Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri Hải Phòng; dự lễ công bố Quyết định Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam

18/10/2013

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, chiều 16-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Ðoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng tiếp xúc cử tri huyện Vĩnh Bảo.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đánh giá cao chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là các nhóm giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và các chính sách ngoại giao nhằm tăng cường vị thế của nước ta trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, cử tri cũng đề nghị Ðảng, Chính phủ cần có các giải pháp tích cực hơn trong ưu tiên thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận vốn hỗ trợ, tiêu thụ hàng hóa tồn kho; tập trung đầu tư các công trình trọng điểm, nhất là các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; quan tâm giải quyết chế độ, chính sách cho người nhiễm chất độc da cam và xử lý tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi; hỗ trợ nguồn vốn trong bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa; tạo việc làm cho lao động nông thôn...

Thay mặt Chính phủ và các thành viên trong Ðoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cảm ơn và trân trọng tiếp thu những ý kiến tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu cử tri. Thủ tướng  thông báo tóm tắt những khó khăn, thách thức mà đất nước ta phải đối mặt trong thời gian qua, những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội...

Cùng với việc đánh giá những ưu điểm trong công tác của Chính phủ, Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục và mong sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân cả nước để vượt qua những khó khăn thách thức, đưa đất nước phát triển. Trong đó, Chính phủ quyết tâm thực hiện chín nhóm giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Thủ tướng khẳng định, quan điểm của Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và là trọng tâm trong tái cơ cấu nền kinh tế đất nước. Chương trình xây dựng nông thôn mới chính là thực hiện chủ trương CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn đồng thời là trách nhiệm và sự nghiệp của toàn Ðảng, toàn dân. Chính phủ sẽ cân đối nguồn vốn ngân sách để từng bước tăng dần mức đầu tư, hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới và các chương trình liên quan đến đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.

Thủ tướng đã trực tiếp trả lời, làm rõ nhiều băn khoăn, kiến nghị của cử tri. Ðồng thời ghi nhận các ý kiến cụ thể chuyển các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, giải quyết.

* Sáng cùng ngày, tại Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam và kỷ niệm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam. Thủ tướng  Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Tư pháp; Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Lê Thị Thu Ba, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư; đại diện bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương, cùng đại sứ nhiều nước, đại diện nhiều tổ chức quốc tế và đông đảo các luật sư dự.

Mở đầu buổi lễ, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã công bố Quyết định số 149/QÐ/TTg ngày 14-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 10-10 hằng năm là Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam.

Tiếp đó, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh đọc diễn văn nêu rõ, cách đây 68 năm (ngày 10-10-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 46/SL về tổ chức đoàn thể luật sư, khai sinh nghề luật sư ở Việt Nam. Ðây không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với luật sư Việt Nam mà còn đặt nền móng cho nền tư pháp xã hội chủ nghĩa do dân, vì dân. Từ đó đến nay, giới luật sư đã vượt qua nhiều thử thách để thực hiện sứ mệnh bảo vệ công lý, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vui mừng được biết, trong 68 năm qua, tổ chức và hoạt động luật sư ngày càng phát triển. Hiện nay, cả nước có hơn 8.000 luật sư thuộc 63 đoàn luật sư. Giới luật sư đã và đang tham gia tích cực, có hiệu quả vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của Nhà nước và các tổ chức kinh tế, xã hội, góp phần bảo vệ công lý, xây dựng một nền tư pháp dân chủ và pháp quyền, phục vụ nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, cả nước đang đẩy mạnh công cuộc CNH, HÐH và hội nhập quốc tế, cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, đó là điều kiện khá thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi giới luật sư phát huy truyền thống, bản lĩnh nghề nghiệp để đóng góp ngày càng nhiều vào sự nghiệp chung và khẳng định vị trí, vai trò của mình trong phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng đề nghị, ngoài việc trau dồi kỹ năng, đội ngũ luật sư cần thường xuyên rèn luyện và nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Hơn ai hết, đội ngũ luật sư cần đi đầu trong việc tuân thủ luật pháp, tuân theo quy tắc đạo đức và nghề nghiệp, ứng xử, độc lập, trung thực, đề cao tinh thần phụng sự công lý trong hoạt động nghề nghiệp theo chuẩn mực, quy định của luật pháp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng rằng, với truyền thống tốt đẹp của mình, với tinh thần phụng sự công lý, thượng tôn pháp luật, đội ngũ luật sư sẽ phát triển lớn mạnh và có nhiều đóng góp vào công cuộc đổi mới, xây dựng nhà nước pháp quyền, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Tại buổi lễ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phát động phong trào "Góp đá xây dựng và bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa" và tổ chức giao lưu giữa các luật sư nhằm trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan hoạt động hành nghề luật sư, Tổ chức quản lý luật sư theo chế độ tự quản.

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác