Các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sẽ tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

21/10/2024

Sáng 21/10, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc trọng thể, với khối lượng lập pháp nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Các ý kiến đại biểu Quốc hội chia sẻ bên lề phiên Khai mạc đều bày tỏ kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, đóng góp tâm huyết, trách nhiệm để các luật được thông qua sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn để phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng thuật trực tiếp sáng 21/10: Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Quốc hội sẽ làm việc trong 29,5 ngày, từ ngày 21/10 đến ngày 30/11/2024; chia làm 2 đợt: đợt 1 từ ngày 21/10 đến ngày 13/11; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11. Trong đó, công tác lập pháp là nội dung trọng tâm, chiếm phần lớn thời gian của Kỳ họp, có 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được thảo luận, trong đó, Quốc hội xem xét, phấn đấu thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.

Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, Nhân dân cả nước rất quan tâm. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội ghi lại ý kiến của một số đại biểu Quốc hội bên lề phiên Khai mạc, các ý kiến đều bày tỏ kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, đóng góp tâm huyết, trách nhiệm để các luật được thông qua sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn để phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau Hội nghị Trung ương 10, nên tôi cho rằng sẽ có nhiều đổi mới, nhất là về công tác lập pháp. Công tác xây dựng pháp luật trên tinh thần ngắn gọn, không đưa vào luật các nội dung thuộc nghị định, thông tư. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tôi cho rằng, với quan điểm xây dựng luật này vừa tháo gỡ điểm nghẽn trong sản xuất, knh doanh và phục vụ đời sống người dân.

Về hoạt động giám sát, Quốc hội sẽ giám sát thường xuyên các hoạt động của Chính phủ, bộ, ngành, trong đó kỳ họp này sẽ tiến hành chất vấn đối với 3 Bộ trưởng.Hy vọng, thông qua hoạt động giám sát tối cao, các đại biểu sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm đặt câu hỏi đúng, trúng; còn các bộ, ngành sẽ nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế hiện nay, từ đó tiếp tục nỗ lực giải quyết, tháo gỡ vướng mắc.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia, việc đưa vào chương trình Kỳ họp cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy là cần thiết, bởi đây là tệ nạn đáng báo động ở Việt Nam, mà còn là vấn nạn trên toàn thế giới, hủy hoại sức khỏe người dân. Vì vậy, tôi rất ủng hộ việc đưa Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy vào thảo luận. Thực tế tại địa phương cho thấy, người nghiện, đối tượng mua bán ma túy đang gia tăng rất lớn, nên cần có nguồn lực để đấu tranh, ngăn chặn hành vi mua bán từ nước ngoài vào Việt Nam và tại nội địa; có nguồn lực đưa người nghiện đi cai nghiện, giúp họ có tinh thần, sức khỏe tốt hơn, giúp nguồn nhân lực của Việt Nam vừa có trí tuệ, vừa có sức mạnh, đáp ứng yêu cầu của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, tạo ra sự bứt phá, hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắc Nông

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắc Nông: Tôi mong muốn nhiều luật đảm bảo chất lượng được thông qua, nhằm tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trong thực thi để phát triển kinh tế-xã hội, ổn định cuộc sống của người dân. Về công tác chuẩn bị Kỳ họp được đảm bảo cả về cơ sở vật chất và nguồn lực; tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội kịp thời, có những tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội rất sớm, đảm bảo về thời gian theo quy định. Các Đoàn ĐBQH cũng tổ chức tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến các đơn vị có liên quan đến các luật, giúp công tác lập pháp đạt hiệu quả cao, bám sát thực tiễn cuộc sống.

Tại Kỳ họp thứ 8, tôi cũng quan tâm đến một số dự thảo luật như: Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Điện lực, với nhiều nội dung mới. Tôi cho rằng, cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo chất lượng, để khi được thông qua và có hiệu lực có thể áp dụng ngay trong thực tiễn. Ngoài ra, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm; thông qua đó đại biểu có thể truyền tải ý kiến, kiến nghị của cử tri và mong muốn các bộ trưởng, trưởng ngành giải quyết những vướng mắc đang nảy sinh trong công tác quản lý trong từng lĩnh vực của bộ, ngành quản lý.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Dự kiến Kỳ họp thứ 8 sẽ thông qua 15 luật, cho ý kiến lần đầu đối với 13 luật và một số nội dung quan trọng như: chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam; về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, hoạt động giám sát tối cao, giám sát chuyên đề... Trong đó, đối với công tác lập pháp có một số nội dung quan trọng, nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân như dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Tôi cho rằng, trong trường hợp nếu các dự án luật quan trọng chưa thông qua theo quy trình một kỳ họp, có thể ban hành nghị quyết riêng để tháo gỡ một số vướng mắc cấp bách.

Tôi cũng đánh giá cao điểm mới trong công tác xây dựng pháp luật, đó là bàn về các quyết sách lớn, tăng thời gian thảo luận tổ để ghi nhận được nhiều ý kiến của đại biểu phát biểu góp ý vào các dự thảo luật.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội: Có thể nói, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh đất nước đang bước vào thời kỳ có nhiều cơ hội, thách thức, đặc biệt là các chương trình, dự án đầu tư lớn đang cần triển khai, nhưng các vướng mắc về thể chế đang phần nào cản trở những chương trình, dự án này. Do vậy, tôi cho rằng, rất cần hoàn thiện thể chế, chính sách tạo sự đồng bộ; đồng thời bổ sung thể chế đặc thù, vượt trội.

Hơn nữa, năm 2025 là năm kết thúc nhiệm kỳ 2021-2026, là năm bản lề cho các chương trình, kế hoạch của cả nhiệm kỳ. Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội cần chỉ ra các mục tiêu và hành động của cả năm để về đích thành công; tạo ra tiền đề cho cả giai đoạn tới.

Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Số lượng dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp là rất lớn, sức ép đặt lên các cơ quan của Quốc hội cũng rất lớn. Vì vậy, tôi cho rằng, các đại biểu Quốc hội cần phát huy trách nhiệm cao nhất trong nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, cho ý kiến và xem xét thông qua các dự án luật, bảo đảm ban hành được những đạo luật tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn trọng của các cơ quan, đến thời điểm này, tôi cơ bản thấy yên tâm với các nội dung được trình Quốc hội và tin tưởng rằng, Kỳ họp sẽ thành công tốt đẹp. Qua đó cũng cho thấy tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan liên quan, đặc biệt là vai trò của Chính phủ trong việc đề xuất những nội dung xuất phát từ thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống; sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt, đồng hành của các cơ quan của Quốc hội trong việc hoàn thiện thể chế, kiến tạo cho đất nước tiếp tục phát triển.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác