Dừng phiên đấu thầu khi phát hiện dấu hiệu bất minh

30/10/2024

Đóng góp vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật, các ĐBQH tại Tổ 5 cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Đầu tư bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Đối với Luật Đấu thầu, khi phát hiện dấu hiệu bất minh, người tổ chức có quyền dừng hoặc tổ chức lại đấu thầu và có phản ánh với cơ quan chức năng...

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đấu thầu

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (1 luật sửa 4 luật). Tham gia họp tại Tổ 5 gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Quảng Nam, Kiên Giang. Đa số các ĐBQH cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật thuộc Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật với cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn.

Toàn cảnh Phiên thảo luận

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu, trong đó có những quy định liên quan trực tiếp đến nguồn lực, ngân sách nhà nước, thẩm quyền, phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương, thủ tục hành chính... Tuy nhiên, Báo cáo đánh giá tác động còn nhận định chung chung, định tính, thiếu số liệu minh chứng thể hiện sự cấp bách và vướng mắc trên thực tiễn, đặc biệt trong một số chính sách còn nhận định chưa thể đánh giá được cụ thể các tác động về kinh phí mang tính định lượng, thiếu cơ sở để lựa chọn giải pháp phù hợp, do đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung làm rõ. Ngoài ra, các ĐBQH đề nghị bổ sung dự thảo Nghị định quy định chi tiết dự án Luật theo quy định.

Nghiên cứu sửa đổi Luật Đầu tư bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật

Đóng góp ý kiến vào sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, hiện nay, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Qua nghiên cứu còn một số vấn đề bất cập liên quan đến Luật Đầu tư.

Thứ nhất, đối với dự án Điện gió ngoài khơi. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư được quy định tại các Điều 30, 31, 32 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 quy định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của các dự án đầu tư. Tuy nhiên, dự án điện gió ngoài khơi chưa nêu rõ thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Về lựa chọn nhà đầu tư, Điều 29 Luật Đầu tư chỉ nêu quy định đối với các dự án sử dụng đất, chưa có quy định đối với dự án sử dụng mặt biển như điện gió ngoài khơi.

Đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Thứ hai, về việc xử lý dự án chậm tiến độ đối với các dự án đầu tư điện lực. Điều 48 Luật Đầu tư đã quy định về việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, trong đó bao gồm việc chấm dứt hoạt động liên quan đến tiến độ thực hiện. Tuy vậy, yêu cầu, điều kiện chấm dứt hoạt động chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ hoặc chưa thực sự phù hợp với đặc thù dự án điện lực.

Theo đại biểu Vương Quốc Thắng, vướng mắc nêu trên đã được nhiều địa phương phản ánh trong quá trình rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ ba, việc quy định đặc thù đối với việc quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư điện lực, hiện nay, các dự án điện lực khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phải có dự kiến mục tiêu, quy mô, địa điểm, nhu cầu sử dụng đất, phương án thiết kế sơ bộ về xây dựng, thuyết minh, công nghệ, kỹ thuật và thiết bị phù hợp, sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án,… và đề xuất giá điện cho dự án. Do đó, Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư phải bao gồm quyết định chủ trương đầu tư dự án và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng dự án.

Với những lý lẽ nêu  trên, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp với các cơ quan có liên quan, đặc biệt là Bộ Công thương để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật đầu tư, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Khi phát hiện dấu hiệu bất minh, có thể dừng hoặc tổ chức lại đấu thầu và có phản ánh với cơ quan chức năng

Đối với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, đại biểu Sùng A Lềnh- ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết: Tại mục 11 sửa đổi, bổ sung Điều 42, khoản 2 quy định: “Chủ đầu tư, người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án có thể hình thành gói thầu bao gồm một hoặc một số công việc: Khảo sát xây dựng, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, lập quy hoạch chi tiết xây dựng, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, giám sát thi công để tổ chức lựa chọn nhà thầu. Các công việc lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, giám sát thi công chỉ được thực hiện sau khi dự án được phê duyệt.”

Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị sửa đổi khoản 2 thành: “Chủ đầu tư, người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án có thể hình thành gói thầu bao gồm một hoặc một số hạng mục công việc quy định tại khoản 3 Điều này”. Lý do là để quy định thống nhất về các hạng mục công việc giữa khoản 2 và khoản 3, vì tại khoản 3 dự thảo Luật đã quy định cụ thể rõ ràng về các hạng mục công việc.

Liên quan đến việc đặt cọc khi đấu thầu, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Đấu giá không thực chất sẽ trở thành công cụ để lũng đoạn và thị trường buôn bán trở thành nơi để trục lợi. Để khắc phục tình trạng bỏ cọc, trục lợi khi đấu thầu, đại biểu Dương Văn Phước nêu quan điểm: Phải tăng giá đặt cọc để tránh thầu tặc và là tăng tiền đặt cọc theo từng vòng đấu, theo lũy tiến để buộc người đấu giá phải cân nhắc khi bỏ cọc. Bên cạnh đó, phải có chế tài mạnh để cấm các doanh nghiệp tiếp tục đấu giá trên một số lĩnh vực. Ví dụ như đấu giá vật liệu xây dựng thì chúng ta không cho họ đấu giá nữa và mới hạn chế được các trường hợp bỏ cọc.

Làm rõ hơn về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Việc triển khai Luật Đấu thầu đã có những phát sinh trong thực tiễn. Trong trường hợp có những dấu hiệu bất thường thì người tổ chức đấu thầu cần đưa ra các phương án như dừng đấu thầu hoặc tổ chức lại đấu thầu và có phản ánh với cơ quan chức năng. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần phối hợp nghiên cứu, rà soát để bổ sung quy định về trách nhiệm người tổ chức đấu thầu, góp phần hạn chế những hiện tượng tiêu cực xảy ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, trong thời gian qua, chúng ta vẫn thấy các phiên đấu thầu đất đai, mỏ đất, mỏ khoáng sản thường được đấu thầu đẩy giá lên. Trong xây dựng cơ bản cũng có những trường hợp hạ giá xuống một cách vô lý. Nếu không áp dụng giải pháp công nghệ, thi công đặc biệt mà giá được hạ quá thấp thì cần xem lại, vì sẽ không bảo đảm chất lượng công trình, không bảo đảm yêu cầu. Người đấu thầu bỏ giá xuống thấp quá mức như vậy vì mục đích khác của mình trong hoạt động kinh doanh, sản xuất.

Từ thực tế trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, cần nghiên cứu, rà soát để bổ sung quy định giúp ngăn ngừa tình trạng đẩy giá lên quá cao và hạ giá xuống quá thấp; nghiên cứu bổ sung quy định khi phát hiện dấu hiệu bất minh thì người tổ chức cần có quyền dừng phiên đấu thầu lại. Người tổ chức đấu thầu phải có phương pháp thực hiện phù hợp để phiên đấu thầu tiến hành khoa học, bám sát thực tế, vì khi sự việc xảy ra rồi khắc phục hậu quả rất khó.

Trong khuôn khổ Phiên thảo luận, các ĐBQH tại Tổ 5 còn cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Theo đó, các ĐBQH thống nhất với việc ban hành Nghị quyết nhằm khẩn trương triển khai thực hiện Kết luận số 87-KL/TW, ngày 13/7/2024 của Bộ Chính trị, tạo cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Qua đó, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:

Toàn cảnh Phiên thảo luận

Đại biểu Dương Văn An - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long (bên phải) và đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Nguyễn Văn Hận - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu, làm rõ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu./.

Bích Lan - Nghĩa Đức

Các bài viết khác