Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình, Hà Nội

28/09/2013

Chiều 27.9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn ĐBQH TP Hà Nội (đơn vị bầu cử số 1) đã tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình trước Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIII

Tại cuộc tiếp xúc, đại diện Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã báo cáo với cử tri dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ Sáu và kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri từ lần tiếp xúc trước đến nay.

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri quận Ba Đình, Hà Nội
- Ảnh: Trí Dũng

 

 

 

Dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 21.10 và bế mạc ngày 6.12, Kỳ họp thứ Sáu lần này có thời gian làm việc dài nhất so với các kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIII đến nay. Theo đó, QH sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng của đất nước. Chỉ tính riêng công tác xây dựng pháp luật, QH sẽ xem xét, thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 9 dự án luật, đồng thời cho ý kiến vào 11 dự án luật khác. Và trong số 9 dự án luật trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp lần này có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) – một trong những nội dung đang được cử tri và nhân dân dành nhiều sự quan tâm.

 

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri phản ánh những tâm tư, nguyện vọng về việc QH cần quan tâm, đầu tư nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập pháp; kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn và kiến nghị cụ thể về những vấn đề cần điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tế, phát huy hiệu quả của hoạt động này; hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, đền bù, giải phóng mặt bằng; sự chênh lệch về giá cả trong nước và quốc tế của một số mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày của người dân...

 

Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri về việc cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của QH, nhất là những ý kiến đề nghị công tác xây dựng luật của QH cần phản ánh đúng thực tiễn, chặt chẽ, dễ hiểu, tránh tình trạng cùng một điều luật nhưng có cách hiểu khác nhau khi thi hành. Tổng bí thư khẳng định, đây là mục tiêu QH đã và đang hướng đến nhằm bảo đảm yêu cầu về chất lượng của hoạt động quan trọng này.

 

Xung quanh ý kiến của cử tri về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, Tổng bí thư nêu rõ, vừa qua tại Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XIII đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Đánh giá của dư luận cử tri cho thấy, đây là một bước tiến và bước đầu đã phát huy tác dụng tốt, đó là răn đe, cảnh báo, ngăn chặn với mục đích giáo dục, rèn luyện là chính, chứ không phải lấy phiếu cốt để thay người này, bỏ người kia... Tổng bí thư cũng chỉ rõ, sau đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, dư luận cũng còn những ý kiến khác nhau về thời gian, cách thức, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi lấy phiếu tín nhiệm là vấn đề mới, khó và chưa có tiền lệ ở nước ta. Hơn thế, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm của nước ta cũng khác với các nước trên thế giới (ở các nước chủ yếu là bỏ phiếu bất tín nhiệm). Tổng bí thư chân thành tiếp thu, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri xung quanh hoạt động này và nêu rõ, thời gian tới có thể cần tổng kết, rút kinh nghiệm để thực sự phát huy được tác dụng tốt, tích cực của việc lấy phiếu tín nhiệm. Thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm chính là thực hiện một trong những nội dung quan trọng nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, vừa nhằm mục đích răn đe, ngăn ngừa, cảnh báo, đồng thời cũng là để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

 

Về tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Tổng bí thư chia sẻ với sự sốt ruột, bức xúc của cử tri và nêu rõ đây không phải là vấn đề mới. Từ vài chục năm trước, Đảng và Nhà nước ta đã gọi tham nhũng là quốc nạn, là giặc nội xâm. Thực tế cho thấy, khi đã có quyền, nếu không kiểm soát thì dễ sinh ra hư hỏng. Tán thành với ý kiến cử tri cho rằng, trong công tác này thì điều quan trọng là cán bộ, công chức phải trong sạch, Tổng bí thư khẳng định, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng và các nghị quyết khác của Trung ương đang triển khai thực hiện cũng chính là với mong muốn chống cho được vấn đề lợi ích nhóm, cục bộ, hư hỏng, suy thoái trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả trong cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức. Và đặc biệt là chống cho được căn bệnh khá phổ biến và đang gây khó chịu hiện nay: dường như bây giờ cái gì, chỗ nào cũng phải cần đến tiền mà nếu không có tiền thì công việc không trôi. Đảng và Nhà nước ta đã, đang quyết tâm phòng và chống cho được tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thông qua nhiều biện pháp như xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định, quy chế, quy định làm việc với phương châm quản lý từ gốc và khi phát hiện thì phải xử nghiêm. Cũng có ý kiến cho rằng, vừa qua đối với các vụ việc tham nhũng hình như chủ yếu là xử án treo. Cho rằng cách nhìn nhận này chưa thực sự công bằng, Tổng bí thư chỉ rõ, nếu nhìn nhận vừa qua tất cả các vụ việc về tham nhũng đều xử án treo hay xử nhẹ là không phải. Nói một cách công bằng thì có những vụ xử án treo chứ không phải là tất cả. Bằng chứng là hiện nay, các cơ quan chức năng đang tập trung xử lý một số vụ án nghiêm trọng lớn. Trong quá trình điều tra những vụ án như vậy là vô cùng gian khổ, nhất là khâu giám định. Thậm chí có ý kiến thẳng thắn, nếu không cẩn thận thì trong các cơ quan chống tham nhũng cũng tham nhũng. Với ý kiến này, có thể hiểu, trong một số khâu, ví dụ như khâu giám định vụ việc, nếu không cẩn thận thì cũng dễ bị méo mó, kéo dài thời gian, bị làm giá, hoặc nếu có gì bôi trơn thì có khi lại cãi được giảm nhẹ tội so với mức vi phạm ban đầu đưa ra. Tổng bí thư cho rằng, sắp tới cần phải sửa những khâu như vậy. Thực tế vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đang hoạt động theo hướng này, tập trung tháo gỡ những khâu đang còn vướng mắc, có cơ chế giao thẩm quyền cho các cơ quan chức năng... Những hoạt động cụ thể như vậy để thấy rằng, không phải chúng ta nương nhẹ với công tác phòng, chống tham nhũng mà đây là cuộc đấu tranh gian nan thật, khó khăn, phức tạp thật, đòi hỏi phải kiên trì và phải có lòng tin, có quyết tâm cao.

 

 

 

Thanh Tâm

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác