HỘI THẢO ''CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRUYỀN HÌNH QUỐC HỘI VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030''

31/05/2023

Sáng ngày 31/5, tại Hà Nội, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chiến lược phát triển Truyền hình Quốc hội Việt Nam đến năm 2030” nhằm đặt nền móng cho sự phát triển trong những năm tiếp theo, đồng thời đóng góp vai trò hiệu quả hơn nữa trong chiến lược truyền thông của Quốc hội.

HỘI NGHỊ KÝ KẾT GIAO ƯỚC THI ĐUA GIỮA CÁC ĐƠN VỊ THUỘC CỤM THI ĐUA SỐ 10 VÀ PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA NĂM 2023

TRUYỀN HÌNH QUỐC HỘI VIỆT NAM ĐỘC QUYỀN PHÁT SÓNG GIẢI VÔ ĐỊCH BÓNG ĐÁ NỮ THẾ GIỚI 2023

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; một số đồng chí nguyên lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cùng đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội và lãnh đạo các phòng, ban Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh cho biết, ngày 6/1/2015, đúng dịp kỷ niệm 69 năm Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã chính thức được ra mắt trong niềm hứng khởi và nhiều kỳ vọng. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, với những nỗ lực không ngừng, Truyền hình Quốc hội Việt nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về thời lượng phát sóng, khung chương trình, hạ tầng kỹ thuật và chất lượng đội ngũ. Để đánh dấu cho một chặng đường mới, với những bước đột phá mới, Truyền hình Quốc hội Việt Nam xác định mục tiêu trở thành Kênh truyền hình chính luận chuyên nghiệp, chuyên sâu và hấp dẫn hàng đầu Việt Nam.

Bên cạnh đó, hiện nay, Văn phòng Quốc hội đang xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về tổ chức hoạt động của Quốc hội”. Trong đó, Truyền hình Quốc hội Việt Nam là một trong hai cơ quan chủ lực, là lực lượng nòng cốt trong công tác truyền thông của Quốc hội. Dự thảo Đề án cũng cho thấy, vai trò quan trọng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam trong việc tổ chức, triển khai thực hiện các mục tiêu. Do đó, việc xây dựng Chiến lược phát triển Truyền hình Quốc hội Việt Nam là cần thiết và thống nhất với các mục tiêu của Đề án. Mặt khác, trong bối cảnh Quốc hội ngày càng đổi mới, Truyền hình Quốc hội Việt Nam cũng cần có những giải pháp để truyền tải sự đổi mới đó tới cử tri và Nhân dân cả nước.

Mặt khác, trong quá trình phát triển vừa qua cho thấy có nhiều vấn đề cần quan tâm như nguồn lực còn hạn hẹp, cách thức đầu tư hiệu quả,… Tổng Giám đốc Lê Quang Minh nêu rõ, những vấn đề trên đòi hỏi phải có chiến lược bài bản để tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất. Thay vì thảo luận hàng ngày thì cần có tầm nhìn dài hạn để có góc nhìn sâu và xa hơn trong việc phát triển thời gian tới.

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển công phu, bài bản. Theo đó, Truyền hình Quốc hội Việt Nam xác định sứ mệnh là cầu nối giữa Quốc hội, đại biểu Quốc hội với cử tri và người dân cả nước, đảm nhận việc sáng tạo, tổ chức sáng tạo nội dung phục vụ Quốc hội và cử tri, tạo sự kết nối đồng bộ giữa người dân với Nhà nước, trên cơ sở lan tỏa những giá trị tích cực vì một xã hội văn minh, hài hòa, phát triển và bền vững. Sức mệnh đó dựa trên nền tảng cởi mở để hợp tác; đổi mới để phát triển; học hỏi để tiếp nhận những giá trị mới của thời đại.

Trong thời gian tới, Truyền hình Quốc hội Việt Nam xác định phấn đấu trở thành cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện và là kênh truyền hình chính luận hàng đầu Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, các đại biểu cho rằng, Truyền hình Quốc hội Việt Nam cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động của Quốc hội trên các lĩnh vực hiến định. Phổ biến pháp luật, hướng dẫn áp dụng pháp luật trong cuộc sống xã hội; các nội dung tin tức về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, đời sống, dân sinh liên quan đến chính sách về dân tộc và tôn giáo bằng nhiều ngôn ngữ tiếng dân tộc khác nhau đến với khán giả mọi miền của Tổ quốc, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời, bám sát hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ. Phát huy tốt vai trò cơ quan truyền thông chủ lực của Quốc hội, là kênh tin tức chuyên biệt về Quốc hội; thông tin, tuyên truyền và lan tỏa mạnh mẽ vị trí, vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Phát huy vai trò cầu nối, tạo đồng thuận đối với quyết sách của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó và sự kỳ vọng của cử tri, Nhân dân cả nước.

Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu

Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của báo chí là giám sát và phản biện xã hội. Cơ quan báo chí nào cũng mang trong mình nhiệm vụ, trách nhiệm về giám sát và phản biện xã hội. Với các cơ quan báo chí của Quốc hội, hoạt động này có đặc điểm đặc thù hơn, đó là các cơ quan này có cơ hội được tiếp cận, theo dõi các hoạt động của Quốc hội, phỏng vấn các đại biểu Quốc hội, phỏng vấn và tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Những những lợi thế đặc thù này, các cơ quan báo chí của bên ngoài không thể có được. Do đó, nếu phát huy tốt nhất những đặc thù, lợi thế này trong công tác giám sát, phản biện xã hội thì các cơ quan báo chí của Quốc hội nói chung, Truyền hình Quốc hội Việt Nam nói riêng sẽ tạo được dấu ấn khác biệt.

Cùng với đó, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà cho biết, thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, với tinh thần đổi mới quyết liệt, Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã quan tâm sát sao và sâu sắc đến công tác truyền thông, xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ đồng tình, ủng hộ với việc xây dựng chiến lược tổng thể phát triển Truyền hình Quốc hội Việt Nam hiện đại, toàn diện, mạnh mẽ xứng tầm vai trò, nhiệm vụ. Đồng thời đánh giá cao đơn vị tư vấn đã xây dựng đề án bài bản; cho rằng cần củng cố, bổ sung vững chắc thêm cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, đưa ra những chiến lược, định hướng đúng và trúng, để từng bước triển khai thực hiện.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, nhiệm vụ, trọng trách của Truyền hình Quốc hội Việt Nam tương đối nặng nề, định hướng phát triển bắt kịp các xu thế truyền thông hiện đại đòi hỏi phải có những nỗ lực vượt bậc. Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát triển mạnh mẽ, căn cơ, toàn diện, phục vụ tốt hơn nữa cho công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh phát biểu khai mạc Hội thảo

Các đôpngf chí nguyên lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đóng góp ý kiến vào chiến lược phát triển Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội thảo

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà phát biểu

Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh trao đổi với phóng viên sau khi kết thúc Hội thảo

Minh Thành