Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI: Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh

02/07/2013

Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Nông dân Việt Nam là sự kiện lớn trong đời sống chính trị, xã hội của giai cấp nông dân. Ðại hội diễn ra trong bối cảnh cả nước đang thi đua xây dựng nông thôn mới và triển khai thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư (khóa XI) về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới".

 Ðây là dịp thuận lợi để Ðại hội bàn và tìm giải pháp xây dựng Hội Nông dân, giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng.

Trong nhiệm kỳ Ðại hội V Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) (2008-2013) và sau hơn 5 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức gay gắt do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; thiên tai, dịch bệnh,... xảy ra ở nhiều nơi cùng với những yếu kém vốn có của nền kinh tế. Nhưng, với ý chí tự lực, tự cường, sự thông minh, sáng tạo, nông dân cả nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xuất khẩu nông sản... Nông nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng bình quân 3,4%/năm. Nông sản xuất khẩu và sản phẩm chế biến từ nông sản  tăng từ 12 lên 16 mặt hàng và đã có ở 160 quốc gia, khu vực trên thế giới với giá trị xuất siêu năm sau cao hơn năm trước: năm 2006 là 3,2 tỷ USD, năm 2011 là 9,2 tỷ USD, năm 2012 là 10,3 tỷ USD.

Những thành tựu của nông nghiệp đã góp phần quan trọng bảo đảm ổn định chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước trong những thời điểm nước ta chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Ðồng thời khẳng định sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tinh thần nỗ lực vượt khó, sáng tạo của giai cấp nông dân Việt Nam.

Là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của giai cấp nông dân, Hội NDVN đã có bước phát triển mới trong tập hợp, vận động và tổ chức nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước và các mục tiêu, nhiệm vụ Ðại hội V đề ra. Hội thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương thức hoạt động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước của nông dân với các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội đã kết nạp hơn hai triệu hội viên mới, nâng tổng số hội viên cả nước lên 10,5 triệu, 100% số thôn, ấp, bản, làng có chi hội nông dân; chất lượng hoạt động của các chi, tổ hội được nâng lên. Các phong trào thi đua của nông dân tiếp tục phát triển hướng vào thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu đã thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia. Hằng năm, có hơn tám triệu hộ đăng ký phấn đấu, trong đó có hơn bốn triệu hộ đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, thu nhập hằng năm từ vài trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng.

Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới đã được các cấp Hội triển khai sáng tạo, hiệu quả, phù hợp từng địa phương, trên cơ sở cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia để tuyên truyền, vận động nông dân tích cực hưởng ứng tham gia; thực hiện dồn điền, đổi thửa, hiến đất, đóng góp ngày công lao động, tiền, vật tư... để xây dựng hạ tầng nông thôn. Hội Nông dân các cấp tổ chức nhiều hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh như: tạo nguồn vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, cung cấp thông tin thị trường, cung ứng vật tư nông nghiệp; đào tạo nghề ngắn hạn, tại chỗ cho nông dân; vận động, hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, nông dân tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Tuy nhiên, phong trào nông dân, hoạt động của Hội Nông dân ở một số địa phương phát triển chưa đồng đều, chậm được đổi mới, số ít cơ sở Hội hoạt động còn hình thức, hành chính hóa; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ Hội, chất lượng hội viên chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế.

Trong những năm tới, nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn gay gắt do ảnh hưởng của một nền sản xuất nhỏ, phân tán, sức cạnh tranh kém, chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm thấp. Trình độ  tay nghề, chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn đang ở giai đoạn đầu của chương trình đào tạo nghề và những thách thức khác mà người nông dân khó giải quyết như: vốn, khoa học công nghệ mới, thương hiệu hàng hóa và thị trường tiêu thụ.

Xây dựng giai cấp nông dân trở thành lực lượng sản xuất mạnh; lực lượng chính trị kiên trung, lực lượng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở nông thôn. Ðể người nông dân thật sự trở thành chủ thể của quá trình CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình CNH, HÐH đất nước. Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Yêu cầu thực tiễn đang đặt ra: Xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững về tư tưởng, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động, có đủ năng lực tập hợp, đoàn kết, phát huy dân chủ, sức sáng tạo của các tầng lớp nông dân; có đủ trí tuệ và bản lĩnh tham gia xây dựng thể chế, chính sách, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân trong kinh tế thị trường và hội nhập; thực hiện có hiệu quả  chương trình xây dựng nông thôn mới, tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc ở nông thôn. Ðể đạt được những mục tiêu trên, trong những năm tới các cấp Hội NDVN tập trung xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh, đoàn kết, chủ động và tự tin trong quá trình CNH, HÐH đất nước và hội nhập kinh tế toàn cầu. Trong đó, đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động gắn với xây dựng mẫu hình người nông dân mới: có ý chí và năng lực làm giàu; lao động có kỹ thuật, kỷ luật cao, sống có niềm tin và biết dấn thân vì quê hương, dân giàu, nước mạnh; đoàn kết và giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... Ðặt người nông dân vào vị trí trung tâm phát triển, Hội phải nỗ lực đào tạo, bồi dưỡng người nông dân có nhận thức, kiến thức, ý thức.

Tập trung nguồn lực hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh, tăng nhanh thu nhập cho người nông dân bằng mở rộng và nâng cao chất lượng dạy nghề, tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân; vận động, tổ chức nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Trọng tâm là tạo nguồn vốn, đào tạo nghề ngắn hạn cho nông dân, tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, cung cấp thông tin thị trường, cung ứng vật tư nông nghiệp, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Chủ động và tham gia có hiệu quả vào chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ chế, chính sách, phản biện xã hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn. Tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ðổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ sở, chi, tổ hội, phù hợp nhu cầu và mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên; tìm ra những vấn đề nông dân đang cần để hỗ trợ, giúp đỡ, đáp ứng nhu cầu về sản xuất và đời sống của nông dân. Ðào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội có bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có khả năng tập hợp, đoàn kết, chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, nông dân. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư" do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm một phần năm đóng góp GDP, một phần ba giá trị kim ngạch xuất khẩu nhưng vẫn là nguồn việc làm cho gần 50% số lao động xã hội. Nông thôn là nơi sống của gần 70% số dân cả nước. Sức phát triển kinh tế của đất nước chi phối bởi năng suất lao động và sức mua của số đông nông dân. Ổn định xã hội chịu ảnh hưởng của tinh thần và sự đóng góp của phần lớn cư dân sống ở nông thôn. Sự ổn định phát triển của đất nước sẽ không duy trì nổi nếu nông nghiệp không mạnh, nông dân không giàu. Do vậy, Ðại hội VI - Hội NDVN đứng trước một bước ngoặt quan trọng phải tự đổi mới, chủ động, sáng tạo và dấn thân để xây dựng giai cấp nông dân, Hội Nông dân vững mạnh.

 

 

NGUYỄN QUỐC CƯỜNG-Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác