TỌA ĐÀM MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG HOẠT ĐỘNG LẬP PHÁP VÀ ĐIỀU HÀNH PHIÊN HỌP TOÀN THỂ CỦA QUỐC HỘI NHẬT BẢN

20/12/2018

Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực cho Văn phòng Quốc hội Việt Nam giai đoạn 2” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, chiều 20/12, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Tọa đàm “Một số vấn đề trong hoạt động lập pháp và điều hành phiên họp toàn thể của Quốc hội Nhật Bản – kinh nghiệm đối với Việt Nam”. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản và Cố vấn trưởng dự án Hanazato Nobuhiko đồng chủ trì tọa đàm.

Tham dự tọa đàm còn có lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, các chuyên gia cán bộ của Hạ viện Nhật Bản, Văn phòng Hạ viện Nhật Bản, Thư viện Quốc hội Quốc gia Nhật Bản, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản phát biểu khai mạc tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản cho biết, Hiến pháp Nhật Bản cũng như Việt Nam đều khẳng định Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của người dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đồng thời khẳng định vai trò duy nhất của Quốc hội trong hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng. Cách thức điều hành hoạt động của Quốc hội ở Nhật Bản và Việt Nam mặc dù có những đặc điểm riêng biệt nhưng điểm chung là để đảm nhận tốt vị trí vai trò của mình. Từ cơ quan Quốc hội, các Ủy ban và từng đại biểu Quốc hội phải thực hiện hiệu quả chức năng nhiệm vụ được giao, đồng thời phải không ngừng cải tiến đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản nhấn mạnh, lập pháp là chức năng quan trọng nhất của Quốc hội ở bất cứ quốc gia nào. Tại Việt Nam hoạt động lập pháp ngày càng được đổi mới trong cách thức soạn thảo, thẩm tra, cách thức thảo luận ngày càng đi vào thực chất, chất lượng, góp phần giải quyết nhiều vấn đề trong đời sống xã hội, có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Để có những kết quả đạt được là không thể phủ nhận vai trò hạt nhân vô cùng quan trọng của từng cá nhân đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng và ban hành các đạo luật. Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ trong quá trình lập pháp của Quốc hội là đòi hỏi khách quan, là yếu tố không thể thiếu góp phần quyết định chất lượng  các văn bản luật được ban hành.

Cán bộ Văn phòng Quốc hội tham dự tọa đàm

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toàn cho rằng, tọa đàm là cơ hội để các cán bộ, công chức của Văn phòng Quốc hội Việt Nam học hỏi thêm về kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động của Quốc hội Nhật Bản; là diễn đàn để trao đổi, chia sẻ những vấn đề mà Quốc hội hai bên quan tâm và hướng tới. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản bày tỏ tin tưởng với sự tham dự và chia sẻ thông tin của các đại biểu, sự hỗ trợ của JICA, kết quả của tọa đàm sẽ góp phần tích cực chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội Việt Nam.

Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Konaka Tetsuo bày tỏ mong muốn thông tin chia sẻ tại tọa đàm sẽ có giá trị tham khảo đối với Việt Nam

Phát biểu tại tọa đàm, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Konaka Tetsuo, chia sẻ: năm 2018 là năm đặc biệt trong mối quan hệ hữu nghị hai nước Việt Nam – Nhật Bản khi hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động ý nghĩa. JICA cũng đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác tích cực với Văn phòng Quốc hội Việt Nam. Với mục tiêu nâng cao năng lực hỗ trợ tham mưu cho các chức năng của Quốc hội, nâng cao hoạt động điều hành của Quốc hội, qua giới thiệu hiện trạng, tình hình thực tế công việc điều hành Quốc hội Nhật Bản, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam mong rằng những thông tin chia sẻ tại tọa đàm có giá trị tham khảo đối với Việt Nam trong quá trình cải cách hoạt động tổ chức điều hành của Quốc hội.

Các chuyên gia Nhật Bản trao đổi tại tọa đàm

Tại tọa đàm, các đại biểu đã nghe trình bày các tham luận về một số đặc trưng trong vận hành của Quốc hội Nhật Bản; quy trình lập pháp của Nhật Bản, cải cách Quốc hội Nhật Bản, các dịch vụ hỗ trợ Quốc hội trong quá trình lập pháp của Nhật Bản do các giáo sư, cán bộ của Hạ viện Nhật Bản, Văn phòng Hạ viện Nhật Bản và Thư viện Quốc hội Quốc gia Nhật Bản trình bày.

Cùng với đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các công tác điều hành của Quốc hội Nhật Bản về lý thuyết và về thực tiễn hoạt động; vai trò của Chính phủ của chính đảng cầm quyền trong hoạt động của nghị viện nhất là trong hoạt động lập pháp; về cải cách nghị viện của Nhật Bản trong đó tập trung vào việc giảm điều kiện về số lượng nghị sĩ tán thành trong trường hợp nghị sĩ đệ trình dự thảo luật để việc đệ trình trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn; tăng cường năng lực giám sát của Nghị viện đối với chính quyền; quy trình chất vấn tại phiên họp toàn thể; quy trình lập pháp của Nhật Bản cả về quy trình xây dựng dự án luật do Nội các trình và do nghị sĩ trình và các công cụ hỗ trợ.

Bảo Yến