Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn lấy ý kiến về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo

08/10/2024

Sáng 08/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Công an tỉnh tổ chức Hội thảo trao đổi, cung cấp thông tin, lấy ý kiến đóng góp về dự thảo luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC KẠN TIẾP XÚC CỬ TRI NƠI LÀM VIỆC

Toàn cảnh Hội thảo.

Các đồng chí: Hà Văn Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn; Hà Sỹ Huân, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh Bắc Kạn đồng chủ trì.

Các đại biểu dự Hội thảo.

Dự Hội thảo có các đồng chí: Đỗ Thị Minh Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn; Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn khóa XV; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị có liên quan.

Đại tá Hà Văn Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Dữ liệu; đồng thời đóng góp các ý kiến bổ sung, hoàn thiện 03 dự thảo luật nói trên.

Đối với dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu đại diện UBND thành phố cho rằng, Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành (hiệu lực từ năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2013) chưa quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ dân, cá nhân về công tác PCCC và CNCH dẫn đến khó khăn, vướng mắc, bất cập do chưa có cơ sở pháp lý cụ thể để thực hiện. Đại biểu tán thành bổ sung nhiều hành vi cấm trong PCCC và CNCH, cụ thể: Cấm xúc phạm, đe dọa lực lượng PCCC và CNCH trong thực hiện nhiệm vụ; cấm lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ PCCC và CNCH để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ý kiến của Sở Xây dựng đồng thuận với việc bãi bỏ 03 nhóm nội dung đang được quy định trong Luật PCCC hiện hành, gồm: Bãi bỏ quy định tiêu chuẩn về PCCC bắt buộc áp dụng (dự thảo Luật quy định theo hướng tiêu chuẩn được áp dụng trong hoạt động PCCC theo nguyên tắc tự nguyện, trừ các tiêu chuẩn được viện dẫn trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc văn bản pháp luật có liên quan); bãi bỏ quy định phòng cháy đối với 11 loại hình cơ sở được quy định trong Luật PCCC hiện hành; bãi bỏ các quy định phòng cháy đối với rừng, thanh tra PCCC; tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và cá nhân không bảo đảm an toàn PCCC (vì các cơ sở nêu trên đều đã có các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành hướng dẫn về an toàn PCCC)…

Góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), huyện Pác Nặm phân tích: Tại Khoản 4, Điều 5 dự thảo Luật quy định: “Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào DTTS, vùng có kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Tuy nhiên, thực tế khu vực biên giới tình trạng mua bán người cũng diễn biến phức tạp nên đề nghị bổ sung khu vực này vào khu vực ưu tiên bố trí ngân sách hằng năm. Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu thay đổi quy định trách nhiệm đối với UBND các cấp tại Điểm d, Khoản 1, Điều 58 của dự thảo Luật: “Trình HĐND cùng cấp bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống mua bán người cho cơ quan, đơn vị ở địa phương theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành”. Vì quy định như vậy thì các địa phương có nguồn thu ngân sách thấp sẽ rất khó bố trí ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đưa ra các luận cứ thể hiện sự đồng thuận với việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người.

Đồng chí Hà Sỹ Huân, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh Bắc Kạn đồng chủ trì.

Liên hệ thực tiễn tại Bắc Kạn, đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá việc xây dựng và ban hành Luật Dữ liệu là một bước tiến chiến lược để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc gia.

Phòng chuyên môn của Công an tỉnh Bắc Kạn cũng đóng góp các ý kiến cụ thể vào những nội dung cần cho ý kiến và đồng thuận cao với việc xây dựng và ban hành Luật Dữ liệu.

Sở Tư pháp nêu ý kiến về các điều, khoản trong dự thảo Luật Dữ liệu, một trong số đó là: Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định các thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội; thông tin cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu được cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ thì công dân sẽ không được tiếp cận. Dự thảo Luật hiện nay không quy định về việc không được phép công khai đối với các dữ liệu này. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xem xét để phù hợp, đồng bộ, thống nhất trong nội dung của các luật hiện hành….

Tất cả các ý kiến đóng góp tại Hội thảo đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tiếp thu và tổng hợp gửi về cấp có thẩm quyền./.

(Theo báo Bắc Kạn)

Các bài viết khác