Gia nhập WTO thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các địa phương

12/05/2008

Đó là nhận định do Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội nêu ra trong phiên họp toàn thể lần thứ 6 diễn ra sáng nay (11/5) tại Hà Nội do ông Nguyễn Văn Son - Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội chủ trì phiên họp

(VOV)_ Sau hơn một năm kể từ khi chính thức trở thành thành viên của WTO, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả ban đầu trên một số lĩnh vực quan trọng. Cụ thể là trong cả nước, giá trị xuất khẩu công nghiệp trong năm 2007 tăng 17,1% so với năm 2006, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng 35,4%, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 69,2% đạt mức kỷ lục với số vốn đăng ký đạt 20,3 tỷ USD, xuất khẩu tăng 21% so với năm 2006.

 

Đây là kết quả của cả quá trình phát triển kinh tế nước ta nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới được nhìn nhận là tiền đề quan trọng cho việc cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường khả năng thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài.

 

Tại các địa phương, việc gia nhập WTO đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư được tăng cường, mở rộng và đã có những bước khởi sắc đáng kể (ngay cả đối với các địa phương còn gặp nhiều khó khăn như Hà Tĩnh, Thái Bình). Các tỉnh đã huy động được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhất là nguồn vốn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài quốc doanh.

 

Các địa phương đã chú trọng hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường; hình thành và phát triển các thị trường, nhất là thị trường lao động, các ngành dịch vụ (bảo hiểm, tài chính, ngân hàng...). Đây là những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư, công nghệ, tăng kim ngạch xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực ở các địa phương.

 

Tuy nhiên, cũng còn có biểu hiện "yên tâm", chưa nhận thức đầy đủ về tác động của việc hội nhập ở một số đáng kể cơ quan, cán bộ chính quyền. Những biểu hiện như: năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn hạn chế, qui mô kinh tế còn nhỏ bé so với nhu cầu phát triển, sự khan hiếm lực lượng lao động có tay nghề cao và cán bộ quản lý giỏi trong hầu hết các ngành sản xuất. Việc xây dựng chương trình hành động đến công tác tuyên truyền, rà soát văn bản, cải cách thể chế, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực thấy nổi lên sự lúng túng của các địa phương trong việc xác định nội dung, phương thức triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương trong bối cảnh hội nhập; có biểu hiện trông chờ của doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương, của chính quyền địa phương đối với chính quyền trung ương.

 

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe báo cáo về tình hình thế giới và công tác đối ngoại của Nhà nước ta trong thời gian gần đây; Báo cáo công tác của Uỷ ban Đối ngoại từ sau kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 3 (Quốc hội khoá 12) và phương hướng hoạt động đến hết năm 2008./.  

Mai Hồng

(http://www.vovnews.vn)