CHI BỘ DÂN NGUYỆN TỔ CHỨC SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ

19/10/2023

Chiều 19/10, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Chi bộ Dân nguyện thuộc Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người gắn với đổi mới công tác dân nguyện của Quốc hội trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

BAN DÂN NGUYỆN TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH TIẾP CÔNG DÂN PHỤC VỤ KỲ HỌP THỨ SÁU, QUỐC HỘI KHÓA XV

BAN DÂN NGUYỆN TIẾP CÔNG DÂN ĐỊNH KỲ THÁNG 9/2023

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình chủ trì cuộc sinh hoạt chuyên đề. Tham dự cuộc cuộc sinh hoạt chuyên đề có Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, Lưu Bình Nhưỡng và các cán bộ, đảng viên.

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, Chi bộ Dân nguyện đã được nghe PGS.TS Tường Duy Kiên - Viện trưởng Viện Quyền con người trình bày về bảo đảm, bảo vệ quyền con người gắn với đổi mới công tác dân nguyện của Quốc hội trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Toàn cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề.

Mục tiêu của chuyên đề nhằm hỗ trợ các đại biểu có thể hiểu được lý luận về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người trong Nhà nước pháp quyền; Thực tiễn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người trong hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và công tác dân nguyện; Xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường vai trò của Quốc hội và đổi mới công tác dân nguyện góp phần bảo vệ quyền con người trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Yêu cầu về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam hiện nay là mục tiêu đến năm 2045 hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Theo PGS.TS Tường Duy Kiên, để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi phải tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, vì nó quyết định đến thành công của xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền và Hội nhập quốc tế. Quyền con người liên quan tới tất cả mọi hoạt động của Nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp).

PGS.TS Tường Duy Kiên - Viện trưởng Viện Quyền con người trình bày chuyên đề.

Nhà nước Việt Nam tham gia tích cực, chủ động các thể chế và thiết chế quốc tế về quyền con người. Về thể chế, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên Hợp Quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của ILO, trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Về thiết chế, Việt Nam là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc (2014-2016 và 2023-2025) và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (2020-2021). Việt Nam đã cùng với Philippines và Bangladesh trực tiếp soạn thảo Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền về biến đổi khí hậu và quyền con người đã được chính thức thông qua vào tháng 7/2021.

PGS.TS Tường Duy Kiên cho rằng, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường vai trò của Quốc hội và đổi mới công tác dân nguyện góp phần bảo vệ quyền con người trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Vì thế, cần nắm vững quan điểm của Đảng về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền.

Các đại biểu tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề.

Mục tiêu tổng quát là Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là hoàn thiện cơ bản các cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Thực hiện công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết, phản hồi ý kiến, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của Nhân dân.

Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp pháp đề cao vai trò của Quốc hội và công tác dân nguyện trong bảo vệ quyền con người là cần có nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc tính chất và vị trí của Quốc hội trong bộ máy Nhà nước. Điều 69, Hiến pháp năm 2013 có nhấn mạnh, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Vị trí của Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất (quyền lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao). Xác định rõ trách nhiệm của Quốc hội trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, thông qua thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; quyền giám sát tối cao và công tác dân nguyện.

PGS.TS Tường Duy Kiên cũng cho rằng, cần bổ sung nhiệm vụ trên trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đối với hoạt động lập pháp, nghiên cứu và đổi mới cơ chế thẩm tra các dự thảo luật, phải có một quy định bắt buộc trong báo cáo thẩm tra đó là sự phù hợp của các quy định trong dự thảo luật với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, trước khi đạo luật được ấn nút thông qua.

Đối với hoạt động giám sát, yêu cầu đặt ra là giám sát thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người, coi đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên. Đối với hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng phải có đánh giá tác động về quyền con người. Việc đổi mới công tác dân nguyện cũng góp phần bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Theo đó, Ban Dân nguyện phải là cơ quan của Quốc hội, tương xứng với các Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Về thẩm quyền, bổ sung thẩm quyền dân nguyện tưng xứng với thẩm quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Như thế, việc tổ chức tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân không chỉ dừng lại ở nghiên cứu và khi cần thiết tiến hành điều tra, điều trần và cho ý kiến, quan điểm giải quyết.

Về mặt pháp lý, cơ quan dân nguyện phải được quy định bằng luật. Đổi mới công tác dân nguyện phải khắc phục tình trạng đơn, thư chạy vòng trong nội bộ các cơ quan của Quốc hội; Xây dựng quy định về quy trình phối hợp giải quyết các vấn đề thuộc công tác dân nguyện trong nội bộ các cơ quan của Quốc hội và cơ chế phối hợp với các cơ quan Đảng, Mật trận Tổ quốc Việt Nam; Chính phủ, Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân…

Chi bộ Dân nguyện và các khách mời chụp ảnh lưu niệm.

Việc đổi mới công tác dân nguyện cũng cần nghiên cứu cơ chế xử lý các thỉnh cầu, kiến nghị chính sách từ người dân, từ đó đưa ra những đề nghị, sửa đổi chính sách, pháp luật phù hợp; Xây dựng cơ chế đánh giá tác động pháp luật trước và sau khi luật, quyết định của Quốc hội được thông qua; Xây dựng cơ chế thăm dò dư luận về mức độ đồng thuận đối với các quyết định của Quốc hội, kể cả mức độ tín nhiệm của người dân đối với nhân sự do Quốc hội bầu, phê chuẩn;  Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dân nguyện.

Phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề, Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, Bí thư Chi bộ Dân nguyện cho biết, thực hiện ý kiến của Đảng Đoàn Quốc hội, Ban Dân nguyện đang nghiên cứu Đề án Đổi mới công tác dân nguyện. Cùng với việc đổi mới lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thì đổi mới công trác dân nguyện cũng là nhiệm vụ bao trùm, trợ giúp cho các hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả hơn.

Qua phần trình bày của PGS.TS Tường Duy Kiên, Ban Dân nguyện nhận thấy, đây là phần trình bày có tính lý luận rất lớn sẽ góp phần vào nghiên cứu Đề án Đổi mới công tác dân nguyện trong thời gian tới./.

Bích Lan