Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Bảo hiểm y tế

22/10/2008

NDĐT - Ngày 21-10, QH khoá XII, kỳ họp thứ tư, bước sang ngày làm việc thứ năm. Buổi sáng, tại hội trường, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, các đại biểu QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của QH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo hiểm y tế ( BHYT) và thảo luận những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.

Các vấn đề quy định về BHYT cho nông dân, về việc cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, mức đóng BHYT, quản lý quỹ BHYT… được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến. Theo các đại biểu: Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hoá), Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai), thì vấn đề BHYT cho nông dân cần được quy định cụ thể, chi tiết, có lợi cho nông dân, vì hiện nay, phần lớn số hộ nghèo, cận nghèo  là nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ đóng BHYT cho người nghèo, cận nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi,…, nhưng vẫn còn hàng chục triệu người trực tiếp làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp… chưa có điều kiện tham gia BHYT, mà mức quy định đóng BHYT là 6% mức lương tối thiểu( khoảng 350 nghìn đồng/người/năm), thì đó là mức khá cao đói với mức thu nhập của nông dân.

Do đó cần hạ mức đóng BHYT để toàn dân có khả năng đóng BHYT. Vì vậy, luật BHYT cần thể chế hoá Nghị quyết 26 của TƯ Đảng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, có chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho nông dân. Mặt khác, cần có chính sách hỗ trợ để người nghèo, cận nghèo, nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có thể có được BHYT.

Một số đại biểu cho rằng, quy định mức cùng chi trả 5%, 20% chi phí khám chữa bệnh là mức chung, cần có quy định riêng đối với  người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thì không phải chi trả 5%, 20%  kinh phí khám ,chữa bệnh khi đi khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế công. Đề nghị, khi đi khám, chữa bệnh ở tuyến y tế xã, phường, không phải chi trả 5%, 20%, để  người có BHYT đến cơ sở y tế cơ sở khám ,chữa bệnh thông thường, không vượt lên tuyến trên, dẫn đến  các bệnh viện tuyến trên quá tải như hiện nay.

Các đại biểu đề nghị, bổ sung quy định cán bộ bán chuyên trách ở xã, phường, thị trấn cũng được hỗ trợ đóng BHYT để động viên, khuyến khích và chăm lo sức khoẻ cho các đối tượng này, vì công việc của họ làm cũng nhiều mà mức phụ cấp còn thấp.

Một số đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp thẻ BHYT. Khi cơ quan BHYT nhận đủ đủ hồ sơ làm BHYT của mọi đối tượng, thì trong 10 ngày làm việc, phải cấp thẻ BHYT. Và thẻ BHYT cần có ảnh để thuận tiện trong quá trình khám, chữa bệnh.

Về quy định mức đóng BHYT 6% lương tối thiểu, một số đại biểu cho rằng mức này là cao. Vì vậy đề nghị xem xét lại quy định này, để nhiều người có điều kiện tham gia đóng BHYT. Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Nông), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đề nghị, cần bảo đảm đồng bộ các chính sách xã hội trong  thực hiện BHYT và quản lý quỹ BHYT.

Quản lý quỹ BHYT cần tập trung, thống nhất trong cả nước, nhưng có phân cấp cụ thể cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ để cân đối, điều hoà hợp lý hơn việc sử dụng quỹ BHYT giữa TƯ và địa phương và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý , phát huy hiệu quả sử dụng quỹ BHYT.

Đại biểu Trần Đông A (TP Hồ Chí Minh), Cùng Thị Mẩy (Hà Giang) và nhiều đại biểu đề nghị, cần quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ sở y tế trong việc khám, chữa bệnh cho các đối tượng có BHYT, tránh phân biệt đối xử giữa người có BHYT với người khám chữa bệnh dịch vụ. Các đại biểu đề nghị cần có quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế phải bảo đảm chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh theo hướng tăng cường củng cố hệ thống tổ chức y tế, mở rộng việc khám, chữa bệnh BHYT đến trạm y tế xã; xây dựng tiêu chuẩn cụ thể đối với việc khám, chữa bệnh BHYT…

Một số đại biểu đề nghị, cần có chế tài xử lý hành vi trốn đóng BHYT, chậm đóng BHYT cho người lao động của các chủ doanh nghiệp và đề nghị bổ sung  quy định cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chuyên môn, nghiệp vụ để làm trái với pháp luật về BHYT, gây ảnh hưởng xấu đến quỹ BHYT. Đề nghị kiểm toán Nhà nước về  quỹ BHYT phải được tiến hành  thường xuyên, đột xuất  và kiểm toán định kỳ  đối với Quỹ BHYTđể vừa kiểm soát được việc sử dụng quỹ, vừa tạo điều kiện cho hoạt động của tổ chức BHYT…

Còn hơn 20 đại biểu đăng ký phát biểu ý kiến, nhưng chưa có điều kiện phát biểu, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị các đại biểu gửi  các ý kiến đóng góp của mình bằng văn bản tới Ban soạn thảo để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật BHYT , trình QH thông qua  trong kỳ họp này.

 

Lê Hoàng và Thế Lân

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác