Đoàn đại biểu Quốc hội tại các địa phương tiếp xúc cử tri

04/12/2007

Các đoàn đại biểu Quốc hội tại các địa phương tiếp tục tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XII.

* Tiền Giang: Đến ngày 30/11, Đoàn đại biểu Quốc hội tại tỉnh Tiền Giang đã tiếp xúc cử tri cuả các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước, TP. Mỹ Tho... Tại các buổi tiếp xúc cử tri, Đại tướng Lê Văn Dũng, Bí thư trung ương Đảng, Chủ nghiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN, thành viên cuả Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh; cùng ông Trần Văn Tấn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang, trả lời các thắc mắc và kiến nghị của cử tri, đồng thời ghi nhận các ý kiến xác đáng của cử tri thuộc thẩm quyền cuả Quốc hội, hứa sẽ đề đạt trong kỳ họp tới. Các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh cũng đã nêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2008 với mục tiêu tăng trưởng cao, nhưng bền vững; phải giải quyết vấn đề hàng hoá có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường, và giải quyết môi trường. Đặc biệt, phải giải quyết vấn đề văn hoá - xã hội bức xúc; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, làm cho xã hội phát triển đồng đều hơn… Quốc hội còn đề ra nhiều giải pháp liên quan đến nông nghiệp - nông thôn, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ cũng trình Quốc hội nhiều vấn đề rất cơ bản, và nhiều chủ trương mang tính đột phá, nhằm tháo gở khó khăn cho sản xuất nông nghiệp - nông thôn; trong đó, vấn đề quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp, để từ đây có những định hướng cơ bản trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sau thu hoạch để giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp là một trong những vấn đề quan trọng và bức xúc nhất trong hiện nay cần phải giải quyết.

* Thanh Hóa: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá chia làm 6 tổ về 35 xã, phường thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiếp xúc cử tri. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có thêm cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn và nông dân. Đặc biệt tại các huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Cẩm Thuỷ thuộc vùng thường xuyên bị thiên tai lũ lụt đe doạ, cử tri đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng kiên cố các công trình trường học, trạm xá, hỗ trợ vốn để các địa phương tu sửa lại các công trình giao thông, thuỷ lợi, công trình hạ tầng bị bị hư hỏng do lũ lụt; cần có chính sách thoả đáng cho các vùng phân lũ, chậm lũ, xây dựng phương án tránh lũ, khu vực tránh lũ... Cử tri thành phố Thanh Hoá, huyện Tĩnh Gia và các địa phương có nhiều công trình, dự án, khu công nghiệp... kiến nghị giá đền bù GPMB còn thấp, tình trạng người dân bị thu hồi đất nông nghiệp cho các khu công nghiệp hiện nay chưa có việc làm ngày càng nhiều nhưng việc đào tạo nghề, thu hút vào các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ còn quá ít và quá khó khăn; dịch vụ cho khu vực nông thôn còn đơn điệu, thấp kém...

* Ninh Bình: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã tiếp xúc với cử tri tại 8 huyện, thành phố và thị xã trong tỉnh. Cử tri nêu ra nhiều ý kiến bức xúc đang tồn tại ở các địa phương trong tỉnh, những nơi nhân dân có vấn đề nổi cộm từ nhiều năm qua chưa được giải quyết kịp thời. Hàng chục cử tri ở thị xã Tam Điệp, Kim Sơn, Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan và thành phố Ninh Bình đều nêu những khó khăn khi giá cả thị trường leo thang, lương chưa tăng giá đã tăng, đề nghị Quốc hội, Chính phủ có những biện pháp kiềm chế giá cả giảm bớt khó khăn cho nhân dân. Những vấn đề cử tri quan tâm như giá cả đền bù giải phóng mặt bằng, việc làm cho các vùng mất đất nông nghiệp để làm dự án công nghiệp và đô thị, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu công nghiệp, xử lý bãi rác thải ở phường Đông Sơn, thị xã Tam Điệp đang gây ô nhiễm nguồn nước...

* Bắc Kạn: Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XII và đại biểu HĐND tỉnh Bắc Kạn đã có buổi tiếp xúc cử tri tại các xã Bằng Lãng, Ngọc Phái, Bằng Lũng và Yên Thượng huyện Chợ Đồn. Các cử tri xã Yên Thượng phản ánh tình trạng khai thác quặng chì kẽm trái phép diễn ra từ nhiều năm, nhưng chính quyền vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, gây những hậu quả nghiêm trọng như sập hầm chết người, thất thoát tài nguyên Nhà nước, môi trường sinh thái bị đảo lộn. Nhiều ý kiến cho rằng; việc quản lý phương tiện là xe ô tô của Nhà nước cần có quyết định rõ ràng hơn, đặc biệt với những phương tiện đã thanh lý phải yêu cầu chuyển biển số, vì hiện nay có nhiều xe ô tô biển xanh cũ nát chuyên hoạt động chở quặng thô trái phép nhưng người dân chẳng biết báo gọi ai. Cử tri xã Ngọc Phái mong muốn chuyển địa điểm xây dựng Nhà máy điện phân kẽm chì của Công ty Ngọc Linh đến một địa bàn khác, để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân do ô nhiễm môi trường./.

(http://www.cpv.org.vn/)