Nam Định góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

09/03/2013

Ngày 7/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nam Định đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của các cơ quan, đơn vị, hội, đoàn thể chính trị xã hội của tỉnh.

Qua quá trình tập hợp ý kiến, nguyện vọng của cán bộ, nhân dân từ hơn 600 đầu mối thuộc 10 huyện, thành phố trong tỉnh Nam Định, tại hội nghị đã có hàng chục lượt ý kiến đóng góp thẳng thắn, tâm huyết của đại diện các đơn vị, ngành, đoàn thể vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Các đại biểu đều thống nhất với quan điểm việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là cần thiết; Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã kế thừa và phát huy được tinh hoa của Hiến pháp những năm trước đây, vừa cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới, vừa cô đọng, dễ hiểu và phù hợp với trình độ của các tầng lớp nhân dân.

Đa số các đại biểu đóng góp ý kiến về sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản để tăng tính cụ thể và xác đáng về từ ngữ. Có nhiều ý kiến đóng góp cho rằng khoản 3 Điều 9: “Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động” cần thêm cụm từ “có trách nhiệm” vào trước cụm từ “tạo điều kiện” hoặc thay “tạo điều kiện” bằng “đảm bảo điều kiện.”

Điều 21: “Mọi người có quyền sống,” theo các đại biểu không nên tách riêng rẽ mà nên gộp vào Điều 22, bổ sung thêm trở thành một khoản độc lập: “Mọi người có quyền sống, quyền lao động, học tập và mưu cầu hạnh phúc.” Tại Điều 16 (mới) nên thêm từ “hợp pháp” để làm chặt chẽ hơn khoản 1: “Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền hợp pháp của người khác.”

Ngoài việc thống nhất ý kiến tại một số điều chung, các đại biểu cũng có những ý kiến chi tiết vào nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Đại biểu Trần Trọng Thái - đại diện các cấp Liên đoàn lao động trong tỉnh Nam Định cho rằng đối với Điều 11 Khoản 1: “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm” nên đổi từ “Tổ quốc” bằng từ “chủ quyền”; cũng trong Điều 11 Khoản 2 “Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền...” nên thêm từ “âm mưu” vào trước “hành vi,” trở thành: “Mọi âm mưu và hành vi...”

Theo đại biểu Phan Văn Ứng - Phó Trưởng ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh Nam Định, Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã khá đầy đủ và rõ ràng, khẳng định được vai trò và vị trí lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đồng thời thể hiện rõ quyền làm chủ của nhân dân...

Hầu hết các đại biểu đều thống nhất quan điểm việc sử dụng từ ngữ diễn đạt trong Hiến pháp phải súc tích nhưng bên cạnh đó cần đầy đủ, dễ hiểu và phù hợp đối tượng.

Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến khác xoay quanh các vấn đề về Nhà nước pháp quyền, việc thêm điều khoản về đầu tư cho giáo dục, văn hóa, vấn đề phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa..../.

(http://www.vietnamplus.vn/)

Các bài viết khác