Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng nêu rõ, việc tổ chức Hội thảo với chủ đề về thư viện số phát triển và chia sẻ nguồn thông tin số là điều hết sức cần thiết đối với các nơi có những nguồn cơ sở dữ liệu số phong phú nhưng vì những điều kiện kĩ thuật, cơ chế, chưa thể phổ biến, chia sẻ rộng rãi hơn để truyền tải những thông tin khoa học, nghiên cứu, thực tiễn đến với độc giả ở phạm vi rộng lớn hơn. Cụ thể như tại các thư viện, trung tâm thông tin- tư liệu, các trường đại học, các viện nghiên cứu, và các cơ quan, tổ chức khác… Chính vì vậy, việc chia sẻ nguồn thông tin tham khảo giữa các cơ quan, tổ chức là một xu hướng tất yếu.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng nêu rõ, Văn phòng Quốc hội đang hướng tới xây dựng một Quốc hội điện tử. Theo đó, Quốc hội xây dựng các công cụ làm việc trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ cần một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet, mọi hoạt động của Quốc hội đều được điều hành thuận lợi và người dân thì có thể theo dõi các buổi chất vấn, buổi họp của Quốc hội một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Đối với Thư viện, Quốc hội Việt Nam cũng đang tích cực chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tối ưu hóa các dịch vụ hướng tới phục vụ các đại biểu Quốc hội và cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Văn phòng Quốc hội cho phù hợp với điều kiện môi trường làm việc, tính chất thường xuyên di chuyển của các vị đại biểu Quốc hội. Việc cung cấp thông tin trực tuyến qua môi trường số/internet là một chiến lược đã được đề ra trong kế hoạch phát triển của Thư viện Quốc hội giai đoạn 2015-2020 và đang trong quá trình thực hiện để đạt được mục tiêu này.
Thực tế các trang thông tin điện tử và phần mềm của Thư viện Quốc hội hiên nay đã ứng dụng các thành tựu của công nghệ đang phát huy được những ưu điểm nhất định. Tuy nhiên, trong xu thế đổi mới hoạt động của Quốc hội hiện nay, với nhu cầu tham khảo thông tin đa dạng, đa ngành, đa lĩnh vực từ các cơ quan, tổ chức, Quốc hội nhận thấy cần tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong vấn đề này nhằm tối ưu hóa việc sử dụng thông tin. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng hi vọng, Hội thảo này sẽ tạo diễn dàn để các chuyên gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động của mình nhằm cùng nhau xây dựng một môi trường tri thức mở trong bối cảnh phát triển không ngừng của thế giới và đất nước. Do Thư viện Quốc hội là đơn vị mới được thành lập, nên đây cũng là cơ hội tốt để học hỏi kinh nghiệm của các cơ quan, tổ chức có kinh nghiệm đi trước trong lĩnh vực này, nhất là về phát triển thư viện số.
Chủ đề của Hội thảo thu hút được sự quan tâm và thảo luận sôi nổi của các đại biểu tham dự. Hội thảo đã nghe các chuyên gia, nhà nghiên cứu chia sẻ về những thuận lợi và thách thức trong xây dựng, phát triển thư viện Quốc hội hiện đại phục vụ hoạt động của Quốc hội; Xu hướng xây dựng và phát triển Thư viện số trên thế giới và thực trạng ở Việt Nam; Nhu cầu và điều kiện bảo đảm cho chia sẻ tài nguyên số tại Việt Nam; Chính sách phát triển thư viện số ở Việt Nam.
Hội thảo Phát triển và chia sẻ nguồn tài liệu số nhằm hỗ trợ hoạt động của Quốc hội vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu nhận định, mô hình thư viện số hiện đại là một hệ thống thư viện số tích hợp và đồng bộ, với một sự quản lý thống nhất và chia sẻ, không giới hạn nhu cầu độc giả, nên tăng tính liên kết với các thư viện khác để phục vụ tối đa nhu cầu bất cứ khi nào độc giả có nhu cầu tìm hiểu thông tin.
Để thực hiện thành công thư viện số, Thư viện Quốc hội cần có các chính sách thông tin cụ thể, chặt chẽ trong quản lý và chia sẻ thông tin, cụ thể như cần lựa chọn một hệ thống quản lý phù hợp, tuân thủ theo luật bản quyền và sở hữu trí tuệ, phân hoạch nguồn lực thông tin thành nhiều bộ sưu tập, phân hoạch người dùng tin thành nhiều nhóm khác nhau…
Đồng thời, để việc phát triển và chia sẻ nguồn thông tin số của Việt Nam ngày càng mở rộng, hệ thống Thư viện cần phải giải quyết những khó khăn, vướng mắc, trong đó nổi bật là về hạ tầng công nghệ, tổ chức xây dựng, phát triển nguồn lực thông tin, cũng như về khuôn khổ pháp lý.
Hội thảo thành công với những chia sẻ về lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự. Những giải pháp hữu ích được đưa ra tại Hội thảo sẽ góp phần xây dựng được mối quan hệ công tác tốt đẹp giữa các bên, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cơ chế phát triển và chia sẻ thông tin số nhằm xây dựng được hệ thống tài nguyên số đáp ứng được nhu cầu hợp tác trong thời gian tới.