Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại Hội nghị Ảnh: Đình Nam
Tham dự Hội nghị có các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; thành viên Ban Thư ký của Quốc hội; Đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội và các cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, đây là hội nghị rất quan trọng, lần đầu tiên được tổ chức kể từ khi 63 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội về một mái nhà chung là Văn phòng Quốc hội.
Thông qua Hội nghị này, các Vụ, đơn vị, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương sẽ bàn bạc trao đổi thống nhất công việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, các đại biểu sẽ cùng trao đổi những khó khăn, vướng mắc của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội sau khi chuyển về Văn phòng Quốc hội. Đồng thời, đánh giá những việc đã chuẩn bị trong thời gian qua và những việc tiếp tục triển khai thời gian tới để tổ chức phục vụ tham mưu, phục vụ hiệu quả công tác tham mưu phục vụ kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV.
Báo cáo về công tác tham mưu, phục vụ Kỳ họp thứ nhất và các nhiệm vụ trọng tâm khác của Quốc hội khóa XIV, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Phạm Quốc Hùng cho biết, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra 9 ngày (từ ngày 20 đến 29/7/2016). Quốc hội sẽ tập trung xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước; nghe Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu. Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước và một số vấn đề quan trọng khác.
Đến thời điểm này, phần lớn các nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến nội dung và chương trình làm việc của kỳ họp thứ nhất gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
Văn phòng Quốc hội đã xây dựng kế hoạch tổ chức công tác báo chí tại kỳ họp, trong đó tập trung vào việc tổ chức các cuộc họp báo trước và sau kỳ họp, họp báo của Lãnh đạo Quốc hội ra mắt báo chí trong thời gian diễn ra kỳ họp; tổ chức đánh giá việc phối hợp với Kênh truyền hình Quốc hội trong việc cung cấp hình ảnh truyền hình các phiên họp của Quốc hội tới các Đài truyền hình địa phương thông qua vệ tinh và giao thức FTP trên internet.
Văn phòng Quốc hội cũng đã triển khai công tác phục vụ thông tin cho đại biểu Quốc hội và giao Thư viện Quốc hội làm đầu mối; xây dựng phương án bảo đảm cơ sở vật chất; bố trí ăn nghỉ; chế độ phục vụ kỳ họp…
Về các nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội khóa XIV, Báo cáo cho biết, Văn phòng Quốc hội sẽ tăng cường công tác thông tin cho các đại biểu Quốc hội khóa XIV, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của thông tin, dịch vụ nghiên cứu theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, sử dụng E-pas, E-office trong điều hành, quản lý; tham mưu; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin chú trọng nâng cao chất lượng cổng thông tin điện tử của Quốc hội; kênh truyển hình Quốc hội, các ấn phẩm báo, tin hoạt động của Quốc hội; các phần mềm quản lý của Quốc hội, kết nối hệ thống mạng thông tin đồng bộ giữa 63 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội.
Phát biểu tại Hội nghị, các thành viên Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố đánh giá cao những nội dung được nêu trong báo cáo về công tác tham mưu, phục vụ Kỳ họp thứ nhất và các nhiệm vụ trọng tâm khác của Quốc hội khóa XIV; cho rằng Hội nghị này là Hội nghị quan trọng, có nội dung thiết thực, được tổ chức đúng thời điểm, đáp ứng đúng nhu cầu nguyện vọng của các Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội. Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã nêu lên những khó khăn, thiếu thốn về điều kiện làm việc và nhân lực của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội khi vừa mới được thành lập; những khó khăn khi thực hiện công việc mới…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Thư Ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc ghi nhận những ý đóng góp và những kiến nghị của các Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố. Trên cơ sở các công việc đã được giao theo Kế hoạch 1088/KH-VPQH, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị, tất cả các vụ, đơn vị tập trung rà soát lại kế hoạch công việc của mình để đảm bảo công việc đúng theo tiến độ; các Văn phòng đoàn Đại biểu Quốc hội cần chú ý tham mưu các vấn đề liên quan đến chính sách, chế độ của các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là các đại biểu Quốc hội khóa mới còn bỡ ngỡ để các đại biểu Quốc hội làm quen, tiếp cận nhanh với các điều kiện hoạt động của Quốc hội.