Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Hóa chất
Tham dự hội nghị có các Đại biểu Quốc hội, đại diện Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, các sở, ngành và chuyên gia, cộng tác viên xây dựng pháp luật.
Toàn cảnh hội nghị góp ý vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Ảnh: Phạm Bằng
Đề nghị không đánh thuế 5% đối với phân bón
Được ban hành lần đầu vào năm 1997 thay thế cho thuế doanh thu, Luật Thuế giá trị gia tăng được sửa đổi toàn diện vào năm 2008 và được tiếp tục sửa đổi, bổ sung vào các năm 2013, 2015 và 2016.
Qua 15 năm thực hiện từ thời điểm năm 2008, Luật Thuế giá trị gia tăng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cần phải sửa đổi nhằm hoàn thiện khung pháp lý về lĩnh vực này.
Đại diện Cục Thuế tỉnh Nghệ An đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Ảnh: Phạm Bằng
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) gồm 4 Chương, 18 Điều sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.
Dự thảo bổ sung một số nội dung như bỏ quy định cho phép không nộp thuế đầu ra nhưng được khấu trừ thuế đầu vào; bổ sung một số quy định mới về người nộp thuế; làm rõ về mức thuế và cách thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số…
Đại diện VCCI Chi nhánh Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Ảnh: Phạm Bằng
Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý kiến vào các nội dung về thời điểm lập hoá đơn, mức thuế suất, đối tượng không chịu thế giá trị gia tăng, phương pháp khấu trừ thuế, quy định hoàn thuế giá trị gia tăng; trình tự, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng.
Nhiều đại biểu đề nghị giữ nguyên mức thuế hiện nay, không chịu thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ bảo vệ thực vật để bảo đảm khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; bổ sung đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng với hoạt động giao dịch chứng khoán...
Băn khoăn một số mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2009, đến nay đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung để xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế từng giai đoạn.
Đại diện Uỷ ban MTTQ tỉnh Nghệ An đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Ảnh: Phạm Bằng
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) gồm 4 Chương 12 Điều được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.
Dự thảo Luật sửa đổi 10 Điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành: gồm các Điều quy định về đối tượng chịu thuế; đối tượng không chịu thuế; người nộp thuế; căn cứ tính thuế; giá tính thuế; thuế suất; hoàn thuế, khấu trừ thuế; giảm thuế; hiệu lực thi hành; Tổ chức thực hiện và bổ sung 1 Điều quy định về thời điểm xác định thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đại diện Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nghệ An đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Ảnh: Phạm Bằng
Theo đó, đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gồm 11 nhóm hàng hóa, bao gồm: Thuốc lá; rượu; bia; xe có động cơ dưới 24 chỗ; xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3; máy bay, trực thăng, tàu lượn và du thuyền; xăng các loại; điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; bài lá; vàng mã, hàng mã; nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml và 6 nhóm dịch vụ: Kinh doanh vũ trường, kinh doanh massage, karaoke, kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược, kinh doanh golf, kinh doanh xổ số.
Đại diện Ban Dân tộc HĐND tỉnh Nghệ An đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Ảnh: Phạm Bằng
Căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm là giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và thuế suất. Số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp bằng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt nhân với thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý kiến vào các nội dung về đối tượng không chịu thuế, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản xuất, biểu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế suất.
Đại diện Sở Y tế đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Ảnh: Phạm Bằng
Một số đại biểu đề nghị mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất hoạt động; bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng điều hoà nhiệt độ, xăng, vàng mã.
Tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá; có lộ trình tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia; bổ sung mặt hàng pháo và các thành phần sản xuất pháo vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về một số câu, từ, sắp xếp một số nội dung sao cho phù hợp nhằm bảo đảm hiệu quả các dự án Luật cũng như quyền lợi cho nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Đồng chí Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An kết luận hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng
Kết luận hội nghị, đồng chí Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An ghi nhận, đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu đối với dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Các ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An nghiên cứu, tổng hợp, bổ sung, gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.