Tọa đàm khoa học Góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

12/03/2013

Ngày 9/3, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra Tọa đàm khoa học Góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, giới luật gia, các đồng chí lão thành cách mạng. Tọa đàm do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản PGS, TS Vũ Văn Phúc nêu rõ: Đây không phải là mong muốn chủ quan duy ý chí của một cá nhân hay một tổ chức nào, mà được đúc kết, được kiểm nghiệm bởi một thực tế hiển nhiên là: một đảng từ hai bàn tay trắng đã lãnh đạo toàn dân tộc làm cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công giành chính quyền về tay nhân dân; một đảng đã lãnh đạo công cuộc đổi mới tạo ra những thành tựu ấn tượng về kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hoá, xã hội… được cả thế giới thừa nhận và khâm phục, thì Đảng đó có đủ tín nhiệm, đủ trí tuệ, bản lĩnh, niềm tin… để lãnh đạo toàn dân ta tiếp tục tiến bước theo con đường đã chọn, đưa dân tộc ta lên đài vinh quang, đưa đất nước ta sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

Đề cập tới vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4 của Hiến pháp, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Trần Trọng Tân khẳng định, Hiến pháp tiếp tục xác định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là rất cần thiết. Thực tế trong xã hội có lực lượng của nhiều tổ chức chính trị - xã hội như Đảng cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội… thì phải xác định lực lượng nào là lực lượng lãnh đạo. Hiến pháp xác định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội giao trọng trách cho Đảng trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Bày tỏ sự nhất trí cao với Điều 4 của Hiến pháp, PGS.TS, Nhà giáo nhân dân Huỳnh Văn Hoàng khẳng định: Ở Việt Nam, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới đủ uy tín, trí tuệ, khả năng tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc, lãnh đạo đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vì vậy, Điều 4 trong Hiến pháp vừa là niềm tin, lòng tự hào của dân tộc đối với Đảng, vừa là trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân.

Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đã có nhiều đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Hiến pháp trong các quy định về giới hạn quyền con người, quyền công dân, quyền sống; về đại biểu quốc hội; về mô hình bảo hiến và các quy định về trường hợp Nhà nước thu hồi đất; quy định về tài sản thuộc sở hữu toàn dân; về mở rộng trụ cột khối đại đoàn kết dân tộc; tạo bước đột phá trong tư duy phát triển giáo dục; về chính quyền đô thị…

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác