Tham dự hội thảo còn có đại diện thường trực hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách địa phương, đại diện lãnh đạo các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Konaka Tetsuo, các chuyên gia của Văn phòng Hạ viện Nhật Bản và JICA, cùng các cán bộ, công chức Văn phòng Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết, nhằm tiếp nối các kết quả của Dự án Tăng cường năng lực cho Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Quốc hội phối hợp với JICA tổ chức hội thảo "Nâng cao hiệu quả kỳ họp Quốc hội".
Thực tế, tổ chức và hoạt động của Quốc hội hai nước tuy có nhiều khác biệt nhưng có những điểm tương đồng quan trọng như quyết định của Quốc hội đều được thực hiện tại phiên họp toàn thể của Quốc hội. Đặc biệt, Nghị viện Nhật Bản được biết đến là nghị viện hoạt động chuyên nghiệp, công khai, dân chủ. Vấn đề đặt ra là làm thế nào Quốc hội Nhật Bản có được kết quả như vậy? Từ sự chuyên nghiệp, khoa học trong vận hành của Quốc hội Nhật Bản, công tác chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ họp hay sự kết nối giữa phiên họp các ủy ban với phiên họp toàn thể quốc hội. Và thời gian qua, phía Việt Nam nhận được nhiều sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ phía Nhật Bản từ kỹ thuật lập pháp, soạn thảo các dự án luật đến nghiên cứu thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh nhấn mạnh, hội thảo này tiếp tục là cơ hội để trao đổi chia sẻ các kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội, kỳ họp Quốc hội.
Theo Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Konaka Tetsuo, qua hội thảo, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm thực tế của Quốc hội Nhật Bản từ đặc trưng của Quốc hội Nhật Bản, sự thay đổi các phiên họp toàn thể của Quốc hội Nhật Bản, thủ tục thẩm tra dự thảo luật tại phiên họp toàn thể, thủ tục thẩm tra dự thảo luật tại các Ủy ban của Quốc hội… qua đó cung cấp thông tin và đưa ra khuyến nghị nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội Việt Nam.
Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt nam Konaka Tetsuo phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành nêu rõ, hiệu quả hoạt động của Quốc hội thể hiện qua hiệu quả của kỳ họp Quốc hội. Do đó để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội thì đầu tiên cần quan tâm đến hiệu quả kỳ họp Quốc hội.
Dù Quốc hội Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển chưa lâu so với các nước song trong quá trình phát triển, Quốc hội Việt Nam luôn chủ động có nhiều cải tiến đổi mới nhất là trong đổi mới, nâng cao hiệu quả kỳ họp Quốc hội. Trước yêu cầu thực tiễn và yêu cầu tự thân tự hoàn thiện mình, còn không ít vấn đề đặt ra cần phải thực hiện mới bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành chỉ rõ, trong việc lập và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn tình trạng điều chỉnh chương trình, không ít dự án đưa vào chương trình lại phải điều chỉnh tiến độ, thậm chí đưa ra khỏi chương trình và phải bổ sung một số dự án mới vào chương trình. Điều này dẫn đến phải điều chỉnh chương trình của kỳ họp Quốc hội.
Trong việc xem xét, thông qua dự án luật, không ít dự án luật khi trình ra Quốc hội so với khi thông qua phải chỉnh sửa nhiều cả về nội dung, kỹ thuật lập pháp; trách nhiệm của cơ quan thẩm tra không được phát huy đầy đủ ở giai đoạn chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật; chất lượng một số dự án luật chưa cao dẫn đến sau khi ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung…
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành bày tỏ mong muốn qua hội thảo sẽ có thêm thông tin gợi mở nhằm nâng cao hiệu quả kỳ họp Quốc hội
Cho rằng, Nhật Bản là quốc gia có bề dày lịch sử hoạt động nghị viện, qua đối chiếu giữa tiến trình cải tiến, đổi mới hoạt động của Quốc hội Nhật Bản với hoạt động của Quốc hội Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành đặt vấn đề về cơ sở và phương thức sự chuyển đổi từ thảo luận tập trung tại phiên họp toàn thể sang thảo luận tại các ủy ban của Quốc hội Nhật Bản. Khi đưa dự án luật ra Quốc hội không phải chỉnh sửa nhiều mà biểu quyết thông qua toàn văn. Như vậy nếu quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật thực hiện hết ở ủy ban mà không thảo luận kĩ tại phiên toàn thể thì vai trò của các nghị sĩ khác không thuộc ủy ban dường như không được phát huy.
Tại Việt Nam, theo thống kê, thời gian dành để thảo luận, thông qua luật tại phiên họp toàn thể của Quốc hội cũng ngày càng ít dần đi qua các khóa Quốc hội gần đi. Bên cạnh đó, trong quy trình xây dựng luật, trước năm 2003 sau khi trình Quốc hội thì cơ quan chủ trì soạn thảo là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật. Sau khi sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2003 thì vai trò tiếp thu, chỉnh lý chuyển từ cơ quan soạn thảo sang cơ quan chủ trì thẩm tra. Đây là điểm hiện còn ý kiến khác nhau có nên tiếp tục giữ vai trò tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật ở cơ quan thẩm tra hay giao lại cho cơ quan soạn thảo.
Ngoài ra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành bày tỏ mong muốn nhận được chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc bảo đảm chất lượng dự án luật khi được ban hành, cách thức để Quốc hội tác động lên Chính phủ để trình các dự án luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn hay yêu cầu của cử tri, cách thức tổ chức kỳ họp Quốc hội nhằm hạn chế áp lực đối với đại biểu Quốc hội…Từ đó gợi mở nhiều thông tin, giải pháp, hướng đi nhằm nâng cao hiệu quả kỳ họp nói riêng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung.
Chiều cùng ngày, hội thảo tiếp tục nghe tham luận của các đại biểu.