Các tỉnh triển khai lấy ý kiến về dự thảo Hiến pháp

25/01/2013

Ngày 23/1, Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân tỉnh Bình Phước về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ông Nguyễn Tấn Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân tỉnh Bình Phước về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lưu ý sau hội nghị này, các đại biểu với vai trò là lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp cần khẩn trương thực hiện một số công việc quan trọng và cấp bách. Các đại biểu quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến của nhân dân của tỉnh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Lãnh đạo các ngành, các cấp, các địa phương, cơ quan, đơn vị khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch của Trung ương, địa phương một cách cụ thể, chặt chẽ, khoa học; tổ chức lấy ý kiến nhân dân phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc để việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân khẩn trương, nghiêm túc, đúng tiến độ và hiệu quả.

Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng; sự tham gia tích cực, nghiêm túc của tất cả các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị; chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, kịp thời đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ trong việc lấy ý kiến nhân dân để chống phá, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn có kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, phản ánh kịp thời ý kiến đóng góp của nhân dân. Việc tổng hợp ý kiến và xây dựng báo cáo kết quả đóng góp ý kiến của nhân dân bảo đảm phản ánh đầy đủ, toàn diện, chính xác ý kiến của nhân dân...

Tại Bình Dương, ông Phạm Văn Cành, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh này cho biết việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của khối Mặt trận trên địa bàn tỉnh đang được triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân...

Các tổ chức thành viên Mặt trận sẽ tổ chức lấy ý kiến theo hình thức đóng góp trực tiếp tại các cuộc hội nghị, đóng góp ý kiến bằng văn bản do cá nhân gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, hoặc gửi qua thư điện tử... Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh sẽ tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân để tổng hợp, báo cáo theo đúng quy trình, thời gian.

Để triển khai tốt việc này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho hơn 100 đại biểu đại diện cho các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã thông qua kế hoạch về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân của Mặt trận, trong đó đề cập cụ thể về yêu cầu cũng như mục đích của việc lấy ý kiến nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, cũng như tạo sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân trong việc tổ chức lấy ý kiến, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân...

Việc lấy ý kiến sẽ tập trung sâu vào phạm vi, lĩnh vực hoạt động của cơ quan và những vấn đề mà cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm. Đại biểu các tổ chức thành viên đã đóng góp nhiều ý kiến để kế hoạch lấy ý kiến đạt hiệu quả tốt nhất./.

Văn Việt-Quách Lắm (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)

Các bài viết khác