Toàn cảnh
Tham dự tọa đàm có đại diện Thường trực Ủy ban Xã hội, đại diện Ban Thi đua khen thưởng Trung ương; các đơn vị thành viên thuộc khối thi đua các Bộ, ngành tổng hợp.
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau nhiều năm thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng đã đi vào cuộc sống, được các cấp các ngành thực hiện có hiệu quả. Qua thực hiện Luật, công tác phát hiện bồi dưỡng tổng kết và nhân điển hình tiên tiến được quan tâm và có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã bộc lộ bất cập hạn chế cần tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống. Việc xin ý kiến đóng góp về dự thảo Luật đã được triển khai rộng rãi ở các Bộ, ngành địa phương; tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XV các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật này.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, hoạt động tham gia ý kiến của các đơn vị thành viên thuộc khối thi đua các Bộ, ngành tổng hợp vào Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, tạo điều kiện để các đơn vị thành viên trong khối tiếp tục nghiên cứu, tham gia trực tiếp vào dự án Luật.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào nhiều nội dung của Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) như: nguyên tắc thi đua, khen thưởng; các danh hiệu vinh dự nhà nước; tiêu chuẩn danh hiệu chiến sĩ thi đua; thẩm quyền đề nghị thi đua, khen thưởng; hồ sơ đề nghị tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng…
Nhất trí bổ sung quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng
Góp ý vào Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) với nội dung tiêu chuẩn của danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, đại diện Văn phòng Quốc hội cho biết, mục tiêu của thi đua là nhằm tạo động lực động viên mọi cá nhân, tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, việc có sáng kiến, cách làm hay sẽ giúp thúc đẩy nhanh quá trình hoàn thành nhiệm vụ nhưng đây không phải là yếu tố quyết định để đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc được giao. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhiều cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nhưng vì không có sáng kiến hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học nên chưa được ghi nhận thành tích và động viên kịp thời bằng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Mặt khác, theo quy định tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thì trong các tiêu chí xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không có tiêu chí về sáng kiến hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học. Do đó, đề nghị Luật sửa đổi bỏ quy định tiêu chuẩn “có sáng kiến hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học”.
Về khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Văn phòng Quốc hội nhất trí cao với việc bổ sung quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc các cơ quan của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại dự thảo luật để phù hợp với hoạt động đặc thù của Quốc hội. Việc bổ sung quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tại dự án Luật lần này và dự thảo Nghị định quy định chi tiết đã lấp khoảng trống pháp lý đối với thi đua, khen thưởng của đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, để công tác thi đua, khen thưởng có căn cứ thực hiện không chỉ đối với Quốc hội mà còn đối với Hội đồng nhân dân các cấp, Văn phòng Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định bổ sung thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc hướng dẫn về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và các Ban, các Tổ đại biểu của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Khắc phục tối đa vấn đề luật khung, luật ống, chồng chéo, trùng lặp giữa các quy định của pháp luật
Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, đại diện Văn phòng Chính phủ cho rằng, việc đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, Khen thưởng cũng như nhiều Luật khác là một quy trình pháp lý chặt chẽ với sự tham gia của nhiều chủ thể. Bên cạnh việc khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật hiện hành, quan trọng hơn, việc sửa Luật cần được xem là một hoạt động chính trị- pháp lý sâu rộng, một cơ hội để giải quyết căn bản các vấn đề chính sách và pháp lý đặt ra, từ đó mới có thể đem lại sức sống thực tế và lâu bền của Luật, giải quyết được các vấn đề cơ bản về tồn tại, hạn chế từ thực tế xã hội. Nhìn chung, các nội dung của dự án Luật này chủ yếu sửa đổi các quy định liên quan đến thẩm quyền, điều kiện, tiêu chuẩn, hồ sơ thủ tục hành chính và sửa đổi một số quy định của Luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, chú trọng tới mục tiêu: hoàn thiện quy định của pháp luật để giải quyết được các vướng mắc chồng chéo về đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng giữa các cấp, các ngành, quy trình, thủ tục, thẩm quyền khen thưởng và phong tặng các danh hiệu, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường vai trò quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.
Theo đại diện Văn phòng Chính phủ, xét về góc độ quản lý hành chính nhà nước, việc sửa đổi đảm bảo có được một Luật căn cơ, khoa học, toàn diện, thực tiễn; đảm bảo Luật có sức sống bền vững trong cuộc sống xã hội. Điều này cũng đòi hỏi một phương pháp tiếp cận mới hơn trong việc sửa Luật, mang tính chính sách, đảm bảo sự toàn diện và tính phản biện hơn. Tại thời điểm hiện nay, các quan hệ xã hội trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng đã rất rõ ràng, do vậy cần tính toán, tận dụng cơ hội này để nâng cao chất lượng của việc sửa Luật. Việc pháp điển hóa này cần khắc phục tối đa được vấn đề luật khung, luật ống, khắc phục được sự chồng chéo, trùng lặp giữa các quy định của pháp luật. Mặt khác việc sửa đổi này cần cụ thể hóa, thể chế hóa được chủ trương của Đảng, đặc biệt là của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị để tiếp tục đối mới công tác thi đua, khen thưởng, để sau khi sửa đổi, Luật có thể tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập quốc tế, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua.
Tham gia góp ý tại tọa đàm, đại diện Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho biết, Luật Thi đua, khen thưởng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2004 và sửa đổi bổ sung vào năm 2005 và năm 2013. Sau 17 năm thực hiện, dưới góc độ quản lý nhà nước, Luật đã tạo nên nhiều thành tựu, kết quả có ý nghĩa tích cực: công tác thi đua khen thưởng được tăng cường, dần đi vào nề nếp, các phong trào thi đua đã thực sự góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, công tác khen thưởng kịp thời động viên, biểu dương, tôn vinh được các tập thể, cá nhân có thành tích trong lao động, sản xuất, công tác... Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, Luật cũng dần bộc lộ những tồn tại, hạn chế, từ hệ thống quy định tới khâu tổ chức thực hiện. Nhìn từ góc độ quản trị xã hội, Luật thể hiện tính trễ, chưa theo kịp được những xu hướng biến đổi cơ bản trong xã hội nước ta và hội nhập quốc tế, chưa chủ động tiếp thu những giá trị của cách mạng công nghiệp 4.0 có thể mang lại, khiến hiệu quả quản trị bị suy giảm, không khơi dậy được tiềm năng, nguồn lực trong xã hội. Từ đó đặt ra đòi hỏi cấp thiết phải sửa đổi Luật cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Đi vào một số nội dung cụ thể, đại diện Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ ra rằng, tiêu chuẩn để được tặng Cờ thi đua Chính phủ được quy định trong dự án Luật là “ có thành tích xuất sắc, có mô hình mới, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ được giao trong năm…”. Đề nghị làm rõ nội dung có “ mô hình mới” đối với các tập thể, nếu không làm rõ được nội dung này thì không nên đưa vào tiêu chuẩn xét Cờ thi đua đối với các tập thể. Đồng thời, cần tăng thêm thẩm quyền cho Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên… được danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc cho các đơn vị trực thuộc vì có nhiều Bộ, ngành có các Tổng Công ty, Tập đoàn lớn có hàng trăm tập thể trực thuộc mà Bộ trưởng không thể quản lý hết xuống tận cơ sở.
Kết luận tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến thảo luận. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định các ý kiến sâu sắc, toàn diện sẽ là những thông tin bổ ích giúp Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra có cách nhìn đa chiều về dự án Luật này, đảm bảo Luật được hoàn thiện với chất lượng tốt nhất, có tính khả thi cao khi đi vào cuộc sống./.