Chất vấn Thủ tướng Chính phủ: Hỏi và trả lời đã đi thẳng vào vấn đề

14/11/2008

(VOV) - Trọn thời gian sáng nay (13/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có báo cáo giải trình về một số tình hình và những yêu cầu mới cần tập trung chỉ đạo điều hành; một số nội dung được nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn.

Bản báo cáo giải trình dài gần 15 trang của Thủ tướng Chính phủ không chỉ thông tin về những tình hình mới nhất trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế- xã hội năm 2009, mà còn kết hợp giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm. Điểm nhấn trong báo cáo của Chính phủ là công tác xuất nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu, vấn đề tiêu thụ lúa gạo cho đồng bào vùng đồng bằng sông Cửu Long, vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, phương hướng sắp tới để phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường…

Xây dựng vai trò đầu tàu của DNNN: phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Về tình hình tài chính, kết quả hoạt động cũng như vai trò của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết cần thống nhất nhận thức về vị trí của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Doanh nghiệp Nhà nước giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô, làm lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế Nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, việc xem xét, đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước phải dựa trên quan điểm toàn diện cả về kinh tế, chính trị, xã hội...

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các tập đoàn và tổng công ty đã được cơ cấu lại, thích ứng tốt hơn với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, hiệu quả và khả năng cạnh tranh được nâng lên, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước (khoảng 40% GDP). Hệ thống doanh nghiệp Nhà nước đang giữ vai trò chủ lực trong phát triển kết cấu hạ tầng, sản xuất tư liệu sản xuất và kinh doanh những dịch vụ quan trọng, nhiều lĩnh vực đã mang lại hiệu quả chung cho nền kinh tế.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, bất cập của doanh nghiệp Nhà nước: Có tổng giá trị tài sản và vốn sở hữu lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn là chưa tương xứng và khả năng tạo việc làm còn thấp; các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước chưa phát huy thật tốt vai trò tiên phong trong việc tổ chức thị trường nội địa, đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ; tính liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp này với khu vực dân doanh còn yếu, vì vậy, chưa thực hiện tốt vai trò đầu tàu và khả năng dẫn dắt các doanh nghiệp dân doanh. Một số doanh nghiệp còn buông lỏng quản lý, để xẩy ra thất thoát, tham nhũng. Những yếu kém đó theo Thủ tướng có nguyên nhân từ chính doanh nghiệp nhưng cũng có nguyên nhân từ cơ chế quản lý và cơ cấu kinh tế.

Thủ tướng cho rằng, thái độ của chúng ta là phải tập trung sức đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước để doanh nghiệp Nhà nước thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là yêu cầu khách quan và cũng là quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm hoàn thiện.

Thủ tướng cũng đưa ra 5 công việc nhằm khắc phục những yếu kém và hạn chế của doanh nghiệp Nhà nước, phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của khu vực này trong thời gian tới. Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế luật pháp, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Hai là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước; Ba là, tiếp tục thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước trong đó có các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước theo kế hoạch đã xác định; Bốn là, tăng cường và phát huy vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp Nhà nước. Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong doanh nghiệp; Năm là, tăng cường giám sát hoạt động, thực hiện minh bạch, công khai kết quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, nhất là hoạt động của các tập đoàn và tổng công ty.

Điều hành xuất khẩu gạo bảo đảm lợi ích toàn cục

Liên quan đến vấn đề tiêu thụ lúa và điều hành xuất khẩu gạo, Thủ tướng nêu rõ, từ trước đến nay, trong điều hành xuất khẩu gạo, Chính phủ đề ra phải đạt được các yêu cầu: tiêu thụ hết lúa hàng hoá với giá hợp lý, có lợi cho nông dân; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống; ổn định giá gạo trong nước ở mức phù hợp.

Ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đề ra chỉ tiêu định hướng điều hành xuất khẩu cho cả năm là 4 - 4,5 triệu tấn và xem xét điều chỉnh vào đầu quý III. Chính phủ cũng yêu cầu tiến độ giao hàng xuất khẩu phải phù hợp với nguồn hàng hoá lương thực của từng mùa vụ, bảo đảm cân đối cung cầu trong nước, không để đầu cơ tăng giá, góp phần thiết thực vào kiềm chế lạm phát.

Trên cơ sở kết quả sản xuất vụ Mùa năm 2007 và dự báo sản lượng lúa Đông Xuân ở đồng bằng sông Cửu Long, sau khi cân đối bảo đảm cho các nhu cầu tiêu dùng trong nước, lượng gạo hàng hoá dành cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm là khoảng 2,3 - 2,5 triệu tấn và đã ký hợp đồng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm là trên 2,4 triệu tấn. Đến cuối tháng 3, mặc dù giá lương thực thế giới tăng cao nhưng theo nhiều dự báo, thế giới có thể thiếu lương thực nghiêm trọng, kéo theo giá lương thực trong nước tăng cao; trong khi đó không ít doanh nghiệp lại tăng cường mua vào (để tích trữ cho xuất khẩu) nên tiếp tục đẩy giá gạo trong nước tăng lên. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm ngừng ký thêm các hợp đồng xuất khẩu mới.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cho ký hợp đồng xuất khẩu thêm để tận dụng cơ hội thị trường khi giá gạo đang cao. Thủ tướng phân tích: nếu chúng ta cho ký hợp đồng mới, bán thêm gạo và giao hàng ngay trong các tháng 4, 5, 6 thì có thể bán được một số ít gạo với giá cao hơn nhưng các doanh nghiệp sẽ phải mua vét phần gạo cân đối để tiêu dùng trong nước đem đi xuất khẩu. Điều này sẽ đẩy giá gạo trong nước, vốn đã cao, càng lên cao hơn, kéo theo giá các hàng hoá khác tăng mạnh, chắc chắn sẽ làm chỉ số lạm phát tăng cao, gây thiệt hại cho toàn xã hội và ngay cả những người trồng lúa. Còn trường hợp nếu không may vụ Đông Xuân ở miền Bắc hoặc vụ Hè Thu bị thất mùa thì nước ta sẽ thiếu lương thực lớn, hậu quả về kinh tế, xã hội sẽ rất nghiêm trọng. Do vậy, việc tạm dừng ký bán thêm gạo giao ngay trong tháng 4, 5, 6 là cần thiết nhằm bảo đảm đủ tiêu dùng trong nước, giữ giá gạo trong nước hợp lý, không bị đẩy lên quá cao, góp phần quan trọng, thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát và bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước trong tình huống bất trắc rất khó lường.

Tuy nhiên, để tận dụng giá xuất khẩu gạo cao, Chính phủ đã chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu tiến hành đàm phán với khách hàng điều chỉnh tăng giá đối với các hợp đồng đã ký và nhiều hợp đồng đã được điều chỉnh. Từ đầu tháng 6, khi tình hình vụ Đông Xuân ở miền Bắc và vụ Hè Thu ở đồng bằng sông Cửu Long có triển vọng tốt, Chính phủ đã chỉ đạo ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu mới. Đến ngày 10/11 các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu được trên 4,5 triệu tấn. Hiện các doanh nghiệp đang tiếp tục đàm phán để ký hợp đồng bán với khối lượng lớn (trên 1,5 triệu tấn) và sẽ giao hàng ngay từ tháng 12/2008.

Để tiêu thụ lúa hàng hoá còn lại cho nông dân, Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo và hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp đẩy mạnh mua vào. Sau khi hoàn thành chỉ tiêu mua 900 nghìn tấn gạo, hiện các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục mua thêm (trong đó có 300 nghìn tấn gạo mua theo chỉ đạo của Chính phủ) để tiêu thụ hết lúa hàng hoá và bảo đảm nguồn hàng cho các hợp đồng đã ký và có gối đầu cho xuất khẩu trong quý I/2009.

Theo tổng kết của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm xuất khẩu được trên 2,4 triệu tấn, tăng 50 nghìn tấn so cùng kỳ; đến hết tháng 10 đã xuất khẩu được trên 4 triệu tấn; ước cả năm xuất khẩu đạt khoảng 4,7 triệu tấn, tăng khoảng 200 nghìn tấn so năm trước, kim ngạch đạt khoảng 2,8 tỷ USD, giá xuất khẩu đạt trên 600 USD/tấn, gấp đôi năm ngoái (tương đương với giá gạo xuất khẩu Thái Lan); an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm; giá lương thực trong nước cơ bản giữ được ổn định, góp phần rất quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát. Bình quân cả 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu ở đồng bằng sông Cửu Long năm nay, tỷ lệ lãi vẫn đạt khoảng 60%.

Tuy vậy, trong điều kiện lạm phát tăng cao, với thu nhập này thì đời sống người trồng lúa vẫn còn nhiều khó khăn. Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp cần thiết để hỗ trợ bà con nông dân trồng lúa và yêu cầu các Bộ chức năng nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm để chỉ đạo điều hành tốt hơn. Về lâu dài, Chính phủ cũng đang chỉ đạo xây dựng Đề án bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đề ra các giải pháp khắc phục các hạn chế yếu kém, giải quyết một cách căn bản, dài hạn và có hiệu quả hơn về sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an ninh lương thực, trong đó bảo đảm lợi ích thoả đáng cho người trồng lúa vừa là mục tiêu vừa là giải pháp có ý nghĩa quyết định.

Nêu ý kiến chất vấn Thủ tướng Chính phủ tại Hội trường, đa số ý kiến đại biểu đều chia sẻ với những đánh giá được xem là rất thẳng thắn và có trách nhiệm của Thủ tướng.

“Nói cơ quan hành chính “hành dân là chính” là áp đặt, không đúng thực tiễn”

Đặt câu hỏi với Thủ tướng về việc công tác cải cách hành chính còn chưa đạt yêu cầu, không có đột phá, tinh giản biên chế cũng chưa đạt yêu cầu, cơ quan hành chính vẫn “hành dân là chính”, đại biểu Nguyễn Hồng Anh (đoàn Hà Nội) đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp nào cho vấn đề này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận, cải cách hành chính so với yêu cầu và thực tế là chưa đạt, nhưng đã có bước tiến dài. Vì cải cách hành chính bao gồm cả cải cách thể chế thủ tục, bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cả cải cách hành chính công, đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng so với yêu cầu chưa đạt và chưa là khâu đột phá. Tóm lại, thời gian tới sẽ tiếp tục phải rà soát sao cho thể chế này phù hợp kinh tế thị trường, vận hành linh động, hiệu quả hơn và kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng công chức, rà soát cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực.

Thủ tướng cho rằng quy kết “cơ quan hành chính vẫn hành dân là chính” là không đúng thực tiễn. Vẫn còn một bộ phận hành chính của chúng ta đang tiếp tục được kiện toàn và xây dựng.

Xử lý vi phạm môi trường: Hài hòa các lợi ích

Quan tâm đến vấn đề môi trường, chất vấn Thủ tướng trên Hội trường, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) đồng tình với thái độ của Thủ tướng và quyết tâm của Chính phủ trong vấn đề bảo vệ môi trường, nhưng cho rằng hiện số doanh nghiệp gây ô nhiễm và tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khá nhiều. Đại biểu đặt vấn đề với Thủ tướng là làm thế nào để việc xử lý không ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người lao động, vẫn đảm bảo an sinh xã hội? Sau vụ vi phạm của Vedan, nhiều địa phương đã đưa ra nhiều vụ việc vi phạm môi trường khác, tuy nhiên hiện đang chững lại. Đại biểu cho rằng “ý kiến của Thủ tướng hôm nay rất quan trọng. Ý Thủ tướng thế nào?”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định về xử lý môi trường, Chính phủ đã nêu rõ chủ trương. Hiện đã có các chương trình, kế hoạch để xử lý những vụ việc hiện tại, nhất định chúng ta phải xử lý, nhưng phải theo một lộ trình. Như Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc nói, trước ta chưa quan tâm tới môi trường bởi chúng ta chưa có điều kiện quan tâm đúng mức. Vấn đề là mong muốn nhưng phải có điều kiện, vì vậy cần phải có thời gian.

Trước mắt, bệnh viện nào thuộc quản lý ở cấp trung ương thì trung ương bố trí ngân sách; bệnh viện thuộc quản lý địa phương, địa phương sẽ bố trí ngân sách để xử lý từng bước. Mà ngân sách của ta thế nào, các đại biểu biết cả rồi.

Chính phủ cũng chủ trương ngăn chặn những vi phạm mới, không vì lợi ích trước mắt mà hy sinh môi trường. Vừa rồi Chính phủ đã từ chối dự án thép trị giá 4 - 5 tỷ USD vì vấn đề môi trường. Nhiều địa phương cũng đã làm như vậy.

Về tinh thần xử lý, Thủ tướng trao đổi, đã là cơ quan hành chính, dứt khoát phải xử lý theo đúng pháp luật, nhưng cũng phải xem có lợi nhất. Ví dụ như vụ Vedan, chính tôi yêu cầu Chủ tịch UBND Đồng Nai kiểm tra nếu chưa thấy thực hiện đúng quyết định của Bộ Tài nguyên- Môi trường thì phải xử lý. Xử lý làm sao để Vedan không thải nước thải không đạt tiêu chuẩn quy định ra bên ngoài nhưng Vedan vẫn phải hoạt động và hoạt động được vì đây là năng lực sản xuất của xã hội. Chúng ta xử lý vừa đúng pháp luật, vừa đạt lợi ích.

Ngành điện độc quyền là sự  tự nhiên

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn Hà Nội) cho rằng hình như ngành Điện “làm mình làm mẩy” để tăng giá điện. “Thủ tướng thấy có biểu hiện đó không? Bao giờ chấm dứt độc quyền ngành điện để dân được nhờ ?”

Thủ tướng khẳng định ngành Điện độc quyền là sự tự nhiên. Chúng ta có 1 tập đoàn điện lực thôi. Đảng, Chính phủ khuyến khích ngành điện, kêu gọi đầu tư, nhưng chỉ mới chỉ có 2 dự án BOT, 1 dự án nước ngoài công suất 300 MW. Doanh nghiệp điện chỉ đáp ứng 60% còn 40% là bên ngoài. EVN vừa sản xuất phần lớn, vừa giữ độc quyền phân phối. Nhà nước độc quyền và giao ngành điện thực hiện.

Chính phủ đã giao Bộ Công thương tách truyền tải và phân phối, Bộ đang làm việc này. Theo đó, sẽ có nhiều thành phần cùng tham gia sản xuất điện, nhưng Chính phủ giữ độc quyền phân phối. Đề án được thiết kế theo tinh thần lập một Doanh nghiệp để làm. Nhà nước vẫn phải độc quyền phân phối. Đây là việc làm khó, nhưng sẽ phải tiến hành từng bước.

Về vụ việc EVN trả lại 13 dự án điện, Thủ tướng phát biểu: “Bộ trưởng Bộ Công thương có nói, lợi nhuận của EVN vừa rồi là 3%, nhưng tôi xem kỹ lại thì là 5%, đây là mức thấp. Tại sao thấp? Giá thành như thế, giá bán như thế, ngân sách không bù lỗ mà bù chéo, bán cao bù cho bán thấp”.

EVN là Tổng công ty Nhà nước ra đời rất sớm. Để đảm bảo điện đến 2015, tiến tới 2025, với khoảng gần 61.000 MW, EVN sản xuất 75%, còn lại giao DN khác, khuyến khích thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên, để tránh sự độc quyền, Chính phủ muốn EVN giữ trên 50%. Như vậy, muốn có được lượng điện này phải có 882.000 tỷ đồng. EVN cũng đã cố gắng nhưng lợi nhuận thấp, cơ chế thị trường, ngân hàng từ chối cho vay. Chính phủ cũng đã phối hợp xử lý, nhưng EVN không đủ vốn. Chính phủ không thể ra lệnh ngân hàng cho vay được, có ngân hàng sẵn sàng cho vay nhưng Chính phủ phải bảo đảm. Chính phủ đã họp và quyết định chuyển bớt 13 dự án, với mức đầu tư khoảng 283.000 sang cho Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than - khoáng sản.

Như vậy EVN không từ chối, thoái thác nhiệm vụ Chính phủ giao mà sẵn sàng nhận, nhưng mong Chính phủ hỗ trợ thêm vốn. Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ bằng cách đưa bớt dự án sang cho 2 tập đoàn kia đang có vốn đầu tư.

Thủ tướng chia sẻ “Còn không biết thế nào là EVN làm mình làm mẩy. Thực trạng là như thế. Ngành điện cũng đã hết sức cố gắng. 5 năm vừa, với mức thu nhập khống chế vì là DNNN nên 4.000 kỹ sư điện đã ra khỏi ngành. Đây là điều trăn trở của Thủ tướng, của Ngành điện lực”.

Thể hiện rõ vai trò của chất vấn và trả lời chất vấn

Sau 3 tiếng đăng đàn, phần trả lời chất vấn của Thủ tướng đã khép lại hoạt động chất vấn tại kỳ họp này. Một kỳ chất vấn theo đánh giá của dư luận, cử tri là tương đối sôi động, hấp dẫn và có hiệu quả thiết thực. Với sự có mặt của hơn 96% số đại biểu Quốc hội, sự tham gia của hầu hết các thành viên Chính phủ, đặc biệt sự theo dõi thường xuyên của hàng chục triệu cử tri cả nước đã cho thấy vai trò quan trọng về chất cũng như chất lượng của hoạt động chất vấn nói chung, hoạt động chất vấn tại kỳ họp này nói riêng.

Nội dung các chất vấn đã thể hiện sự sắc sảo, trúng những vấn đề thời sự bức xúc, nóng hổi của thực tiễn cuộc sống, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước. Phần trả lời của các vị Bộ trưởng, trưởng ngành cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, tuy một số câu trả lời có thể chưa làm hài lòng đại biểu, cử tri, nhưng đã cho thấy tinh thần trách nhiệm cao của các vị tư lệnh ngành đối với các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội.

Chiều nay, theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua 5 Luật: Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi), Luật Cán bộ công chức, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Đa dạng sinh học và Luật Công nghệ cao./.

 

Thanh Hà - Minh Hoà

(http://www.vovnews.com.vn)

Các bài viết khác