70 năm hành trình tự hào của văn hóa Hà Nội

09/10/2024

Hà Nội - mảnh đất hội tụ linh khí của đất trời, nơi lắng hồn sông núi ngàn năm suốt 70 năm qua đã khẳng định vị thế như ngọn hải đăng dẫn dắt không chỉ chính trị, kinh tế, mà còn là trung tâm sáng tạo văn hóa của đất nước. Nhân dịp 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết: “70 năm hành trình tự hào của văn hóa Hà Nội” của PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH thành phố Hà Nội.

Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO

Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước, luôn hiện lên trong tâm trí người Việt Nam như một biểu tượng của lòng tự hào dân tộc, của văn hóa và lịch sử. Suốt 70 năm qua, hành trình phát triển văn hóa của Thủ đô không chỉ là câu chuyện về sự đổi thay của kiến trúc, lối sống hay nghệ thuật, mà còn là bức tranh sinh động của sức sống mãnh liệt và khát vọng vươn lên. Từ những giai đoạn khó khăn trong chiến tranh, qua thời kỳ bao cấp gian khổ, đến những bước phát triển mạnh mẽ thời hội nhập, Hà Nội luôn khẳng định vị thế của một thành phố không chỉ là ngọn hải đăng dẫn dắt về chính trị và kinh tế, mà còn là trung tâm sáng tạo văn hóa của cả nước.

Mỗi con đường, góc phố, mỗi tiếng rao ban đêm hay bóng cây cổ thụ đều gợi nhắc về một Hà Nội giàu truyền thống, khi chuyển mình và phát triển hiện đại trên con đường hội nhập vẫn giữ vững cốt lõi của bản sắc của riêng mình trong dòng chảy không ngừng của thời gian.

Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến

Từ thuở vua Lý Thái Tổ dựng kinh đô Thăng Long, Hà Nội đã trở thành nơi hội tụ những tinh hoa của dân tộc, cái nôi tạo dựng nền văn hóa rực rỡ với sức sống bền bỉ qua thời gian. Dù trải qua bao biến cố, Thăng Long - Hà Nội vẫn đứng vững, như một chứng nhân của lịch sử, luôn truyền cảm hứng cho người dân Việt Nam từ quá khứ đến tương lai.

Khi bước trên những con phố cổ kính của Hà Nội, bạn không chỉ cảm nhận được hương vị của thời gian mà còn lắng nghe từng hơi thở của lịch sử thấm sâu vào từng viên đá, từng ngôi nhà, từng mái ngói rêu phong. Từ chùa Một Cột thanh tịnh đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám uy nghiêm, Hà Nội lưu giữ dấu ấn của những triều đại Lý, Trần, Lê – nơi mà các vị vua, các nhà hiền triết đã để lại những công trình vĩ đại, minh chứng cho sự phồn vinh của một thời kỳ hoàng kim trong lịch sử văn hóa Việt Nam.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi sản sinh ra nhiều nhân tài tuấn kiệt cho đất nước

Trước năm 1954, Hà Nội đã tỏa sáng như một biểu tượng của văn hóa kinh kỳ, nơi những nghi lễ cung đình và truyền thống độc đáo được gìn giữ. Các đền, đình, chùa không chỉ là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, mà còn là nơi hội tụ những giá trị tinh thần sâu sắc, nơi mà mỗi nhịp sống đều vang vọng âm hưởng của một quá khứ huy hoàng. Các lễ hội truyền thống như lễ hội Gióng, lễ hội rước nước, cùng với những trò chơi dân gian đã tạo nên không gian văn hóa sống động, vừa giữ gìn bản sắc, vừa làm phong phú đời sống tinh thần cho bao thế hệ người dân.

Những làng nghề cổ truyền như gốm Bát Tràng, tranh Đông Hồ, hay lụa Vạn Phúc cũng đã khắc sâu vào tâm trí người Hà Nội sự tỉ mỉ và tinh hoa của bàn tay con người. Mỗi sản phẩm làm ra không chỉ đơn thuần là một vật phẩm, mà còn là hiện thân của cả một nền văn hóa đầy tự hào.

Tất cả những di sản ấy không chỉ là tài sản quý báu của Hà Nội, mà còn là di sản tinh thần vô giá của cả dân tộc Việt Nam. Chúng là minh chứng hùng hồn cho vị thế của Thăng Long - Hà Nội như một trung tâm văn hóa ngàn năm, nơi quá khứ giao hòa với hiện tại, truyền thống bắt nhịp với sự đổi mới. Trải qua mọi thăng trầm, Hà Nội vẫn đứng vững như một biểu tượng sáng ngời của văn hóa dân tộc, là động lực và điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của đất nước trong hiện tại và tương lai.

Hà Nội sau 1954 – Biểu tượng văn hóa cách mạng đầy kiên cường!

Khi những đoàn quân tiến vào năm cửa ô vào ngày 10/10/1954, một thời đại văn hóa mới xã hội chủ nghĩa với lý tưởng cách mạng của Hà Nội đã mở ra. Văn hóa đã thể hiện rõ ràng sức mạnh nội sinh để Hà Nội trụ vững trước mưa bom bão đạn, khói lửa chiến tranh để trở thành trái tim, điểm tựa cho cả nước.

Sau Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đối mặt với nhiệm vụ: Tái thiết không chỉ hạ tầng vật chất mà còn tái sinh tinh thần văn hóa, giữa bối cảnh đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc

Sau Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đối mặt với một nhiệm vụ vô cùng to lớn: Tái thiết không chỉ hạ tầng vật chất mà còn tái sinh tinh thần văn hóa, giữa bối cảnh đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc. Thành phố nghìn năm văn hiến bị hư hại nặng nề, phải thích nghi, tự lực tự cường, bắt đầu từ những gì còn sót lại, khôi phục và dựng xây lại nền tảng văn hóa đã bị chiến tranh tàn phá và đạt được nhiều điểm sáng trong mọi lĩnh vực. Chính trong thử thách ấy, Hà Nội đã chứng tỏ một sức mạnh phi thường, vừa kiên cường, vừa sáng tạo, mở ra một giai đoạn mới đầy hy vọng.

Hơn cả việc khôi phục các công trình văn hóa, Hà Nội còn tiến hành một cuộc cách mạng về tinh thần, xây dựng nên nền tảng văn hóa mới, phong phú và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những biểu tượng của văn hóa như Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, hay các trường nghệ thuật hàng đầu như Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Đại học Văn hóa Hà Nội không chỉ được khôi phục mà còn được nâng tầm. Những công trình này không đơn thuần chỉ là nơi gìn giữ nghệ thuật và lịch sử, mà còn là biểu tượng của sự tái sinh, của niềm tin vững chắc vào tương lai và sức mạnh của văn hóa trong việc gắn kết con người.

Nhà hát Lớn Hà Nội, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa lớn và là biểu tượng đẹp về mặt kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật của Thủ đô 

Sau Ngày Giải phóng, Hà Nội đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của đời sống văn hóa. Thành phố không ngừng đầu tư mở rộng các cơ sở văn hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động nghệ thuật. Những nhà hát như Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã trở thành những biểu tượng văn hóa không chỉ của riêng Hà Nội, mà còn của cả nước. Các bảo tàng, thư viện, trung tâm nghiên cứu văn hóa không ngừng phát triển, đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa dân tộc.

Đời sống tinh thần người dân không ngừng được nâng lên. Những bài hát ngợi ca Hà Nội như Người Hà Nội, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Bài ca Hà Nội,… không chỉ là những nốt nhạc thăng hoa cho văn hóa cách mạng ở Hà Nội, mà còn truyền cảm hứng cho cả đất nước trong những năm tháng khó khăn đấu tranh chống đế quốc và dựng xây đất nước.

Thành công của Hà Nội không thể không kể đến những chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước. Các chính sách này đã định hướng rõ ràng cho việc bảo tồn di sản, khuyến khích sáng tạo nghệ thuật, mở rộng hợp tác quốc tế, đồng thời tạo điều kiện để văn hóa phát triển bền vững. Không chỉ bảo vệ các giá trị truyền thống, những chiến lược này còn mở ra không gian để văn hóa Hà Nội hòa mình vào dòng chảy hiện đại, từ đó làm giàu thêm đời sống tinh thần cho người dân và đưa Hà Nội trở thành một trong những điểm sáng của văn hóa Việt Nam.

Sau Ngày Giải phóng, đời sống tinh thần người dân không ngừng được nâng lên

Hà Nội đã chứng minh rằng, dù trải qua những thử thách lớn lao, Thành phố vẫn giữ vững được bản sắc văn hóa độc đáo và phát triển mạnh mẽ. Sự hồi sinh của văn hóa Hà Nội sau chiến tranh là minh chứng cho sức mạnh bất khuất của văn hóa, không chỉ trong việc duy trì giá trị dân tộc mà còn trong việc định hình và củng cố quốc gia. Qua đó, Hà Nội không chỉ là một thành phố hồi sinh mà còn là biểu tượng cho sự phát triển văn hóa kiên cường, truyền cảm hứng cho cả nước trên hành trình hướng tới tương lai.

Trong thời kỳ Đổi mới, Hà Nội chuyển mình hiện đại, năng động, đa sắc màu…

Là mảnh đất ngàn năm văn hiến, Thành phố Hà Nội luôn mang trong mình "khát vọng hóa rồng" với dáng vóc của một Thủ đô giàu đẹp, văn minh, ngang tầm khu vực. Kể từ khi bước vào thời kỳ Đổi mới năm 1986, Hà Nội đã thắp lên một nguồn cảm hứng mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng sáng tạo và đổi mới. Đây không chỉ là cuộc cách mạng về kinh tế mà còn là thời điểm mà văn hóa Hà Nội bùng nổ, phát triển rực rỡ và trở thành một phần không thể thiếu trong nhịp sống hiện đại của Thủ đô. Từ đó, Hà Nội không ngừng chuyển mình, biến văn hóa thành yếu tố cốt lõi trong việc định hình bản sắc đô thị và tạo nên dấu ấn khó phai trong lòng người dân và du khách.

Dưới ánh sáng của đổi mới, Hà Nội không chỉ giữ vững những giá trị văn hóa truyền thống mà còn khẳng định sức sống mãnh liệt của mình qua hàng loạt thành tựu văn hóa nổi bật. Các chương trình và dự án văn hóa đã làm sống dậy một Thủ đô năng động, nơi nghệ thuật và sáng tạo không ngừng lan tỏa. Hội sách Hà Nội, với hàng triệu người tham gia, đã trở thành biểu tượng cho tinh thần yêu sách và khuyến khích văn hóa đọc sâu rộng trong cộng đồng. Không chỉ đơn thuần là một sự kiện văn hóa, hội sách còn gửi đi thông điệp mạnh mẽ về tri thức và sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, khẳng định vị thế của Hà Nội như một trung tâm văn hóa đọc của cả nước.

Diện mạo Hà Nội ngày càng phát triển khang trang, hiện đại 

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội cũng là một dấu son trong bức tranh văn hóa đa sắc màu của Thủ đô. Sự kiện này không chỉ tạo nên cầu nối giao lưu nghệ thuật giữa Việt Nam và thế giới, mà còn là bệ phóng cho điện ảnh Việt vươn tầm quốc tế, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà làm phim và khán giả toàn cầu. Từ đó, Hà Nội trở thành một điểm đến hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế, nơi mà nghệ thuật và sáng tạo không ngừng nảy nở và thăng hoa.

Không gian phố đi bộ Hồ Gươm đã trở thành biểu tượng của sự sáng tạo trong cách tổ chức văn hóa cộng đồng. Không chỉ là nơi để người dân thư giãn, phố đi bộ còn mở ra không gian nghệ thuật đường phố đầy màu sắc với các buổi biểu diễn, triển lãm và sự kiện văn hóa đặc sắc. Những hoạt động này không chỉ khắc sâu tinh thần văn hóa Hà Nội mà còn phản ánh sự kết hợp tuyệt vời giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn những giá trị cũ và sáng tạo những điều mới mẻ.

Trong giai đoạn này, Thủ đô không ngừng mở rộng cánh cửa hội nhập, đón văn hóa bốn phương, đưa Hà Nội trở thành tâm điểm của các sự kiện văn hóa quốc tế. Các lễ hội âm nhạc quốc tế Monsoon, Tuần lễ thiết kế - sáng tạo, hay Tuần lễ thời trang quốc tế Hà Nội đã biến Thành phố thành một sàn diễn toàn cầu, nơi nghệ thuật và thời trang được giao thoa, kết nối những nền văn hóa đa dạng. Những sự kiện này không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội ra thế giới, mà còn tạo điều kiện để nghệ sĩ Việt Nam học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa và nghệ thuật Việt.

Lễ hội âm nhạc quốc tế Monsoon tại Hà Nội

Những hoạt động văn hóa đa dạng và phong phú không chỉ thổi bùng lên một đời sống văn hóa sôi động tại Hà Nội mà còn lan tỏa tinh thần sáng tạo ra toàn quốc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ. Văn hóa đã trở thành động lực phát triển bền vững của thủ đô, là chất xúc tác làm đẹp cuộc sống và tạo nền móng vững chắc cho sự thịnh vượng chung của đất nước.

Thời kỳ Đổi mới đã mang đến cho Hà Nội một hơi thở mới của văn hóa, một làn gió tươi mát làm giàu thêm bản sắc ngàn năm của thành phố. Hà Nội ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa hàng đầu của cả nước, đưa văn hóa trở thành sức mạnh nâng tầm Thủ đô và đồng hành cùng sự phát triển rực rỡ của Việt Nam trong tương lai.

Ngày càng phát huy thế mạnh của Thành phố sáng tạo

Hà Nội, tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019, với tư cách là trung tâm văn hóa của Việt Nam, hiện đang đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Thành phố sở hữu một hệ sinh thái phong phú bao gồm nhiều ngành nghề và hoạt động liên quan đến văn hóa, nghệ thuật và giải trí.

Ngành công nghiệp du lịch văn hóa ở Hà Nội đã có những đóng góp tích cực đáng kể trong sự phát triển của Thành phố, giúp nâng cao hình ảnh của Hà Nội trên bản đồ du lịch quốc tế. Lịch sử ngàn năm văn hiến, nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật với 5.922 di tích lịch sử văn hóa; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Các di tích lịch sử quan trọng như Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Hoàng Thành Thăng Long không chỉ giữ gìn những giá trị di sản văn hóa sâu sắc mà còn đóng góp trực tiếp vào nền kinh tế. Một số sản phẩm du lịch đêm trên nền tảng khai thác giá trị truyền thống mang đến sự độc đáo, mới lạ cho du lịch Hà Nội điển hình như: Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, tour du lịch “Đêm thiêng liêng” của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, du lịch “Giải mã Hoàng thành”; Hà Nội 36 phố phường; trải nghiệm tour “Ngọc Sơn huyền bí” và nhiều địa điểm trải nghiệm sáng tạo khác. Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống như Lễ hội Gióng ở đền Phù Đồng và đền Sóc, Lễ hội chùa Hương,... cũng góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách. Những sự kiện này không chỉ giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ liên quan, từ lưu trú đến ẩm thực.

Hà Nội vinh dự trở thành thành viên trong mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019

Hà Nội còn là nơi hội tụ tinh hoa nghề thủ công truyền thống của cả nước. Trong số khoảng 5.400 làng nghề ở Việt Nam, riêng Hà Nội chiếm 1/3 với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu. Mạng lưới làng nghề thủ công rộng khắp cùng hàng trăm nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ đã được Chủ tịch nước phong tặng cùng cộng đồng thợ giỏi và rất nhiều nhà sáng tạo trẻ đã đưa Hà Nội trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy cảm hứng sáng tạo lan tỏa trong xã hội, nơi tôn vinh văn hóa Việt, đưa các sản phẩm thủ công truyền thống ra thị trường quốc tế.

Nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế được tổ chức thành công thu hút đông đảo khách quốc tế tham gia khẳng định thương hiệu và vị thế của Thủ đô, như Lễ hội âm nhạc Gió mùa, Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội - HANIFF, Chương trình nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”. Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, dự án lớn trong lĩnh vực sáng tạo thiết kế, phục vụ đời sống văn hóa của người dân. Điển hình như Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm mỗi năm có hàng trăm sự kiện trong nước và quốc tế được tổ chức; Không gian bích họa Phùng Hưng; Hợp tác xã Vụn Art (mái nhà của người khuyết tật thiết kế tranh ghép từ những mảnh vải vụn); dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam (hoạt động thiết kế sáng tạo đương đại, kết nối thủ công mỹ nghệ truyền thống); Đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội; Không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội; Không gian văn hóa Phố sách nơi hội tụ nhiều nhà xuất bản lớn và uy tín với nhiều hoạt động về văn hóa đọc, lễ hội, triển lãm, xuất bản, mua bán sách. Những không gian văn hóa này đang tiếp tục đi tìm sức sống, sức sáng tạo mới cho cộng đồng.

Chương trình nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”

Với những thay đổi tích cực về chính sách, công nghiệp văn hóa Thủ đô đã từng bước có sự chuyển động lạc quan. Năm 2023, du lịch Thành phố đạt tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24,72 triệu lượt khách, tăng 30,2% so với năm 2022, trong đó gồm: 4,72 triệu lượt khách quốc tế (có 3,33 triệu khách quốc tế có lưu trú). Hà Nội luôn ở trong danh sách bình chọn của Tổ chức du lịch thế giới cho các điểm đến hàng đầu của châu Á và thế giới. Giai đoạn 2015-2020, cơ cấu kinh tế của Thành phố đang chuyển dịch theo hướng gia tăng nhanh ngành dịch vụ từ 57,2%/năm lên tới 64,1% GRDP, giúp Hà Nội duy trì tăng trưởng khá, đạt bình quân 6,83%/năm. GRDP/người năm 2020 đạt 5.325 USD, gấp 2,3 lần năm 2010 và đang trở thành một Thành phố năng động, phát triển. Đây là tiền đề thuận lợi để Hà Nội phát huy bề dày lịch sử và sự đa dạng văn hóa trong việc chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành sự bứt phá của các ngành công nghiệp văn hóa.

Tiếp tục chung sức, đồng lòng phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại

Hà Nội, trái tim của đất nước, không chỉ là Thủ đô về chính trị mà còn là nơi chứa đựng hồn thiêng sông núi Việt Nam. Những thách thức mà văn hóa Hà Nội đang đối mặt trong công cuộc xây dựng thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại không hề nhỏ. Đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự thay đổi lối sống và sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai đang từng ngày đẩy di sản văn hóa Hà Nội vào một ngã rẽ đầy thử thách. Nhưng chính trong những thách thức ấy, cũng mở ra cơ hội để chúng ta thể hiện sức mạnh và sự quyết tâm bảo vệ những giá trị thiêng liêng đã tồn tại suốt hàng nghìn năm.

Sự cân bằng giữa phát triển và bảo tồn văn hóa không phải là lựa chọn, mà là yêu cầu cấp thiết. Hà Nội cần phát triển, cần hiện đại hóa, nhưng không được đánh mất đi những nét đẹp cổ kính và sâu lắng vốn là linh hồn của Thành phố. Chỉ khi giữ vững được giá trị văn hóa cốt lõi, Hà Nội mới thực sự là biểu tượng của một đô thị vừa phát triển vừa văn minh.

Hình ảnh tái hiện Đoàn quân tiến về Hà Nội  tại "Ngày hội văn hóa vì hòa bình", nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi), quy hoạch Thủ đô cũng như nhiều dự án mới sẽ giúp Hà Nội có thêm nhiều thuận lợi. Dù vậy, chặng đường phía trước sẽ không thể thiếu sự đóng góp của tất cả mọi người. Chính quyền, với những chính sách sáng tạo và mạnh mẽ; cộng đồng, với tinh thần tự hào và trách nhiệm; và thế hệ trẻ, với lòng nhiệt huyết, sáng tạo, cần chung tay để bảo vệ và phát huy văn hóa Hà Nội. Chỉ khi có sự đồng lòng, Hà Nội mới có thể vững vàng tiến bước, tiếp tục tỏa sáng như một biểu tượng của văn hiến và hiện đại.

70 năm từ ngày giải phóng Thủ đô, khuôn mặt phố phường đã có bao thay đổi. Trong những ngày mùa thu lịch sử này, hướng về Thủ đô, trong lòng mỗi người dạt dào bao âm hưởng. Chắc chắn rằng, Hà Nội của ngày hôm nay, và cả mai sau, sẽ luôn phát huy được bản lĩnh, khí phách của Thủ đô ngàn năm văn hiến, là biểu tượng sống động của sự hòa quyện giữa quá khứ và tương lai, giữa sự cổ kính và hiện đại, giữa những nét văn hóa truyền thống ngàn năm và sự sáng tạo đổi mới không ngừng. Tất cả những gì chúng ta đang làm hôm nay sẽ là nền móng cho một Hà Nội bền vững, một Thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại, và đầy tự hào./.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Các bài viết khác