Kiến nghị của cử tri sẽ là cơ sở để bàn về nhiệm vụ kinh tế-xã hội của năm tới

16/10/2008

(VOV) - Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII, Quốc hội sẽ đổi mới việc trình báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri cả nước nhằm phát huy ý nghĩa quan trọng của bản báo cáo này.

Công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Quốc hội do Ban Dân nguyện, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội cùng thực hiện. Trong đó, việc theo dõi kết quả thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn do Ban Dân nguyện đảm nhận. Mặc dù đã có nhiều đổi mới, tuy nhiên thời gian qua, hoạt động giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri vẫn chưa đạt như mong muốn. Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri mới chỉ dựa vào văn bản trả lời của các bộ, ngành.

Trước thềm kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII, phóng viên VOV phỏng vấn ông Trần Thế Vượng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội để làm rõ hơn vấn đề này.

** Thưa ông, theo phản ánh của cử tri ở nhiều địa phương trong cả nước, các lời hứa của các thành viên Chính phủ vẫn chưa được thực hiện một cách trọn vẹn. Theo ông nguyên nhân là vì đâu?

Ông Trần Thế Vượng: Trong những nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, đặc biệt là những kỳ họp gần đây, Chính phủ và các thành viên Chính phủ, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đặc biệt coi trọng và quan tâm đến việc thực hiện lời hứa của mình trước Quốc hội và nhân dân. Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện, có những việc đã làm được, nhưng cũng có những việc chưa làm được. Khó khăn vướng mắc trước hết nằm ở chính những vấn đề mà cử tri nêu lên. Có những việc mà trong một thời gian nhất định có thể thực hiện; nhưng cũng có những vấn đề đòi hỏi phải có thời gian. Có những vấn đề cử tri đặt ra là rất hệ trọng, không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Mặt khác, xung quanh việc thực hiện những lời hứa đó, còn phải tính đến những yếu tố chủ quan, khách quan. Về những yếu tố chủ quan, phải nói là các thành viên Chính phủ cũng như Chánh án, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng đã có sự nỗ lực rất lớn.

** Vậy tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XII này, Quốc hội có đặt vấn đề giám sát Chính phủ cũng như các thành viên Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao thực hiện lời hứa trước Quốc hội và nhân dân hay không?

Ông Trần Thế Vượng: Không phải là Quốc hội không đặt vấn đề giám sát các thành viên Chính phủ cũng như Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao thực hiện lời hứa. Việc xem xét các báo cáo của Chính phủ, của Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, chính là hình thức giám sát của Quốc hội, từ đó mới tiến hành chất vấn, hay giám sát theo những chuyên đề cụ thể.

Tại kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội không tiến hành giám sát một chuyên đề về việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, của Chánh án Toà án Nhân dân tối cao hay Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Nhưng dưới cách thức như là xem xét các báo cáo của Chính phủ, của Toà án Nhân dân tối cao, của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, thì tại kỳ họp này, Quốc hội vẫn tiếp tục làm.

Việc tiến hành chất vấn một số thành viên của Chính phủ tại kỳ họp tới của Quốc hội cũng chính là cách thức Quốc hội giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ. Những vấn đề từ kỳ họp trước, thậm chí là từ những năm trước đây cử tri và nhân dân cả nước đặt ra, Chính phủ và các thành viên Chính phủ sẽ căn cứ vào đó; Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng căn cứ vào đó đề ra chương trình công tác của mình để thực hiện các kiến nghị của cử tri cả nước. Như vậy, trong kỳ họp này, Quốc hội vẫn sẽ tiến hành giám sát thông qua những hình thức như vậy.

** Thưa ông, tại kỳ họp này, việc tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi Quốc hội có điểm gì mới?

Ông Trần Thế Vượng: Trong kỳ họp thứ 4 này, với quyết tâm của lãnh đạo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cùng với UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vấn đề tổng hợp ý kiến cử tri, nhân dân cả nước sẽ có đổi mới. Trước đây tại các kỳ họp, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri thường được đọc trước khi tiến hành phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Còn tại kỳ này, Quốc hội nhận thấy cần phải đổi mới nội dung này để đạt được yêu cầu cũng như ý nghĩa quan trọng của nó. Cụ thể là trước khi Quốc hội đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội năm 2008 đồng thời đề ra nhiệm vụ KT-XH năm 2009 cũng như nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Quốc hội sẽ nghe bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước, coi đó là căn cứ, cơ sở quan trọng để bàn về nhiệm vụ kinh tế-xã hội của năm tới. Để thực hiện sự đổi mới này, các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội phải tiến hành tiếp xúc cử tri sớm hơn so với mọi kỳ trước đây, sau đó hoàn thành tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi về Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để tổng hợp kiến nghị của cử tri cả nước chuẩn bị cho báo cáo trình trước Quốc hội tại kỳ họp tới này.

Trân trọng cảm ơn ông./. 

 

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác