Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội

30/06/2013

Chiều 28.6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, đã tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội.

Sau khi nghe đại diện Đoàn ĐBQH TP Hà Nội báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XIII và báo cáo tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri từ lần tiếp xúc trước, cử tri quận Ba Đình đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ Năm và cho rằng hoạt động của QH tại Kỳ họp vừa qua đã thể hiện tính dân chủ cao. Đáng chú ý, QH đã tăng đáng kể số lượng các phiên phát thanh và truyền hình trực tiếp, nhất là các phiên họp bàn về các nội dung quan trọng, được cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Cử tri đặc biệt đánh giá cao việc QH đã công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Đây là hoạt động giám sát quan trọng của QH, lần đầu tiên được tổ chức ở nước ta, tạo tiền lệ tốt để mở rộng, phát huy mạnh hơn nữa không khí dân chủ, công khai, minh bạch ở cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, cử tri đề nghị, QH xem xét, nghiên cứu và chỉ nên đưa ra 2 mức tín nhiệm: tín nhiệm thấp và tín nhiệm cao, đồng thời nên giảm số lượng các chức danh được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm.

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội
Ảnh: Trí Dũng

 

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri quan tâm và đề nghị QH quan tâm, giải trình rõ tại sao trong Kỳ họp vừa qua có tình trạng khác nhau về con số khi đánh giá về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và thực trạng của nền kinh tế đất nước giữa Chính phủ và các ĐBQH; góp ý trực tiếp về cách tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; và vấn đề biển Đông...

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận và trân trọng tiếp thu các ý kiến, kiến nghị tâm huyết, thẳng thắn, chân thành và có chất lượng của cử tri. Tổng bí thư tán thành với nhận định của cử tri rằng Kỳ họp thứ Năm vừa qua QH tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới, trong đó cái mới nổi bật là Kỳ họp thứ Năm đã tiếp tục một không khí dân chủ, công khai, bàn bạc thẳng thắn và tương đối thấu đáo; giải quyết, xử lý khối lượng lớn các vấn đề hệ trọng của đất nước trong khoảng thời gian 1 tháng, từ ngày 20.5 đến 21.6.2013 theo đúng nội dung, chương trình đã được QH thông qua từ đầu Kỳ họp và đúng quy trình, thủ tục, quy định của pháp luật. Đây có lẽ cũng là Kỳ họp mà số lượng các phiên phát thanh và truyền hình trực tiếp nhiều nhất từ trước tới nay. Cho rằng đây là bước tiến xa về dân chủ, Tổng bí thư một lần nữa nhắc lại ý đã từng chia sẻ với cử tri trong những lần tiếp xúc trước là bây giờ gần như toàn dân bàn việc nước.

 

Mặt khác, Tổng bí thư nêu rõ, tất cả những việc làm của QH đều có sự lãnh đạo của Đảng. Những chủ trương về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp bắt đầu từ chủ trương của Đảng nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Lấy phiếu tín nhiệm là một trong những biện pháp hết sức quan trọng và mới của Nghị quyết Trung ương 4 mà QH triển khai thực hiện tại Kỳ họp thứ Năm vừa qua. Hay những việc khác như công khai phát thanh và truyền hình trực tiếp thảo luận về vấn đề ngân sách nhà nước; giám sát tối cao việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản... Tất cả những cải tiến, đổi mới đó thể hiện không khí dân chủ: Dân chủ trong Đảng, dân chủ trong QH và hoạt động của cả hệ thống chính trị ngày càng dân chủ.

 

Liên quan đến các ý kiến, kiến nghị của cử tri về lấy phiếu tín nhiệm, Tổng bí thư một lần nữa nêu rõ, nên phân biệt giữa lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ Năm vừa qua, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói rằng, trên thế giới chưa nước nào tổ chức lấy phiếu tín nhiệm như ta. Đúng vậy, ở các nước là bỏ phiếu tín nhiệm, hay nói chính xác là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Còn nước ta, theo Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng là lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm là thăm dò tín nhiệm, xem người được lấy phiếu tín nhiệm làm việc đã được lòng cử tri, nhân dân và ĐBQH hay chưa? Và không phải chỉ lấy phiếu tín nhiệm ở QH, đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn mà theo Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng thì ở các cơ quan Đảng cũng phải tiến hành lấy phiếu tín nhiệm để người được lấy phiếu tín nhiệm kịp thời chấn chỉnh lại mình nếu số phiếu chưa cao hoặc thấp quá. Mục đích của lấy phiếu tín nhiệm là cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh. Còn nếu 2 năm liền lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu đều không đạt tỷ lệ quá bán thì khi ấy sẽ thực hiện quy trình đưa ra để bỏ phiếu tín nhiệm. Khi đã đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm thì hoặc là bất tín nhiệm hoặc là không bất tín nhiệm. Đây là lý do giải thích vì sao lại đưa ra 3 mức tín nhiệm: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Tổng bí thư nhấn mạnh, đưa ra 3 mức tín nhiệm như vậy không phải là thủ thuật để rồi hòa cả làng, dĩ hòa vi quý, hay có sự tính toán không trong sáng ở đây. Thực ra mục đích của lấy phiếu tín nhiệm là thăm dò tín nhiệm, là một kênh rất quan trọng để góp phần vào việc thông tin, đánh giá cán bộ.

 

Xung quanh ý kiến của cử tri về có hay không sự chủ quan trong vấn đề biển Đông, Tổng bí thư một lần nữa khẳng định, vấn đề biển Đông không phải chỉ là quan hệ giữa một, hai nước mà liên quan đến nhiều nước, đến an ninh trật tự an toàn, tự do hàng hải trên cả vùng biển không chỉ biển Đông mà nhiều vùng biển xa khác. Đây là vấn đề cụ thể nhưng cực kỳ lớn và nhạy cảm; không xử lý tốt thì liên quan đến độc lập chủ quyền quốc gia, liên quan đến hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Cho nên xử lý vấn đề này phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, khôn ngoan. QH nước ta đã thông qua Luật Biển. Trên các diễn đàn quốc tế trong khu vực và trên thế giới cũng như trong chuyến thăm chính thức các nước, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều đã công khai thể hiện rõ quan điểm của ta về vấn đề biển Đông là giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thương lượng trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và chuẩn bị tiến tới COC. Và trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2011 của Tổng bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã được ký kết... Tổng bí thư nêu rõ, tất cả những việc làm của ta trong thời gian qua đều với tinh thần độc lập chủ quyền quốc gia là thiêng liêng - chúng ta không bao giờ xa rời nguyên tắc này - nhưng việc xử lý, giải quyết vấn đề này phải giữ được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; tránh sa vào những âm mưu không trong sáng, không bị kích động bởi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.

Thanh Tâm

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác