Hoàn thiện cơ chế, chính sách để đáp ứng hội nhập

04/01/2013

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ngày 2/1, toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được các cơ quan thông tin đại chúng đăng tải.

Việc triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm thể hiện rõ việc phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân…trong việc sửa đổi Hiến pháp. Đây là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng, rộng lớn trong nhân dân và cả hệ thống chính trị.

Phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của cử tri về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật để đáp ứng bối cảnh hội nhập quốc tế.

Cùng ngày 2/1, trao đổi với phóng viên TTXVN về việc sửa đổi Hiến pháp, Luật sư Nguyễn Văn Cường, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc sửa đổi lần này là cần thiết, thể hiện nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm đáp ứng những đòi hỏi mà thực tế đang đặt ra, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định nhưng vì còn chung chung nên khó áp dụng trong thực tế. Trong khi đó, cơ chế cho hoạt động của bộ máy Nhà nước chưa được minh định, nhất là mối quan hệ nhánh quyền lực giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Vấn đề sở hữu, trong đó có sở hữu đất đai chưa được làm rõ. Hiến pháp cũng cần phải đảm bảo tính độc lập của tòa án. Hiện nay, hệ thống tòa án vẫn chưa mang tính độc lập; thẩm phán vẫn bị chi phối nhiều yếu tố trong khi xét xử. Do vậy, cần trả lại bản chất trọng tài cho tòa án cũng như tính độc lập cho cơ quan tư pháp nói chung.

Luật sư Nguyễn Văn Cường tán thành việc thành lập Hội đồng bảo hiến, có như vậy mới bảo vệ được Hiến pháp, xử lý những hành vi vi hiến, đảm bảo tính công bằng, thượng tôn của pháp luật. Hiến pháp đã mặc định rõ những quyền cơ bản của con người, quyền công dân, thể hiện tính nhân văn, mang giá trị nhân loại thì có thể, một số bộ luật; trong đó có Bộ luật Hình sự không nên đặt ra một số tội danh liên quan, như vậy sẽ mâu thuẫn với Hiến pháp, đẩy Hiến pháp xa rời thực tế.

Luật sư cũng đồng tình với ý kiến cho rằng sửa đổi Hiến pháp lần này gắn việc tăng quyền lực cho Chủ tịch nước theo hướng thống lĩnh lực lượng vũ trang.

Về mặt kỹ thuật, Luật sư Nguyễn Văn Cường cho rằng hiện nay, dự thảo Hiến pháp sửa đổi do Quốc hội soạn, chỉnh sửa, lấy ý kiến nhân dân rồi hoàn chỉnh và thông qua. Quy trình này nên có sự thay đổi theo hướng, Quốc hội trình bản dự thảo hoàn chỉnh lần cuối để nhân dân phúc quyết. Có như vậy mới đảm bảo quyền phúc quyết của nhân dân.

Luật sư mong muốn rằng sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ đảm bảo tốt hơn nữa việc thực hiện quyền con người, quyền công dân; cơ chế hoạt động hiệu quả của bộ máy Nhà nước; sự rõ ràng trong quy định quyền sở hữu và tính độc lập của hệ thống tòa án.

Theo tiến sỹ Trần Phú Vinh, giảng viên Luật quốc tế, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Đào tạo ngắn hạn thuộc Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Hiến pháp là đạo luật gốc do nhân dân (thông qua đại biểu của mình) xây dựng và ban hành; việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần phải được nhân dân đồng ý tán thành.

Vì vậy, nên trưng cầu dân ý về việc có cần phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hay không? Nếu có, thì phần nào, mục nào nên sửa đổi, bổ sung vì suy cho cùng, Hiến pháp là cơ sở để xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Điều 1 của Hiến pháp năm 1992 đã được Dự thảo sửa đổi giữ nguyên đồng thời bổ sung chữ “dân chủ” để làm rõ hơn bản chất của Nhà nước, chế độ ta.

Với tư cách là giảng viên chuyên ngành luật quốc tế, tiến sỹ Trần Phú Vinh đề nghị sửa đổi Điều 1 Hiến pháp theo hướng cụ thể hơn như sau: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm vùng đất gồm đất liền, các hải đảo gần bờ và xa bờ; vùng nước gồm vùng nước nội địa, biên giới, nội thủy, lãnh hải; vùng lòng đất phía dưới vùng đất và vùng nước; và vùng trời phía trên vùng đất và vùng nước.” Lý do là phù hợp với quy định của Luật quốc tế về lãnh thổ quốc gia và là cơ sở để xác định và bảo vệ chủ quyền đối với lãnh thổ Việt Nam.

Cũng theo tiến sỹ Trần Phú Vinh, Hiến pháp là đạo luật gốc có giá trị pháp lý cao nhất của quốc gia; vì vậy Hiến pháp cần được thực hiện một cách tận tâm, nghiêm túc và đầy đủ. Hội đồng bảo hiến được quy định trong Hiến pháp đảm bảo rằng Hiến pháp sẽ được tôn trọng đúng theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Do vậy, việc thiết lập Hội đồng bảo hiến là cần thiết./.

 

(http://www.vietnamplus.vn/)

Các bài viết khác