Tài nguyên-môi trường: Nhiều tồn tại và thách thức

12/11/2008

(VOV) - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên: Để đưa ra một giải pháp mạnh, giải quyết triệt để vấn đề môi trường cần phải có một tính toán rất kỹ trên trục phát triển bền vững, vừa phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế

Hôm nay (11/11), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội bắt đầu nội dung chất vấn các thành viên Chính phủ ở Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII, với 4 vị Bộ trưởng và người đứng đầu ngành đầu tiên trả lời chất vấn gồm: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu.

Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên, là người đầu tiên trả lời chất vấn. Đối với Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, đây cũng là lần đầu tiên ông đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Tính đến 17 giờ chiều 10/11, Bộ Tài nguyên-Môi trường đã nhận được 30 câu hỏi chất vấn, trong đó 24 chất vấn tập trung về môi trường, về vấn đề quản lý Nhà nước đối với tình trạng môi trường ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay, trách nhiệm và giải pháp của Bộ; làm rõ vi phạm của công ty Vedan, trách nhiệm của hệ thống quản lý Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, rút kinh nghiệm gì với các trường hợp tương tự Vedan; 4 chất vấn về đất đai; 3 chất vấn về khoáng sản. Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường có 110 phút để nghe và trả lời chất vấn của các đại biểu.

Vedan đã đóng cửa nhà máy

Trong 24 chất vấn về môi trường có tới 15 chất vấn về vụ việc của công ty Vedan thời gian qua, câu hỏi của đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) đặt vấn đề với Bộ trưởng rằng pháp luật sẽ xử lý ra sao đối với vụ việc của Vedan khi không chấp hành nghiêm chỉnh quyết định của Bộ Tài nguyên-Môi trường. Có hay không sự đùn đẩy trách nhiệm giữa Bộ Tài nguyên-Môi trường và tỉnh Đồng Nai. Đại biểu cũng đặt câu hỏi vì sao lãnh đạo Bộ Tài nguyên-Môi trường có nói sẽ tấn công vào các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, sẽ xử Vedan ở mức cao nhất nhưng đến nay Vedan thoát tội, chỉ phạt mà không đình chỉ hoạt động?

Trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định Vedan đã đóng cửa 3 nhà máy trong tổng số 7 nhà máy. Tính đến 10 giờ tối qua (10/11), Vedan đã thực hiện nghiêm túc quyết định xử phạt hành chính. Đã phá 3 đường cống ngầm thoát nước, còn 2 đường đang được hàn lại. Bắt đầu lắp đặt thiết bị cho bể xử lý nước thải, Vedan cũng cam kết trong 3 tháng sẽ hoàn thành sửa chữa hệ thống thiết bị cũ và hệ thống thiết bị mới sẽ được lắp đặt và hoàn thiện trong khoảng 5-8 tháng. Ngoài ra, Vedan cũng đã nộp đủ số tiền 257 triệu đồng phạt hành chính. Trong số tiền 127 tỷ Vedan phải hoàn trả do xử lý nước thải từ năm 2004 đến nay, Vedan cũng đã nộp 15 tỷ và cam kết từ nay đến cuối năm sẽ nộp 50% số đó, số còn lại Vedan sẽ nộp hết vào cuối năm 2009.

Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, trong vụ việc này, Bộ Tài nguyên-Môi trường đã cố gắng tối đa trong việc theo dõi, kiểm tra và xử lý vi phạm của Vedan. Tuy nhiên, qua đây đã rút ra một bài học đó là lực lượng làm công tác về môi trường còn yếu, thiếu kinh nghiệm. Đối với những đối tượng sử dụng kỹ thuật tinh vi, với những hành vi cố ý và có tổ chức như Vedan, lực lượng môi trường của chúng ta khó có thể phát hiện sớm. Bộ trưởng cũng khẳng định, giữa Bộ và địa phương không hề có sự đùn đẩy trách nhiệm. Quyền hạn của Bộ Tài nguyên-Môi trường chỉ có quyền xử phạt vi phạm hành chính, còn việc dừng các khâu sản xuất của nhà máy thuộc thẩm quyền của địa phương. Trong Luật Môi trường có quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh xử lý các cơ sở kinh doanh trên địa bàn của mình.

Bộ trưởng cũng cho biết, sau khi vụ việc bị phát hiện bởi thanh tra và công an môi trường, Bộ đã báo cáo Chính phủ và được chỉ đạo xử lý vụ việc một cách kiên quyết và đúng pháp luật, có thể xử lý đến mức cao nhất theo pháp luật của Việt Nam. Trong quá trình xử lý vụ việc, 2 công nhân của Đài Loan đã bị tạm giam, đây là những người mà 15 năm qua chỉ ăn lương để điều chỉnh hệ thống tự động thoát nước mà không ai trong số 2.600 công nhân ở công ty biết đến hệ thống này. Về phía công ty Vedan đã nhận khuyết điểm của mình và đồng ý chấp nhận việc bồi thường sai phạm.

Bộ trưởng cũng chia sẻ những khó khăn trong quá trình phát hiện và xử lý vụ việc. Suốt thời kỳ kiểm tra, thanh tra từ năm 2000-2005, lần nào tiến hành kiểm tra, Sở Tài nguyên-Môi trường Đồng Nai đều cho thấy các yêu cầu về nước thải và các tiêu chuẩn khác đều đạt hoặc xấp xỉ đạt yêu cầu. Bản thân thanh tra Bộ Tài nguyên-Môi trường cũng quyết định xuống kiểm tra không báo trước một vài lần nhưng bảo vệ công ty không cho vào. Điểm khó khăn là nếu báo trước, Vedan sẽ cho xả nước thải vào hệ thống xử lý, đó là lý do vì sao mà những lần thanh tra, kiểm tra của Sở Tài nguyên-Môi trường Đồng Nai đều không phát hiện dấu hiệu sai phạm.

Lộ trình xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đến năm 2015

Các đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) và Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) chất vấn về giải pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường thời gian qua một cách toàn diện nhưng vẫn bảo đảm người dân sản xuất ra nguyên liệu vẫn được tiêu thụ, người lao động vẫn có việc làm, Nhà nước vẫn thu được ngân sách. “Bộ trưởng đã từng trả lời là rất khó, đề nghị trả lời rõ hơn khó thì phải làm thế nào và ai là người chịu trách nhiệm để Nhà nước tiếp tục kêu gọi đầu tư, người lao động có việc làm, ngân sách được thu, Luật Bảo vệ môi trường vẫn được thực hiện nghiêm minh” - đại biểu Nguyễn Thị Khá nhấn mạnh.

Trả lời các chất vấn trên, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam hiện nay là vô cùng nghiêm trọng, vấn đề khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay là một vấn đề khó, đòi hỏi phải nghiên cứu. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, có nhiều vấn đề tồn tại xung quanh tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay là do lịch sử để lại: trước khi tiến hành CNH-HĐH đất nước, 80% cơ sở, nhà máy của chúng ta đều sử dụng công nghệ của những năm 80, thậm chí 70, 60 của thế kỷ trước, hầu hết những công nghệ này đều gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, qua thống kê cho thấy có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, 1.450 làng nghề (trong tổng số 2.100 làng nghề) cũng đang trong tình trạng gây ô nhiễm môi trường, cùng với những tồn tại do chiến tranh để lại (3 cơ sở bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học dioxin) dù đã kêu gọi các tổ chức quốc tế, tiêu tốn rất nhiều tiền của để khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp. Tiếp đến là những ảnh hưởng đến chất lượng môi trường từ tăng trưởng kinh tế không có giải pháp bảo vệ môi trường theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam ngày càng trầm trọng.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng, để đưa ra một giải pháp mạnh, giải quyết triệt để vấn đề môi trường như nhiều đại biểu Quốc hội đề cập, cần phải có một tính toán rất kỹ trên trục phát triển bền vững, vừa phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, vừa phải đảm bảo giải quyết việc làm cho người dân và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, Bộ Tài nguyên-Môi trường đã xác định lộ trình từ nay đến 2015: trước mắt phải xử lý 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 65% trong số này sẽ được giải quyết dứt điểm trong năm 2009. Trong số 65% cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng này, sẽ tập trung vào các Khu công nghiệp (hiện có trên 60% số khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải chưa đạt tiêu chuẩn Việt Nam); các nhà máy hóa chất, các nhà máy có tiềm năng gây ô nhiễm lớn, nguy hiểm.

Bộ trưởng cũng cho rằng, những thảo luận có trách nhiệm của đại biểu Quốc hội về vấn đề môi trường trên diễn đàn Quốc hội sẽ là thông điệp quan trọng của Quốc hội đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đang vi phạm về ô nhiễm môi trường để họ tự giác xử lý những vi phạm của mình.

Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, bên cạnh những tồn tại nêu trên, cũng có nhiều tín hiệu đáng mừng trong công tác bảo vệ môi trường. Trong 2 năm gần đây, đặc biệt từ khi có Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ đã ban hành 8 Nghị định, 15 Quyết định liên quan đến bảo vệ môi trường. Bản thân Bộ Tài nguyên-Môi trường và các bộ, ngành liên quan cũng đã ban hành khoảng 50 Thông tư. Tổ chức UNDP và các tổ chức quốc tế khác trong đánh giá chính thức về báo cáo môi trường của Việt Nam cho rằng, trong vòng 15 năm gần đây, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, việc xây dựng thể chế, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường của Việt Nam bằng các nước có cùng điều kiện kinh tế-xã hội với Việt Nam xây dựng trong khoảng 30-40 năm.

Ngoài những nội dung liên quan vấn đề môi trường, nhiều chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường còn tập trung vào các vấn đề quản lý Nhà nước đối với tài nguyên biển và làm gì để nâng cao chất lượng dự báo thời tiết; quan điểm và dự định giải quyết vấn đề nhà dân ở hai bên đường quốc lộ, gây nguy cơ tai nạn giao thông, gây tốn kém trong đền bù giải phóng mặt bằng; Những tồn tại trong việc ban hành các văn bản dưới luật về lĩnh vực đất đai, dẫn đến tình trạng bức xúc, khiếu kiện kéo dài; Tình trạng mất quá nhiều đất ruộng lúa quanh các tỉnh lộ; Bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn gen quý hiểm của động vật…

Sau phần đăng đàn của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên là phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Cao Đức Phát./.

Thanh Hà - Minh Hòa

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác