Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2024 và kế hoạch kiểm toán năm 2025 của Kiểm toán Nhà nước
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác lập các báo cáo của Kiểm toán nhà nước và các báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách về Báo cáo công tác năm 2024 và dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2025 của Kiểm toán nhà nước.
Về báo cáo công tác năm 2024 của Kiểm toán nhà nước:
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ hoạt động của Kiểm toán trong năm qua. Kiểm toán nhà nước đã có nhiều đổi mới theo hướng đổi mới toàn diện, bám sát các quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, Chiến lược phát triển của Kiểm toán nhà nước và các chủ trương của Đảng về Kiểm toán nhà nước; đánh giá cao kết quả đạt được của Kiểm toán nhà nước trong 8 tháng đầu năm 2024, toàn ngành đã hoàn thành khối lượng lớn kế hoạch kiểm toán với một số kết quả nổi bật. Cụ thể là: Tổng Kiểm toán nhà nước đã kịp thời chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, sát tình hình thực tiễn; tiếp tục đẩy mạnh công tác báo cáo, kiểm toán theo quy định; quan tâm, chú trọng hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động của Kiểm toán nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng. Thông qua hoạt động kiểm toán đã giúp các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các hoạt động giám sát ngày càng hiệu quả hơn. Bên cạnh kết quả đạt được, Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra 5 nhóm tồn tại, hạn chế trong công tác 8 tháng đầu năm, trong đó một số nội dung cần lưu ý, gồm: (1) Việc thu thập thông tin xây dựng kế hoạch kiểm toán năm và kế hoạch kiểm toán của các cuộc kiểm toán còn chưa đầy đủ, chính xác, dẫn đến phải điều chỉnh, giảm cuộc kiểm toán hoặc điều chỉnh giảm, bổ sung, thay thế đầu mối đơn vị được kiểm toán; (2) Tiến độ xây dựng văn bản quản lý theo kế hoạch còn chậm; (3) Tiến độ trả lời một số văn bản kiến nghị của đơn vị được kiểm toán còn chưa kịp thời.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo về thực hiện nhiệm vụ kiểm toán năm 2024.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Kiểm toán nhà nước: (1) Tiếp tục duy trì, phát huy tốt các kết quả đạt được, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kế hoạch công tác năm 2024; (2) Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo của Kiểm toán nhà nước và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, nhất là việc thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; (3) Tổ chức, thực hiện tốt các nhóm giải pháp đề ra. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm toán, nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán và các kiến nghị góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, tiền tệ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường việc thực hiện chủ trương kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong công tác kiểm toán. Nâng cao hơn nữa đạo đức công vụ, tạo chuyển biến rõ nét trong chất lượng kiểm toán; (4) Tổ chức, thực hiện tốt các quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến lĩnh vực kiểm toán và thực hiện kiến nghị của kiểm toán; (5) Tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, đặc biệt là việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật; kịp thời phản hồi các cơ quan, đơn vị đối với những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp.
Về kế hoạch kiểm toán năm 2025:
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nguyên tắc, mục tiêu, định hướng, lĩnh vực kiểm toán theo đề xuất của Kiểm toán nhà nước và ý kiến của Cơ quan thẩm tra. Năm 2025, các địa phương tiến hành đại hội Đảng cấp cơ sở đến cấp tỉnh và chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, đề nghị Kiểm toán nhà nước: (1) Tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán; tập trung lựa chọn các nội dung trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, kiểm toán trúng, kiểm toán đúng, bảo đảm quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài chính công, tài sản công chặt chẽ, hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí tiền, tài sản nhà nước; cắt giảm các nhiệm vụ và các cuộc kiểm toán chưa thật sự cần thiết, để tránh trùng lặp với các kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, các Bộ quản lý chuyên ngành để bảo đảm kế hoạch kiểm toán hiệu quả, hiệu lực. Theo đó, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng chương trình, dự án tập trung kiểm toán các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, có khối lượng thực hiện giải ngân lớn; trong lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, ngân hàng tập trung kiểm toán làm rõ hiệu quả đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện chính sách tiền tệ, cung cấp tín dụng và kiểm toán rủi ro tín dụng, việc phát hành trái phiếu, bảo lãnh trái phiếu của các tổ chức, cá nhân liên quan. Rà soát, lựa chọn, tránh chồng chéo khi thực hiện các cuộc kiểm toán tại các Bộ, ngành, địa phương; tối đa một Bộ, ngành, địa phương không quá 02 cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề/năm và hạn chế trong cùng một thời điểm có nhiều cuộc kiểm toán tại Bộ, ngành, địa phương; (2) Tập trung ưu tiên nguồn lực, nhân lực cho: (i) Các cuộc kiểm toán phục vụ cho quyết toán ngân sách nhà nước năm 2024; (ii) Các cuộc kiểm toán phục vụ các đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (iii) Các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia, hiệu quả đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tổ chức tín dụng; (iv) Các chuyên đề quan trọng liên quan đến những vấn đề được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm; (3) Tổ chức, thực hiện tốt các nhóm giải pháp chủ yếu để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch kiểm toán năm 2025. Trong đó lưu ý thực hiện tốt các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm toán năm 2023 và 8 tháng đầu năm 2024, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng nội dung, phương pháp kiểm toán, việc đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp.
Kiểm toán nhà nước tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và các cơ quan của Quốc hội hoàn chỉnh báo cáo công tác năm 2024 và dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2025 báo cáo Quốc hội, gửi tài liệu trước 01/10/2024.
Đối với các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và tán thành ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Trong đó đối với kiến nghị: (1) Về sử dụng nguồn kinh phí 5% từ số tiền do Kiểm toán nhà nước phát hiện để đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và bố trí nâng cấp cơ sở lưu trú cho cán bộ luân chuyển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tại Thông báo số 3483/TB-TTKQH ngày 8/4/2024 về việc sử dụng nguồn kinh phí được trích 5% số tiền do Kiểm toán nhà nước phát hiện và kiến nghị để đầu tư mua sắm, hiện đại hóa, nâng cao năng lực hoạt động của Kiểm toán nhà nước, đề nghị Kiểm toán nhà nước thực hiện ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (2) Về việc truy cập kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu, đề nghị Kiểm toán nhà nước chủ động phương án xây dựng phương án, phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan nhằm giúp Kiểm toán nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách hoàn chỉnh các báo cáo thẩm tra chính thức trình Quốc hội.
Sau khi có ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản gửi Kiểm toán nhà nước thông báo ý kiến của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kế hoạch kiểm toán năm 2025. Trên cơ sở đó, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định kế hoạch kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.