Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Ðình, Hà Nội

14/05/2013

Chiều 13-5, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Ðoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri quận Ba Ðình trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Các đại biểu Quốc hội đã báo cáo với cử tri dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII; kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng đối với các vấn đề mà cử tri kiến nghị tại cuộc tiếp xúc lần trước.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri bày tỏ sự đồng tình cao với việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ý kiến các cử tri cũng băn khoăn về nhiều vấn đề, như bất cập trong giáo dục đào tạo; thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở một số địa phương,... Hoan nghênh nhiều địa phương đã thu hồi đất quy hoạch "treo", cử tri đề nghị cần xử lý nghiêm cán bộ gây nên tình trạng nêu trên; đồng thời giải quyết tốt chính sách bồi thường thu hồi đất cho người dân. Ðề nghị Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, nhất là giám sát việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng.

Nhiều cử tri quan tâm về kết quả việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm của đại biểu đối với các chức danh do Quốc hội bầu, hoặc phê chuẩn, song băn khoăn là việc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng chưa được như mong muốn. Vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái, biến chất. Nếu lãnh đạo không chặt chẽ, chuẩn bị không chu đáo thì kết quả sẽ không tốt, không đánh giá đúng năng lực và cống hiến của cán bộ, làm mất uy tín của chính quyền nhà nước, mất lòng tin với nhân dân.

Việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là rất cần thiết và cần làm, nhưng làm thí điểm trước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và kết quả chỉ để tham khảo. Quốc hội cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, nếu làm không thận trọng dễ bị oan cho cán bộ.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh các cử tri đã có nhiều ý kiến tâm huyết, đề cập nhiều nội dung lớn, quan trọng, vừa có tính cấp bách, thời sự, vừa có tính chiến lược. Tổng Bí thư cho rằng, các kỳ họp Quốc hội gần đây đã có nhiều cải tiến, trước khi chất vấn đều có báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri, nêu rõ vấn đề gì đã giải quyết, đang giải quyết. Ðối với các ý kiến của cử tri, các đại biểu Quốc hội tiếp thu phản ánh với Quốc hội; đồng thời có thêm thông tin để phát biểu trong các kỳ họp. Tổng Bí thư cho biết, kỳ họp của Quốc hội lần này có nhiều nội dung, chương trình; dự kiến thông qua 11 luật, cho ý kiến vào tám dự thảo đề án luật,...

Về việc đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Tổng Bí thư cho rằng, trong lịch sử lập pháp, chưa bao giờ, chúng ta tổ chức lấy ý kiến góp ý của nhân dân bài bản, hiệu quả như lần này với 26 triệu lượt ý kiến. Ðây là dịp để nhân dân thể hiện lòng yêu nước và hiểu sâu hơn về nội dung của Hiến pháp. Vấn đề còn lại là tiếp thu, chọn lọc như thế nào, cái gì tiếp thu, nội dung nào giải trình. Những nội dung phản động, chống đối chế độ, chúng ta kiên quyết phản bác. Kỳ họp thứ 5 mới bàn, thảo luận một bước, để kỳ họp sau Quốc hội mới chính thức thông qua. Ðây là công việc hệ trọng phải làm hết sức thận trọng.

Về việc thí điểm không tổ chức HÐND cấp quận, huyện, phường, Tổng Bí thư nêu rõ, đây là chủ trương lớn đã được đặt vấn đề từ lâu. Quốc hội thấy cần thiết cho tổng kết và có chủ trương, có nghị quyết làm thí điểm ở một số địa phương. Hiện nay đang tổng kết và còn nhiều ý kiến khác nhau. Song, việc thí điểm như thế không có nghĩa là bỏ quyền giám sát của nhân dân. Cấp nào có chính quyền thì cấp đó có giám sát của nhân dân. Ðồng chí cũng cho biết thêm, hiện nay chúng ta đang thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã và địa phương không tổ chức HÐND; thí điểm chính quyền đô thị.

Về việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Tổng Bí thư cho rằng, các ý kiến của cử tri rất sâu sắc. Ðây là chủ trương mới. Luật đã ghi, nhưng chưa thực hiện được. Việc này không chỉ với Quốc hội, mà các cơ quan đảng, đoàn thể cũng sẽ làm; việc lấy phiếu là thăm dò tín nhiệm; khi bỏ phiếu tín nhiệm là xem có thể cho bãi miễn hoặc cho thôi giữ chức. Ðây là việc phải làm hết sức thận trọng. Quốc hội phải thể hiện cho được các ý kiến chính xác. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Ðối với một số ý kiến của cử tri về Luật Ðất đai, Tổng Bí thư khẳng định, đây là vấn đề đang được dư luận quan tâm. Ðại đa số các ý kiến đều khẳng định đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, giao cho Nhà nước quản lý. Ðồng chí cũng trả lời nhiều ý kiến của cử tri và nêu rõ Quốc hội đã tăng cường chức năng giám sát, như giám sát chuyên đề, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của cử tri,...

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác