TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG CHỦ TRÌ HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI VỚI CÁN BỘ, ĐOÀN VIÊN CÔNG ĐOÀN
Toàn cảnh Hội nghị
Trước đó, để chuẩn bị cho Hội nghị đối thoại giữa Thường trực Đảng ủy, Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội với đoàn viên công đoàn cơ quan, Ban Thường vụ Công đoàn cơ quan đã đề nghị Ban Chấp hành các Công đoàn cơ sở, Công đoàn bộ phận trực thuộc tập hợp ý kiến, kiến nghị, đề xuất của đoàn viên công đoàn với Thường trực Đảng ủy, Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và Công đoàn cơ quan.
Các ý kiến, kiến nghị của đoàn viên công đoàn đã được tổng hợp đầy đủ và phân loại, báo cáo lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và gửi đến các đơn vị trả lời, nghiên cứu giải quyết theo đúng chức năng nhiệm vụ.
Tại Hội nghị, trình bày Báo cáo tổng hợp, trả lời các kiến nghị của công chức, viên chức người lao động và công đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội Bùi Lê Minh cho biết, các nhóm ý kiến, kiến nghị đề xuất tập trung vào các vấn đề về công tác tổ chức cán bộ, thi đua, khen thưởng; về quản lý, sử dụng kinh phí, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, mua sắm tài sản; về chế độ chính sách, nhà ở; về hoạt động công đoàn.
Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội Bùi Lê Minh trình bày báo cáo
Liên quan đến tổ chức, cán bộ, một số công đoàn bộ phận đã gửi kiến nghị về việc đơn vị mình không có vị trí việc làm chuyên viên cao cấp. Trong đó, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử là đơn vị cấp Vụ có chức năng nghiên cứu, tham mưu tổ chức phục vụ Ban Công tác đại biểu trong việc giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu dân cử. Trong thời gian qua, Trung tâm đã và đang được giao tham mưu rất nhiều đề án quan trọng của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều việc khó có tính chuyên môn cao. Hiện nay, Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử không có vị trí việc làm chuyên viên cao cấp. Đây là đơn vị duy nhất trong các đơn vị phục vụ Hội đồng dân tộc, các Ủy ban, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có vị trí việc làm chuyên viên cao cấp. Chính vì vậy, cán bộ, công chức Trung tâm đang rất băn khoăn, tâm tư về vị trí việc làm của mình. Một số đồng chí đang là chuyên viên cao cấp không biết bố trí theo chế độ lương mới như thế nào. Bên cạnh đó, Vụ Hành chính, Vụ Tin học hay Vụ Tổng hợp cũng không có vị trí việc làm chuyên viên cao cấp.
Vì vậy, các đơn vị đề nghị lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đề xuất các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, bố trí việc làm chuyên viên cao cấp để thu hút người giỏi về làm việc, cũng như giữ chân được những công chức đã có trình độ kinh nghiệm phục vụ hoạt động Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Văn phòng Quốc hội tham dự Hội nghị Đối thoại thường niên
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Bùi Lê Minh nêu rõ, năm 2023 Văn phòng Quốc hội đã trực tiếp gửi văn bản đến Ban Tổ chức Trung ương đề xuất vị trí việc làm chuyên viên cao cấp tại Vụ Hành chính, Vụ Tin học, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, Vụ Tổng hợp. Đồng thời, Vụ Tổ chức cán bộ cũng đã làm việc với vụ chuyên môn trực tiếp tham mưu về vị trí việc làm của Ban Tổ chức Trung ương để thuyết minh về sự phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của vị trí việc làm chuyên viên cao cấp tại các đơn vị trên. Vụ chuyên môn thuộc Ban Tổ chức Trung ương đã có ý kiến. Ban Tổ chức Trung ương sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết để đánh giá công tác xây dựng vị trí việc làm tạm thời và sẽ giải quyết các kiến nghị của các cơ quan trong tổng thể chung, không giải quyết riêng từng cơ quan.
Tháng 12/2023 tại Hội nghị về vị trí việc làm do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, Văn phòng Quốc hội cũng có kiến nghị bổ sung vị trí việc làm chuyên viên cao cấp tại 4 đơn vị là Vụ Tổng hợp Vụ Hành chính, Vụ Tin học, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử. Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục theo dõi vấn đề này để có ý kiến kịp thời.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Trịnh Giáng Hương và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn đồng chủ trì Hội nghị
Công đoàn các Vụ Quốc phòng An ninh, Vụ Đối ngoại, Vụ Thư ký…cũng đề nghị Đảng ủy cơ quan, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý từ nguồn tại chỗ để tạo động lực phấn đấu cho cán bộ, công chức đã công tác lâu năm trong Văn phòng Quốc hội để phát huy, tận dụng tối đa kinh nghiệm, hiểu biết về quy trình hoạt động và các công việc nội bộ của các cơ quan Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội Bùi Lê Minh khẳng định công tác nhân sự luôn là yếu tố trọng tâm, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức. Xác định đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tạo nguồn quy hoạch là vấn đề thường xuyên, liên tục, lâu dài nên Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội luôn quan tâm và chỉ đạo kịp thời công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công tác kiện toàn cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị, nhất là nguồn tại chỗ bảo đảm đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Khi nhận được văn bản đề nghị của các vụ, đơn vị, Ban Thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đều sớm xem xét và chỉ đạo thực hiện, đảm bảo đúng quy định.
Trong năm 2023, Văn phòng Quốc hội đã bổ nhiệm 42 đồng chí lãnh đạo cấp Vụ, cấp phòng và thư ký các đồng chí lãnh đạo. Trong đó có 39/42 đồng chí là nguồn tại chỗ; 18/42 đồng chí là nữ lãnh đạo. Việc rà soát, bổ sung xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội giai đoạn 2021-2026 và giai đoạn 2026-2031. Cơ quan cũng đã cử 942 công chức, viên chức, người lao động tham gia các lớp bồi dưỡng về quản lý chuyên ngành về quản lý nhà nước, lý luận chính trị, quốc phòng, an ninh, bồi dưỡng kỹ năng chuyên ngành ngoại ngữ, tin học, các lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đào tạo sau đại học và đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, công tác bảo vệ bí mật nhà nước…
Công đoàn Đối ngoại, Quốc phòng và An ninh, Văn hóa - Giáo dục, Vụ Tin học đề nghị lãnh đạo Văn phòng Quốc hội thông tin về việc áp dụng chính sách tiền lương mới tại cơ quan Văn phòng Quốc hội. Sớm chỉ đạo đơn vị chức năng tham mưu, xây dựng lấy ý kiến cán bộ, công chức, đoàn viên công đoàn cơ quan đối với phương án tiền lương mới để bảo đảm khi thực hiện lương mới thì mức thu nhập của cán bộ, công chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội không bị giảm so với tổng thu nhập hiện tại.
Trả lời về lương và các khoản thu nhập theo lương của đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức, người lao động thuộc Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội Bùi Lê Minh cho biết, ngày 14/12/2023 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến về nội dung này. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước để cùng tháo gỡ. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã làm việc với Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước về nội dung trên và đang xây dựng Báo cáo trình cấp có thẩm quyền xem xét cho ý kiến về thang, bảng lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang xây dựng Dự thảo Bảng lương mới theo vị trí việc làm, lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, theo Bảng phân công nhiệm vụ thì Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương dự kiến sẽ giao Ban Công tác đại biểu chủ trì và phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng bảng lương của cơ quan của cơ quan, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội vẫn luôn theo dõi sát sao để kịp thời có ý kiến, kiến nghị với cấp có thẩm quyền nhằm bảo đảm chế độ chính sách của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội Bùi Lê Minh nhấn mạnh.
Về quản lý sử dụng kinh phí đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và mua sắm tài sản, đề nghị lãnh đạo Văn phòng Quốc hội chỉ đạo đơn vị chức năng trình và dự kiến việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13 về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội, theo hướng các mục chi cần nâng lên để phù hợp với thực tế; đồng thời một số mục chi cần bám sát thực tế các hoạt động của các đơn vị phục vụ Hội đồng dân tộc và các Ủy ban; cần xin ý kiến và tiếp thu tối đa các ý kiến của đơn vị phục vụ Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban là những đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này.
Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn cơ quan cho biết lãnh đạo Văn phòng Quốc hội hhi nhận ý kiến này và xem xét đề xuất và giai đoạn 2 khi thực hiện sửa toàn diện Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13 và khi thực hiện chế độ lương mới, bãi bỏ các chế độ chi bồi dưỡng ngoài lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và thực hiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành 2 Nghị quyết tách bạch chế độ đối với đại biểu Quốc hội và chế độ đối với cán bộ, công chức, người lao động. Phương hướng sửa là phải phù hợp với hoạt động đặc thù của Quốc hội, đảm bảo tương quan về chế độ chính sách trong hệ thống chính trị và thực hiện lương mới theo quy định chung.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn cơ quan cũng đã trả lời, cung cấp thông tin và làm rõ một số vấn đề về chế độ đãi ngộ, làm thêm giờ; các định mức thanh toán, giải quyết vấn đề nhà ở; việc khai thác, sử dụng trụ sở cơ quan Văn phòng Quốc hội.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Văn phòng Quốc hội tham dự Hội nghị Đối thoại thường niên
Đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Văn phòng Quốc hội tham dự Hội nghị Đối thoại thường niên
Đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Văn phòng Quốc hội tham dự Hội nghị Đối thoại thường niên.