Giao Thường trực HĐND giải quyết vấn đề phát sinh

21/11/2024

Tăng tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách cấp tỉnh, thành lập Ban Đô thị HĐND cấp huyện, có cơ chế giao thẩm quyền Thường trực HĐND giải quyết vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp nhằm khắc phục hạn chế, bất cập đã phát sinh trong thực tiễn… là các giải pháp cụ thể ở 6 nhóm chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gửi lấy ý kiến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 11/2024. Ảnh: N. Ánh

Tiếp tục hoàn thiện, đổi mới tổ chức, hoạt động

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, sau gần 10 năm thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và 4 năm thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp đã dần đi vào ổn định, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương theo quy định của Luật và các văn bản pháp luật liên quan.

Đề cương chi tiết Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có 161 điều, tăng 18 điều so với luật hiện hành, trong đó có 37 điều được giữ nguyên, bỏ 5 điều, bổ sung 14 điều, các điều còn lại được kế thừa và sửa đổi, bổ sung về nội dung. Theo dự kiến, dự luật sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần 1 tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thi hành các luật nêu trên đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi. Do vậy, Bộ Nội vụ đề cập 6 nhóm chính sách theo quan điểm tiếp tục hoàn thiện quy định về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, của HĐND và UBND các cấp; đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương các cấp; khắc phục hạn chế, bất cập, vướng mắc từ quy định hiện hành; tạo hành lang pháp lý ổn định, phù hợp đối với tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương.

Sáu nhóm chính sách được đề xuất gồm: (1) Hoàn thiện quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương; giữa các cấp chính quyền địa phương. (2) Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp. (3) Hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và cơ chế liên kết vùng. (4) Hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp. (5) Hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động của UBND các cấp. (6) Hoàn thiện các quy định của Luật về thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính (ĐVHC).

Hai nội dung trong nhóm chính sách Hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp được đề cập gồm: quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thuộc HĐND (Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu) các cấp phù hợp với từng loại hình ĐVHC đô thị, nông thôn và yêu cầu nhiệm vụ; quy định cơ cấu, số lượng đại biểu HĐND các cấp theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND.

Tăng tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách

Giải pháp cụ thể được đề cập là tăng tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách ở ĐVHC đô thị (thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; thị xã). Tại địa bàn nông thôn (tỉnh, huyện, xã): tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở tỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh trong quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương và thực hiện nhiệm vụ giám sát. HĐND tại các chính quyền đô thị cấp huyện sẽ được thành lập Ban Đô thị để giúp HĐND, Thường trực HĐND trong lĩnh vực quản lý đô thị.

Đối với Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện sẽ có thêm chức danh Ủy viên chuyên trách nhằm có cơ sở tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách (trong trường hợp không tăng số lượng Phó trưởng Ban của HĐND). Đối với cấp xã, giải pháp được đề xuất là thành lập Tổ đại biểu HĐND cấp xã để giúp HĐND, Thường trực HĐND và đại biểu HĐND cấp xã thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nhất là thực hiện việc tiếp xúc cử tri, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri trên địa bàn.

Một nội dung khác được nhiều địa phương kiến nghị và được đề cập trong chính sách này là việc quy định Thường trực HĐND được quyết định một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND giữa 2 kỳ họp nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách của địa phương. Theo nhận định, việc lựa chọn giải pháp này là phương án tối ưu khắc phục được hạn chế, bất cập đã phát sinh trong thực tiễn triển khai Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Ngoài ra, trong nhóm chính sách 5 hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động của UBND các cấp cũng đề cập các giải pháp đáng chú ý như: quy định rõ về cơ cấu tổ chức của UBND các cấp phù hợp với từng mô hình chính quyền địa phương ở đô thị, nông thôn, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Phân biệt rõ nguyên tắc và phương thức tổ chức hoạt động của UBND ở các ĐVHC vẫn tổ chức HĐND (chế độ tập thể) và nguyên tắc và phương thức tổ chức hoạt động của UBND ở các ĐVHC không tổ chức HĐND (nguyên tắc thủ trưởng hành chính). Từ đó, xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp và Chủ tịch UBND các cấp.

Theo đó, tại ĐVHC vẫn tổ chức cấp chính quyền địa phương (có HĐND và UBND) thì UBND vẫn hoạt động theo cơ chế tập thể UBND kết hợp với trách nhiệm của Chủ tịch UBND, nhưng rà soát theo hướng tăng cường hơn nữa thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân Chủ tịch UBND. Tại các ĐVHC không tổ chức HĐND thì UBND gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch (không có Ủy viên) và thực hiện cơ chế thủ trưởng hành chính.

(Theo báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác