Hội thảo Lấy ý kiến pháp chế doanh nghiệp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

05/03/2013

Ngày 2.3, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến pháp chế doanh nghiệp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Tại hội thảo, đại diện pháp chế doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến những vấn đề liên quan trực tiếp chế độ kinh tế, đến hoạt động sản xuất kinh doanh, vai trò của doanh nhân trong phát triển đất nước. Cụ thể, tại Điều 2 dự thảo Hiến pháp quy định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”, đại diện giới doanh nhân cho rằng, cần bổ sung thành phần doanh nhân vào liên minh công – nông – trí thức và doanh nhân để phù hợp quan điểm của Đảng về doanh nhân, vai trò của doanh nhân trong tiến trình phát triển của đất nước. Cũng từ góc độ này, Điều 54 về thành phần kinh tế “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật” là quy định nhận được đồng thuận cao của đại diện pháp chế doanh nghiệp. Quy định này không chỉ tạo tiền đề cho sự phát triển đất nước mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đề nghị, để có sự linh hoạt trong quá trình điều hành các chính sách kinh tế thuộc thẩm quyền Chính phủ, đặc biệt là trong trường hợp nền kinh tế có biến động, thiên tai, dịch họa cần có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế...

Những quy định liên quan đến đất đai, thu hồi đất... thu hút được sự quan tâm của đại diện doanh nghiệp. Đa số các ý kiến cho rằng, cần phát huy yếu tố thị trường trong quản lý đất đai chẳng hạn như đấu thấu đất, sử dụng các cơ quan định giá độc lập... Nếu bảo đảm được yếu tố thị trường trong thu hồi đất thì vừa bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, vừa hạn chế được khiếu kiện; tăng giá trị thặng dư từ đất..., các đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “phù hợp với các yếu tố thị trường” tại Khoản 3 Điều 56.

Tại hội thảo, một vấn đề khác cũng được các đại biểu thảo luận, với băn khoăn có sự phân tán, thiếu sự liên kết, logic không, khi tại Khoản 2 Điều 61 quy định chính sách nhà nước về lao động đặt ở Chương Kinh tế, trong khi đó quyền và lợi ích của người lao động đặt ở Chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đại diện của nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, bên cạnh việc đưa người lao động vào dự thảo thì cần bổ sung quy định Nhà nước cần bảo hộ quyền lao động của người lao động nhất là người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

 

 

PHÙNG HƯƠNG

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác