Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự hội thảo còn có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Chính sách - Công đoàn Viên chức Việt Nam Trần Thị Kim Anh; đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Công đoàn Văn phòng Quốc hội; Công đoàn Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Công đoàn Kiểm toán Nhà nước; Công đoàn Văn phòng Chính phủ và các cán bộ chuyên trách của 7 công đoàn.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết đây là dự án Luật có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng và tầm ảnh hưởng rộng rãi đối với người lao động, người sử dụng lao động. Việc sửa đổi, bổ sung dự án luật kịp thời thể chế các quan điểm, chủ trương của Đảng. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật công đoàn hiện hành, ngoài ra, còn đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp 2013, Bộ luật Lao động 2019.
Về một số nội dung của dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung tại 15 điều; sửa kỹ thuật tại 5 điều trong tổng số 33 điều của Luật Công đoàn. Cụ thể:
Đối với địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam, Khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật đã cơ bản bám sát và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013. Dự thảo Luật đã bổ sung và xác định rõ về tên gọi là “Công đoàn Việt Nam”; bỏ các cụm từ: “là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam” và “cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội”; cụ thể hóa nội hàm khái niệm “người lao động” là “công nhân, lao động, cán bộ, công chức, viên chức”; bổ sung nội dung “về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; sắp xếp lại các cụm từ “tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát... để đảm bảo tương thích với Hiến pháp năm 2013 và thể hiện rõ hơn địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu
Đối với việc hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn và cơ chế quản lý cán bộ công đoàn, hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang trình cơ quan có thẩm quyền Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, nhiều nội dung trong Đề án có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. Do đó, cần phải có ý kiến chính thức của cấp có thẩm quyền để Quốc hội xem xét, thảo luận và quyết định vấn đề này.
Đối với việc hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong hoàn cảnh mới, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định các trường hợp được xem xét miễn, giảm việc đóng kinh phí công đoàn vì đảm bảo tính linh hoạt trong xử lý các tình huống phát sinh trong thực tiễn (ví dụ như đại dịch Covid - 19 hiện nay hoặc trong các trường hợp bất khả kháng do thiên tai, hỏa hoạn). Tuy nhiên, về cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể các trường hợp được miễn, giảm kinh phí công đoàn đang có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất, giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Loại ý kiến thứ hai, giao Chính phủ quy định để bảo đảm linh hoạt, kịp thời và thống nhất với các nội dung liên quan về kinh phí công đoàn của dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết. Đối với quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2 % quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động ( khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn 2012 ), mặc dù Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không đề nghị sửa đổi nội dung này, nhưng các sửa đổi, bổ sung tại các điều khác lại có ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề này. Đồng thời, đây là vấn đề được dư luận, người sử dụng lao động hết sức quan tâm, qua thảo luận có 02 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất, thống nhất với quan điểm và Tờ trình của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tiếp tục duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2 % và bổ sung quy định các trường hợp được xem xét miễn, giảm việc đóng kinh phí công đoàn. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị điều chỉnh mức thu nộp kinh phí công đoàn một cách phù hợp mà vẫn bảo đảm điều kiện hoạt động cho tổ chức công đoàn nhưng không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp người lao động, có thể là quy định mức tối đa không quá 2 % hoặc thấp hơn quy định hiện hành.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam; chính sách của Nhà nước; thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam; quyền tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; đảm bảo tổ chức, cán bộ; giải quyết tranh chấp về quyền công đoàn và những nội dung mà các đại biểu quan tâm.
Các đại biểu cho rằng Luật Công đoàn cần phải được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp, hệ thống pháp luật, đảm bảo sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Một số đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, việc sửa đổi Luật Công đoàn phải đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương và các kế hoạch có liên quan. Bên cạnh đó, cần bảo đảm sự đồng bộ về nội dung và thời gian có hiệu lực của Bộ luật Lao động năm 2019; đặc biệt phải đáp ứng trước đòi hỏi ngày càng cao về bảo đảm quyền của người lao động, thị trường lao động và thực sự góp phần thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động tiên bộ, hài hòa và ổn định. Mặt khác, phải tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các quy định đồng bộ, thống nhất với nội dung Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo
Liên quan đến các nội dung về địa vị pháp lý của tổ chức Công đoàn Việt Nam, một số đại biểu cho rằng, Luật Công đoàn hiện hành cần phải được sửa đổi, bổ sung theo hướng làm rõ khái niệm “ Công đoàn Việt Nam ” để đảm bảo tương thích với Hiến pháp 2013 và thể hiện rõ hơn địa vị pháp lý của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Với quy định hiện hành thì việc chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động sẽ có các chủ thể tham gia thực hiện, đó là: Các cơ quan Nhà nước, Tổ chức Công đoàn, Tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội. Tuy nhiên, việc xác định mức độ, trách nhiệm của các chủ thể trên trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động chưa được thể hiện rõ ràng. Do vậy đề nghị sửa đổi, bổ sung để khẳng định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo lợi ích chính đáng của người lao động so với các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế, xã hội khác.
Về cơ chế bảo vệ công đoàn, một số đại biểu chỉ rõ, quy phạm phân loại những hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến hoạt động của tổ chức đại diện của người lao động đã được quy định tại điều 175 của dự thảo Bộ luật Lao động, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi Luật Công đoàn nên tham khảo để quy định trong dự thảo Luật Công đoàn Việt Nam cho tương thích với Bộ luật Lao động.
Đối với quy định về tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý cán bộ công đoàn, có đại biểu chỉ ra rằng, công tác tổ chức cán bộ, sự phân cấp quản lý cán bộ công đoàn hiện nay vẫn còn tồn tại một số bất cập, chưa đảm bảo tính chủ động, độc lập cho tổ chức Công đoàn trong việc sắp xếp, bố trí, đào tạo, quy hoạch và sử dụng cán bộ công đoàn. Do đó, khi sửa đổi, bổ sung, đề nghị cần nghiên cứu việc xây dựng vị trí việc làm, xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ công đoàn một cách khoa học, sát thực tế, làm cơ sở để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ chuyên trách và huy động đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên.
Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh kết luận một số nội dung
Kết luận một số nội dung thảo luận, Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Quốc hội, Khối trưởng Khối thi đua II Phạm Thúy Chinh trân trọng cảm ơn những ý kiến tham gia phát biểu tâm huyết, xác đáng, xuất phát từ thực tiễn của các đại biểu; các ý kiến đã tập trung vào những vấn đề trọng tâm của dự án Luật với mong muốn cần có sự đổi mới các quy định của Luật Công đoàn nhằm phát huy, nâng cao hiệu quả của tổ chức công đoàn trong thời kỳ đổi mới.
Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh nêu rõ, trên cơ sở tiếp thu những ý kiến này, Ban soạn thảo sẽ có những thông tin quý báu để hoàn thiện việc sửa đổi bổ sung Luật trong thời gian tới; đảm bảo đáp ứng được yêu cầu khi trình ra Quốc hội và đảm bảo tính khả thi khi đi vào cuộc sống./.