Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cán bộ phòng, chống tham nhũng phải trong sạch, dũng cảm, ngay thẳng, công tâm và trung thực

06/02/2013

Ngày 4-2, tại Trụ sở T.Ư Ðảng, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng ra mắt và họp phiên thứ nhất. Ðồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng chủ trì phiên họp.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng/  Danh sách Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng/  Bộ Chính trị, Ban Bí thư điều động, phân công cán bộ

Ðồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư công bố Quyết định của Bộ Chính trị thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng. Theo đó, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Ban Chỉ đạo gồm 16 đồng chí do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban và năm phó trưởng ban, mười ủy viên.

Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã họp phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo. Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng báo cáo, các thành viên Ban Chỉ đạo đã phát biểu ý kiến đóng góp vào dự kiến phân công công tác các thành viên trong Ban Chỉ đạo; Báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng thời gian vừa qua, định hướng nhiệm vụ công tác thời gian tới; Báo cáo một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng phức tạp cần theo dõi chỉ đạo, đôn đốc giải quyết; dự kiến Chương trình công tác năm 2013 của Ban Chỉ đạo.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, việc T.Ư quyết định thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị là xuất phát từ yêu cầu khách quan với mong muốn tạo quyết tâm cao trong phòng, chống tham nhũng. Phòng, chống tham nhũng là công việc vô cùng hệ trọng, liên quan đến sự bền vững của chế độ, nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp, vì liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng, đến chủ nghĩa cá nhân và đụng chạm đến người có chức, có quyền. Công tác phòng, chống tham nhũng, chúng ta đã làm, nhưng còn nhiều việc phải làm với tinh thần quyết liệt hơn, bền bỉ hơn. Việc lập Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị là nhằm đẩy mạnh thêm một bước công tác này. Tổng Bí thư nhấn mạnh, với trọng trách rất lớn, Ban Chỉ đạo cần nắm vững chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác, không làm thay cơ quan chức năng; vừa kế thừa, phát huy kết quả đã làm được trước đây, vừa rút kinh nghiệm những việc chưa làm được, nhận rõ yêu cầu mới đặt ra. Ban Chỉ đạo cần tổ chức công việc chặt chẽ, làm việc nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm, đoàn kết thống nhất; nắm vững luật pháp, chính sách, cơ chế hiện hành, nghiên cứu, tham khảo hoạt động của nước ngoài trong công tác này; có quy chế hoạt động trong nội bộ, quy chế phối hợp các cơ quan hữu quan. Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh, mỗi cán bộ làm việc trong lĩnh vực này phải hết sức gương mẫu, phải trong sạch, dũng cảm, ngay thẳng, công tâm, trung thực. Mỗi thành viên và cả gia đình phải là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích cá nhân nào, không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào. Cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, mà "tay đã nhúng chàm" thì không thể chống được tham nhũng. Tổng Bí thư đề nghị Ban Nội chính T.Ư - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng cần gương mẫu, trong sạch, sớm kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ có chất lượng; xây dựng nội quy, quy chế làm việc rõ ràng.

 Trước mắt, Tổng Bí thư đề nghị Ban Chỉ đạo cần soạn thảo quy chế làm việc, quy chế phối hợp; xây dựng chương trình công tác toàn khóa. Trên cơ sở đó, xác định chương trình, nhiệm vụ trọng tâm năm 2013. Ðối với những vụ án lớn, Ban Chỉ đạo không làm thay chức năng của cơ quan nhà nước; phối hợp với các ngành, các cấp, đôn đốc làm đúng chức năng, quy định của pháp luật; cho định hướng chỉ đạo đối với một số vụ trọng điểm, phức tạp, kéo dài, hoặc có ý kiến khác nhau.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác