Hội thảo lấy ý kiến Pháp chế doanh nghiệp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

05/03/2013

Trong không khí toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang tích cực đóng góp ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, sáng ngày 02/3/2012, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Pháp chế doanh nghiệp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã tham dự và chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có khoảng 150 đại biểu đại diện cho các Bộ, ban, ngành Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các doanh nghiệp là thành viên Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng công ty may 10, Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam, Tổng Công ty lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị, Tập đoàn Bảo việt, công ty Luật hợp danh YKVN, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa… và các các cơ quan thông tấn, báo chí như Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Hà Nội, Báo điện tử Chính phủ, Báo Nhân dân, Báo Diễn đàn doanh nghiệp, Thời báo kinh tế Việt Nam, Báo Người đại biểu Nhân dân, Báo Pháp luật Việt nam, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp….

 Tại Hội thảo, đại biểu là các doanh nhân đã nêu lên những trăn trở của mình về những quy định liên quan trực tiếp tới doanh nhân, doanh nghiệp, kinh tế, thương mại và đầu tư như: vị trí của doanh nhân trong liên minh giai cấp quy định tại Điều 2 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; việc không phân biệt các thành phần kinh tế trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để các thành phần kinh tế cùng hoạt động và cạnh tranh bình đẳng, phù hợp với nguyên tắc không phân biệt đối xử của các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận một số vấn đề mà giới doanh nghiệp rất quan tâm, đó là về đất đai và cho rằng đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, do đó, cần bổ sung quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đất đai phải được quản lý phù hợp với các yếu tố thị trường; về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như về những chính sách kinh tế, đầu tư…. Một số vấn đề tuy không trực tiếp liên quan tới doanh nhân, doanh nghiệp nhưng là tiền đề để doanh nhân, doanh nghiệp phát triển như những quy định trong Chương về chế độ chính trị, về chế định Quốc hội, Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân, chính quyền địa phương, Hội đồng Hiến pháp… cũng được tập trung thảo luận.

 Kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đã cảm ơn các đại biểu đã có những đóng góp thiết thực đối với các nội dung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng thời, có một số ý kiến trao đổi lại để các đại biểu rõ hơn về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và chỉ đạo tổ thư ký có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của các doanh nhân để kiến nghị với Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.

Nguyễn Ngọc Quang

(http://www.moj.gov.vn)

Các bài viết khác