam cho biết, do tình hình NSNN khó khăn, Chính phủ xin lui thời hạn tăng lương. Chính phủ rất chia sẻ vấn đề này với nhân dân bởi nhiều người làm công ăn lương, đa phần thu nhập hạn chế, đời sống khó khăn. Chính phủ đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN, cố gắng tăng thu ngân sách, tiết kiệm chi để khi có thể cân đối đủ nguồn thì sẽ thực hiện việc tăng lương.

Về việc tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Ðức Ðam đánh giá, lượng tồn kho này đáng quan ngại, cần quan tâm tháo gỡ. Ðể người dân có nhu cầu có thể tiếp cận được nhà ở, dù là căn hộ nhỏ, Chính phủ chỉ đạo NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng... tìm cách tháo gỡ khó khăn trên tinh thần là DN đầu tư kinh doanh bất động sản cùng chia sẻ để giá bất động sản về đúng với giá trị thật. Trong số các DN kinh doanh bất động sản hiện nay gặp khó khăn thì trước đây, họ cũng lãi lớn nhờ bất động sản.

Liên quan vấn đề quản lý kinh doanh vàng, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Quản lý ngoại hối NHNN cho biết: SJC là DN kinh doanh vàng lớn trên thị trường. Vàng miếng SJC chiếm hơn 90% thị phần, cho nên NHNN đã chọn SJC làm thương hiệu vàng miếng của quốc gia. SJC không được tự sản xuất vàng miếng nữa mà chỉ được gia công vàng miếng theo các đơn hàng của NHNN và NHNN giám sát chặt chẽ quá trình này, niêm phong các khuôn, máy dập vàng của SJC khi không sản xuất... SJC chỉ nhận được phí gia công 50 nghìn đồng/miếng.

Việc chuyển đổi vàng miếng nhãn hiệu khác sang SJC, ông Nguyễn Quang Huy khẳng định, pháp luật bảo vệ quyền lợi của người dân tích trữ vàng. Tuy nhiên, do tâm lý người dân chuộng vàng miếng SJC, cho nên thường muốn bán các loại vàng miếng nhãn hiệu khác để chuyên sang mua vàng miếng SJC. NHNN đề nghị người dân bình tĩnh, không nhất thiết phải bán ngay các vàng miếng khác để phải chịu thiệt. NHNN cho phép chuyển đổi vàng miếng nhãn hiệu khác sang SJC. Quá trình này mất một thời gian nhất định, người dân sẽ được chuyển đổi nhanh chóng, thông suốt. Tổng lượng vàng miếng muốn chuyển đổi sang vàng miếng SJC ước tính vào khoảng 14 tấn, chính vì vậy, quá trình này sẽ phải mất thời gian kiểm định.

Về vấn đề vàng giả, vàng nhái SJC thời gian qua trên thị trường gây hoang mang trong dư luận nhân dân, NHNN đang tích cực cùng các cơ quan chức năng phối hợp xử lý. Ông Nguyễn Quang Huy khẳng định, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, NHNN và SJC đã đề nghị cơ quan chức năng điều tra, xử lý đối với việc làm giả, làm nhái này. Khi có kết quả, NHNN và các cơ quan chức năng sẽ công bố công khai thông tin.

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác