Kết thúc Phiên họp thứ 4 Hội đồng Dân tộc Quốc hội

16/10/2008

Các đại biểu đã tiến hành thảo luận, quyết định Chương trình hoạt động của Hội đồng Dân tộc năm 2009; đánh giá kết quả hoạt động của Hội đồng từ kỳ họp thứ 3 đến kỳ họp thứ 4 và dự kiến chương trình hoạt động từ sau kỳ họp thứ 4 đến kỳ họp thứ 5; tham gia góp ý kiến vào Dự án Luật công nghệ cao.

Ngày 14/10, Phiên họp thứ 4 Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã kết thúc sau bốn ngày làm việc khẩn trương, liên tục với tinh thần trách nhiệm cao. Trong ngày làm việc cuối cùng, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, quyết định Chương trình hoạt động của Hội đồng Dân tộc (Hội đồng DT) năm 2009; đánh giá kết quả hoạt động của Hội đồng từ kỳ họp thứ 3 đến kỳ họp thứ 4 và dự kiến chương trình hoạt động từ sau kỳ họp thứ 4 đến kỳ họp thứ 5; tham gia góp ý kiến vào Dự án Luật công nghệ cao.

Hội đồng DT nhất trí xây dựng chương trình hoạt động năm 2009 với những nội dung cơ bản sau: Về công tác xây dựng pháp luật, trong năm 2009, Hội đồng phối hợp thẩm tra 13 dự án luật; Thường trực Hội đồng tham gia ý kiến trực tiếp dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan trước khi ban hành (liên quan đến chính sách dân tộc).

Về công tác giám sát, tập trung thực hiện 2 nội dung là giám sát Kết quả thực hiện việc di dân, tái định cư dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La và Chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hóa theo Quyết định 125/2007/QĐ-TTg (nội dung liên quan đến dân tộc thiểu số). Năm 2009, cùng với các hoạt động trên, Hội đồng DT sẽ tiến hành khảo sát về tình hình đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ là dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ; khảo sát một số vùng có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt trên diện rộng tại một số tỉnh đặc biệt khó khăn miền núi phía Bắc; giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số.

Hội đồng DT còn phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành giám sát một số việc giải quyết đơn thư khiếu nại có liên quan của đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với các Uỷ ban của Quốc hội để thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2009; dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương và các địa phương năm 2010, trọng tâm là các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH miền núi và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số.

Thảo luận về Dự án Luật công nghệ cao (Luật CNC), các thành viên của Hội đồng DT đều đánh giá đây là luật mang tính chất chuyên ngành cao và việc ban hành luật là cần thiết. Các ý kiến đóng góp tập trung đi sâu vào các chính sách của Nhà nước đối với hoạt động CNC. Hầu hết đại biểu cho rằng văn bản nêu còn chung chung, thiếu cụ thể; cần nói rõ hơn cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, khuyến khích đầu tư để thu hút, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực này. Nên có thêm chính sách về nghiên cứu, ứng dụng CNC, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, công nghệ thông tin, phát triển kinh tế-xã hội; còn thiếu chính sách khuyến khích hoạt động của các hội KHKT đã sẵn có ở các địa phương hiện nay.

Liên quan đến quy định CNC được ưu tiên phát triển, cần quy định rõ hơn các lĩnh vực được ưu tiên và bổ sung điều khoản CNC về môi trường, năng lượng, CNC trong lĩnh vực nông nghiệp. Về việc sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển, có ý kiến cho rằng quy định Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để lựa chọn sản phẩm CNC là trùng với quy định tại một số điều khoản khác, nên xem xét lại để tránh chồng chéo.

Thảo luận về các hành vi bị nghiêm cấm, nhiều ý kiến đánh giá chỉ có 7 phạm vi bị nghiêm cấm là chưa đủ và kiến nghị bổ sung thêm điều khoản các hành vi khác theo quy định của pháp luật. Một nội dung cũng được các đại biểu nhất trí cần xem xét lại là quy định về tổ chức khoa học và công nghệ thành lập doanh nghiệp CNC. Theo đó việc khuyến khích giảng viên, cán bộ nghiên cứu sinh của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp CNC là trái với nội dung của dự thảo Luật Cán bộ, công chức./.

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác