Lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Ðại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

19/01/2013

Chiều 17-1, tại Hà Nội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của đại diện tiêu biểu người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đồng chí: Huỳnh Ðảm, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Vũ Trọng Kim, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, chủ trì.

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, đồng chí Vũ Trọng Kim nêu rõ: Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có gần bốn triệu người đang sinh sống, làm việc ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, hơn 80% ở các nước công nghiệp phát triển. Ðể việc lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, trong đó có người Việt Nam định cư ở nước ngoài, góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thật sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, Hội nghị này có ý nghĩa rất đặc biệt. Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam trân trọng lắng nghe các ý kiến góp ý tâm huyết của đại diện tiêu biểu người Việt Nam ở nước ngoài, qua đó góp phần tích cực cho sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, vững mạnh.

Tại Hội nghị, đại diện người Việt Nam đang sinh sống ở các quốc gia: Hung-ga-ri, Mỹ, Ca-na-đa, Cam-pu-chia, Liên bang Ðức, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Ba Lan... đã đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đại biểu bày tỏ sự xúc động, vui mừng và vinh dự khi được  tham dự Hội nghị lấy ý kiến của đại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức ngay sau khi Dự thảo được công bố rộng rãi; đồng thời nêu rõ: Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sâu sắc sự quan tâm, coi trọng của Ðảng và Nhà nước đối với vai trò cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về những vấn đề hệ trọng của đất nước. Cộng đồng người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới luôn một lòng hướng về và sẵn sàng tham gia đóng góp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các ý kiến phát biểu khẳng định, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có rất nhiều điểm tích cực, nhất là việc cụ thể hóa quyền công dân, khẳng định Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân... Dự thảo sửa đổi Hiến pháp khẳng định rõ ràng việc Nhà nước bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, những quy định của Ðiều 67, Ðiều 68 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp về phát triển khoa học và công nghệ, về bảo vệ môi trường... là phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Về phát triển kinh tế, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thể hiện sự ưu việt khi khẳng định: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế và các thành phần kinh tế có vai trò quan trọng, bình đẳng như nhau.

Một số ý kiến đề nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần đề cao và cụ thể hơn nữa vai trò của MTTQ Việt Nam trong đời sống xã hội, trong đó nhấn mạnh chức năng phản biện xã hội của MTTQ. Dự thảo cần làm rõ hơn khái niệm về tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội (Ðiều 9) và khái niệm về công dân Việt Nam ở Khoản 2, Ðiều 18... Ngoài ra, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần bổ sung quy định việc Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có việc bảo hộ người Việt Nam ở nước ngoài tham gia nghiên cứu, đầu tư, đóng góp xây dựng đất nước. Có đại biểu đề nghị, Ðiều 19 cần khẳng định rõ ràng, cụ thể hơn về vai trò, vị trí quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là một bộ phận không thể tách rời mà còn là lực lượng có những đóng góp thiết thực đối với sự phát triển của đất nước và được hưởng các quyền lợi, nghĩa vụ của công dân Việt Nam...

Nhiều đại biểu đề nghị, các quy định, điều khoản trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để thể hiện ngắn gọn, rõ ràng hơn và cần bảo đảm có giá trị lâu dài. Việc lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần được triển khai sâu rộng tại Ðại sứ quán Việt Nam ở các quốc gia trên thế giới để đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài được tham gia đóng góp ý kiến của mình...

Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Ðảm nêu rõ: Bằng tinh thần trách nhiệm và tình cảm sâu đậm đối với những vấn đề hệ trọng của Tổ quốc, các đại biểu đại diện  cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp những ý kiến thẳng thắn, thiết thực vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong thời gian tới, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tiếp tục tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân, trong có người Việt Nam ở nước ngoài thông qua các tổ chức thành viên của Mặt trận; qua các Hội nghị góp ý do Ủy ban MTTQ các cấp tổ chức tại các địa phương trong cả nước và thông qua việc gửi văn bản góp ý về Ủy ban MTTQ các cấp...

* Tỉnh  Lạng Sơn  vừa tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố triển khai Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tại hội nghị trực tuyến, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành... quán triệt sâu sắc nội dung, mục đích, yêu cầu của Chỉ thị số 22-CT/T.Ư của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Kế hoạch của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tỉnh cũng đã công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo của tỉnh; dự thảo kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992... coi đây là nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết ngày 31-3. Các ý kiến của nhân dân phải được trân trọng lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc, tập hợp đầy đủ, khách quan, chinh xác.

* Hội đồng nhân dân (HÐND) tỉnh Bình Thuận (khóa IX ) vừa ra Quyết định số 02/QÐ-HÐND về việc thành lập Tổ biên tập trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh.

  Theo đó, Tổ biên tập có nhiệm vụ phối hơp Văn phòng Ðoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (ÐÐBQH và HÐND) và các cơ quan liên quan giúp thường trực HÐND tỉnh, Ðoàn ÐBQH và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh theo dõi tình hình tổ chức triển khai thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; xây dựng các Báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của tỉnh theo Kế hoạch số 25/KH-HÐND ngày 8-1-2013 của Thường trực HÐND tỉnh.

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác