Cần quan tâm đến đời sống, việc làm cho nông dân

18/10/2008

(VOV) - Tại các tổ thảo luận, các đại biểu quan tâm nhiều đến các vấn đề về nông nghiệp nông thôn, việc làm, công tác dự báo và các chỉ tiêu nêu trong Báo cáo của Chính phủ...

Sáng nay (17/10), tại Hà Nội, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009; dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2009.

Các giải pháp cho nông nghiệp vẫn còn manh mún

Tại các tổ thảo luận của các đoàn Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hoà Bình, Hà Tĩnh, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất là về nông nghiệp nông thôn và việc làm cho nông dân.

Về vấn đề này, đại biểu Bùi Văn Tỉnh (đoàn Hoà Bình), đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong năm vừa qua, sản xuất lương thực được mùa, nhưng nhiều hộ nông dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, lạm phát tăng cao làm cho phần lớn nguyên, nhiên vật liệu, giá vật tư, giá phân bón, thức ăn chăn nuôi... tăng cao, tiêu thụ nông sản có thời điểm gặp khó khăn.

Đại biểu Đặng Văn Khanh (đoàn Hà Nội) cho rằng, các giải pháp cho nông nghiệp hiện nay vẫn còn manh mún, chạy theo thị trường, chưa tạo được sự  “an tâm” cho người dân, do vậy mới xảy ra chuyện chặt phá điều, cà phê, vải hàng loạt. Việc quy hoạch vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm vẫn không được thực hiện một cách quy củ.

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc (đoàn Hà Nội) thì cho rằng, vấn đề liên kết “4 nhà“ đã được bàn đến trong các kỳ họp Quốc hội trước nhưng hiệu quả của việc liên kết này vẫn chưa thực sự hiệu quả, trong đó nông dân vẫn là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Vì thế, Quốc hội cần có sự giám sát lại chương trình này để tăng cường hiệu quả của việc liên kết. 

Quan tâm đến việc làm cho thu nhập ổn định

Vấn đề việc làm cho nông dân cũng là bức xúc của người dân và là mối quan tâm của nhiều đại biểu hiện nay. Theo các đại biểu, chỉ tiêu tạo 1,7 triệu việc làm trong năm 2008 như trong Báo cáo của Chính phủ xem ra khó thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc băn khoăn: “Nếu năm 2007 tăng trưởng kinh tế 8% mà chỉ giải quyết được 1 triệu việc làm. Còn năm 2008 với tỉ trọng tăng trưởng kinh tế như hiện nay thì khó đạt chỉ tiêu giải quyết 1,7 triệu việc làm”.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Hà Nội) thì cho rằng, chỉ tiêu là 1,7 triệu việc làm nhưng cần phải quan tâm đến việc làm thường xuyên, có thu nhập ổn định. Còn nếu đưa ra chỉ tiêu như vậy nhưng là việc làm công nhật thì cần phải xem xét lại.

Báo cáo của Chính phủ tương đối đầy đủ

Tại các tổ thảo luận, đa số đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2008 và nhiệm vụ năm 2009; đồng thời nhận định: đến thời điểm này, nền kinh tế nước ta đã vượt qua được thời điểm khó khăn và những cân đối lớn của nền kinh tế đang từng bước ổn định, những hạn chế, yếu kém đang dần được khắc phục.

Các đại biểu hoan nghênh việc Chính phủ đã kịp thời đề ra 8 nhóm giải pháp về kiềm chế lạm phát và bước đầu đã đạt được một số kết quả cụ thể, củng cố niềm tin của nhân dân, các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp vào chính sách, sự điều hành của Chính phủ và tính ổn định của nền kinh tế.

Về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu Phùng Văn Toàn (đoàn Phú Thọ) và một số đại biểu cho rằng, chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2008, vì thế có thể cơ bản xác định được chỉ tiêu tăng trưởng. Việc đưa ra con số từ 6,5-7% trong năm 2008 cho thấy khả năng dự báo còn chưa ổn.

Cũng về công tác dự báo, theo đại biểu Bùi Văn Tỉnh (đoàn Hoà Bình) và một số đại biểu, công tác này ở nước ta còn kém. Tuy ở một số bộ, ngành, đơn vị cũng đã có trung tâm dự báo về tình hình kinh tế-xã hội nhưng còn  tản mát, chưa tập trung. Vì thế, cần phải có Bộ tham mưu thực sự mạnh cho công tác quản lý vĩ mô, giúp Chính phủ điều hành tốt hơn về tỷ giá đồng Việt Nam, lãi xuất tín dụng và các vấn đề khác trong phát triển kinh tế-xã hội. 

Cũng tại các tổ thảo luận, nhiều đại biểu còn quan tâm về các vấn đề như bảo vệ môi trường, giáo dục, tăng cường hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Tổ các vấn đề về kinh tế-xã hội, phân bổ ngân sách…/.

 

Minh Hoà-Thanh Hà

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác